Trên 600 cây được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Ngày 28/11, tại Đại hội đại biểu Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) khóa VI (2013 - 2018), thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các đại biểu tham dự đã thống nhất trong nhiệm kỳ tới Hội tiếp tục tăng cường năng lực tư vấn, phản biện, thẩm định xã hội về tác động môi trường và phát triển bền vững. Việc này sẽ đóng góp thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa.

Cây bàng 225 tuổi tại chùa Hưng Long. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN


Đại hội xác định, các thành viên trong Hội tích cực tham gia thực hiện tư vấn, phản biện quy hoạch, các chiến lược thích nghi với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, huy động, tổ chức lực lượng toàn Hội vào việc tư vấn giải quyết các vấn đề bức xúc về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đang đặt ra ngày càng nhiều và phức tạp.

Trong công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục môi trường, Hội chú trọng phát triển các hình thức truyền thông môi trường thông qua các sự kiện như đạp xe truyền thông, các chương trình khảo sát và truy tặng danh hiệu, các Hội chợ - Triển lãm quốc tế…về môi trường.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh tiếp tục được giữ chức Chủ tịch Hội khóa VI.

Hội cũng tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại cả trong và ngoài nước; chú trọng mối quan hệ đặc biệt và mang tầm chiến lược giữa Hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường, với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam; tăng cường hợp tác với các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, các đối tác quốc tế truyền thống.

Trong nhiệm kỳ 2008-2013, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường đã chủ động tiến hành các hoạt động phản biện xã hội đối với các vấn đề nóng” về môi trường. Hội chú trọng đến vấn đề nhập khẩu phế liệu, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch bảo vệ môi trường của một số tỉnh/ thành phố, vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn và đặc biệt là tại dãy Trường Sơn như một hệ thống hoàn chỉnh. Hội thảo Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam được Hội liên tục tổ chức thành công trong các năm 2008, 2010, 2011 và 2013 có thể coi là một hoạt động tư vấn, phản biện rất có ý nghĩa về đối nội và cả đối ngoại.

Đặc biệt, sự kiện “ Bảo tồn cây di sản Việt Nam” được coi là hoạt động tiêu biểu của Hội trong nhiệm kỳ này. Đến nay, trên 600 cây thuộc 45 loài ở 35 tỉnh/thành phố đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Sự kiện đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của cộng đồng cả nước, được chính quyền các cấp hưởng ứng, tham gia. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa thiết thực về bảo vệ cây, bảo tồn đa dạng sinh học, là một phương thức bảo tồn mang tính chất cộng đồng, là sự kết hợp giữa bảo tồn đa dạng sinh học với bảo vệ môi trường.


Thu Phương
Cây thị 200 năm tuổi nhận danh hiệu 'cây Di sản'
Cây thị 200 năm tuổi nhận danh hiệu 'cây Di sản'

Cây thị trên 200 năm tuổi tại nhà thờ Họ Lê, thôn Đề An, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN