Trị tận gốc tình trạng lấn chiếm vỉa hè

Cùng với sự ra quân rầm rộ của quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) trong việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, Hà Nội cũng đã có những giải pháp căn cơ nhằm tránh tình trạng “ném đá ao bèo” như bấy lâu.

Nguy cơ tái diễn vi phạm


Khi thực hiện quyết liệt giải tỏa vỉa hè trong những ngày qua, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, đã có những phát ngôn cương quyết và rất ấn tượng, khẳng định việc giải tỏa vỉa hè phải được thực hiện một cách công bằng, không nể nang, không có ngoại lệ và cả người dân lẫn cơ quan nhà nước, nếu lấn chiếm vỉa hè đều phải xử lý như nhau... Tuy nhiên, cách làm này dường như chỉ tạo tiếng vang và hiệu ứng xã hội tốt, chứ chưa phải là giải pháp căn cơ để thiết lập trật tự vỉa hè.

Phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tháo dỡ biển quảng cáo sai quy định.

Thực tế tại quận 1 cho thấy, chỉ vài ngày thiếu bóng dáng của đoàn kiểm tra, một số tuyến đường sau khi được xử lý quyết liệt đã bắt đầu “trở lại nguyên trạng”. Điều này đặt ra một vấn đề đó là ngoài việc xử lý quyết liệt để lập lại trật tự vỉa hè, chính quyền cần phải chú trọng hơn đối với công tác quản lý để duy trì trật tự vỉa hè.

Tại Hà Nội, trong 1 tháng qua cũng triển khai duy trì trật tự văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông; trong đó, tập trung giải tỏa vỉa hè cho người đi bộ.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Việc đảm bảo trật tự và văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông năm 2017 là kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được trong 3 năm liền (2014 - 2017) về thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Chính vì vậy, các cửa hàng tại khu phố cổ, phố cũ đã biết quy định trong việc để xe đúng quy định, tuyến phố không được phép lấn chiếm vỉa hè. Việc ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị trong gần 1 tháng qua nhằm đôn đốc chính quyền cơ sở vào cuộc thường xuyên trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trên thực tế, với vỉa hè khu phố cổ chật hẹp, chỉ cần nơi lỏng, "xuê xoa" lại xảy ra nguy cơ tái phạm".

Theo thống kê của UBND quận Hoàn Kiếm, năm 2016, lực lượng chức năng thống kê trên địa bàn có 226 điểm phức tạp về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông. Đến cuối năm 2016, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã xóa bỏ 131 điểm và còn 95 điểm đang tập trung giải quyết.

Để giải quyết các tụ điểm lấn chiếm vỉa hè, các phường thành lập tổ kiểm tra liên ngành gồm công an, đội tự quản, hội phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền và xử lý nghiêm vi phạm.

Giải pháp căn cơ

Ông Hoàng Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm): 

Tuyên truyền là trọng tâm 

Để chống lấn chiếm vỉa hè, phường xác định tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành. Trên địa bàn phường Hàng Bông có 2 tuyến phố “Văn minh, đô thị” gồm Tràng Thi và Hàng Bông, tập trung lưu lượng qua lại người đông. “Phố Tràng Thi phức tạp nhất là vấn đề hàng rong. Để giải quyết tình trạng này, phường đã làm việc với 4 bệnh viện lớn trên địa bàn về bố trí chỗ để xe, phân luồng tuyến từ trong bệnh viện, tổ chức căng tin hợp lý để giảm bớt người ra mua hàng rong. Trong khi đó tuyến phố Hàng Bông tập trung nhiều cửa hàng buôn bán, các tổ chức đoàn thể tiếp tục vận động cửa hàng để xe đúng nơi quy định và gửi tại bãi xe. Nhờ đó, chúng tôi đã giải quyết được mâu thuẫn giữa chỗ để xe và nhu cầu kinh doanh, mua hàng.

Các chuyên gia về quản lý đô thị cho rằng, việc thiết lập trật tự vỉa hè muốn giải quyết một cách căn cơ, đòi hỏi phải chú trọng rất nhiều từ khâu tổ chức, quy hoạch và quản lý gắn với quyền lợi của người dân.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, chính quyền siết chặt công tác quản lý trật tự lòng lề đường ngay từ khâu quản lý địa bàn bằng giải pháp quy hoạch với những quy định thống nhất và buộc người dân chấp hành. Việc kiểm tra, xử lý được thực hiện thường xuyên và phạt rất nặng đối với sai phạm chứ không để sai phạm bùng phát rồi ra quân xử lý từng đợt như cách mà các địa phương đang làm như hiện nay.

Còn phản ánh từ dư luận xã hội cho thấy, nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình với biện pháp lập lại trật tự đô thị (TTĐT) mang tính bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Ban chỉ đạo 197 Hà Nội, từ ngày 10/3, toàn thành phố Hà Nội đồng loạt ra quân tổng kiểm tra xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), TTĐT. Việc xử lý vi phạm triển khai theo hình thức “cuốn chiếu”, làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp chỉ đạo việc xử lý vi phạm TTĐT, phải làm kiên trì và đi đúng 3 bước: Bước một, Chủ tịch UBND các phường, xã phải thành lập các tổ đến từng hộ dân có nhà ở mặt đường để tuyên truyền thuyết phục và có thư ngỏ, tuyên truyền đến các hộ dân này chấp hành nghiêm quy định. Sau khi tuyên truyền, bước tiếp theo là kiểm tra các hộ dân này xem họ thực hiện như thế nào. Giữa tuyên truyền và kiểm tra cần cho người dân một khoảng thời gian nhất định để họ thực hiện. Bước cuối cùng mới cưỡng chế và xử phạt nghiêm đối với tất cả các vi phạm này. Làm được điều đó thì người dân mới tâm phục khẩu phục.

Chỉ ra 14 loại hình vi phạm phổ biến về TTĐT trên địa bàn thành phố hiện nay, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Không vì mấy hộ kinh doanh vi phạm, vì mấy người bán hàng rong mà để Thủ đô nhếch nhác, ảnh hưởng đến văn minh TTĐT. Năm nay là năm kỷ cương, hành chính, nếu kiểm tra đến lần thứ 3 mà vẫn không làm được thì phải xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND và Trưởng Công an các phường. Nếu cơ sở kinh doanh vi phạm đến lần thứ 3 thì yêu cầu thu giữ giấy phép kinh doanh, bất kể hàng hóa đó là hàng gì. Khi nào họ cam đoan khắc phục, không tái phạm thì mới cấp phép cho hoạt động. Chỉ khi nào người dân tự giác chấp hành thì lúc đó kết quả mới bền vững”.

Bên cạnh xử lý vi phạm, giải pháp căn cơ khác được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ ra là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trông giữ xe. Sở Giao thông vận tải Hà Nội (GTVT) thí điểm xây dựng các bãi trông giữ xe bằng hệ thống thiết bị thông minh trên 2 tuyến phố Trần Hưng Đạo và Hai Bà Trưng. Sở GTVT tổ chức kiểm tra, khảo sát công bố công khai những điểm trông giữ phương tiện; thu lại tất cả các điểm trông giữ xe hiện nay, kể cả của các cơ quan nhà nước ở ngoài đường để đảm bảo công bằng. Các phương tiện trông giữ được thu phí theo giờ, chấm dứt việc nhiều công ty, điểm trông giữ hiện nay thu quá giá quy định, gây thất thoát ngân sách của Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Mậu (phố Tạ Hiện, Hoàn Kiếm, Hà Nội): Giảm thu nhập 

Trong những ngày qua, tổ dân phố đến tuyên truyền vận động không lấn chiếm vỉa hè nên tôi đã thu gọn đồ đạc lại không để tràn xuống vỉa hè như trước. Hầu hết các hộ dân khu vực đều sống bám vào mặt phố, vỉa hè. Nên việc không cho khách ngồi vỉa hè sẽ làm giảm thu nhập.


Để giải quyết những vi phạm về xe ba bánh giả danh xe thương binh, Chủ tịch UBND TP giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê lại số lượng thương binh sử dụng loại xe này trên địa bàn để từ đó có giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; xử lý nghiêm đối với các đối tượng giả danh thương binh sử dụng loại xe này; giao Sở Du lịch, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra, khống chế số lượng xe xích lô chỉ còn 50 phương tiện trên địa bàn thành phố.

Nhằm giải quyết nhu cầu gửi xe của người dân trên các tuyến phố, Chủ tịch UBND thành phố cũng giao cho Chủ tịch UBND 4 quận nội thành gồm Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình nghiên cứu, vận động những hộ có nhà mặt đường với diện tích phù hợp làm điểm trông giữ phương tiện. “Cần có cơ chế khuyến khích những hộ dân này. Người dân đến các tuyến phố đó mua sắm chỉ cần gửi xe vào nơi này, rồi đi bộ vài chục mét sẽ không là vấn đề gì lớn, đồng thời cũng giúp đảm bảo văn minh đô thị, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè”, ông Nguyễn Đức Chung cho biết.

Thành phố đã xây dựng quy chế về quản lý vỉa hè, lòng đường, quy định rõ phần nào của vỉa hè cho phép người dân được kinh doanh, để xe, phần nào là của người đi bộ. Tuy nhiên, do công tác quản lý của các địa phương lâu nay không chặt chẽ nên “đâu lại vào đấy”. Để giải tỏa vỉa hè hiệu quả, ngoài làm nghiêm, không kiêng dè, nể nang thì chính quyền thành phố cần giải quyết triệt để tình trạng “chống lưng” cho các hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Như vậy mới hy vọng không tái diễn lấn chiếm sau những đợt ra quân rầm rộ.
 
Xuân Cường - Lê Hiền
Vỉa hè nhiều tuyến phố TP Hồ Chí Minh đang dần thông thoáng
Vỉa hè nhiều tuyến phố TP Hồ Chí Minh đang dần thông thoáng

Sau sự quyết liệt “trả lại vỉa hè cho người đi bộ” của cơ quan chức năng, lòng lề đường ở nhiều tuyến phố tại TP Hồ Chí Minh đang dần được thông thoáng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN