Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Mục đích của dự án là góp phần tăng cường cán bộ cho các xã nghèo để xây dựng được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đưa xã thoát nghèo. Thông qua đó, các cán bộ Đoàn cũng được tôi luyện từ cơ sở mà trưởng thành.
Kỳ vọng ở lớp trẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, trong quá trình tuyển lựa, bên cạnh những điểm mấu chốt là có sức khỏe, sự nhiệt tình, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ đại học chuyên ngành phù hợp với yêu cầu công việc, thì cần lựa chọn người có khả năng quản lý, ưu tiên thanh niên là người dân tộc thiểu số, người thuộc tỉnh có huyện nghèo, đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Hết sức tránh những trường hợp chính sách, vì đây không phải là chủ trương “để hưởng thụ”, mà là chọn người đến những vùng khó khăn, vất vả, phải lao tâm khổ tứ cùng lãnh đạo địa phương đưa vùng khó đi lên, do đó phải chọn người có tâm. Việc tuyển chọn phải được lãnh đạo tỉnh quan tâm, thẩm định, rà soát chặt chẽ, thường xuyên theo dõi đánh giá và tạo mọi điều kiện cho họ phấn đấu hoàn thành trách nhiệm của mình.
Các đội viên dự án " Trí thức trẻ về làm phó chủ tịch ở những xã khó khăn nhất của Hà Giang" chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm công tác tại diễn đàn "Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững". Ảnh: Minh Tâm - TTXVN. |
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Cao Bằng là tỉnh có 5 trong số 62 huyện nghèo của cả nước. Ngay từ khi triển khai dự án, Cao Bằng đã đăng ký với Bộ Nội vụ và Ban Quản lý dự án để đưa lực lượng trí thức trẻ về làm lãnh đạo xã. Chúng tôi cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo các tỉnh khác, khi về địa phương thấy rằng, đội ngũ cán bộ cơ sở, chất lượng chưa đồng đều, cá biệt có nơi còn ở mức thấp. Chính vì vậy, việc đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã là một trong những dự án lớn mà Chính phủ đã triển khai, trong đó có Cao Bằng đã và đang kỳ vọng ở đội ngũ trẻ. Với kiến thức, tri thức đã được học, đội ngũ này có điều kiện thể hiện năng lực của mình khi tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương. Một điều rất quan trọng đối với lớp trẻ là tinh thần dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo, khi về địa phương khó khăn, chắc chắn sẽ phát hiện và tìm ra rất nhiều vấn đề mình quan tâm.
Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã được thực hiện tại 600 xã, trong số 894 xã thuộc phạm vi điều chỉnh của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Dự án được triển khai từ năm 2011 - 2017. |
Đối với các trí thức trẻ khi về, địa phương cần tạo điều kiện để họ tiếp cận với cơ sở, bởi với kiến thức học được của họ thì chưa đủ, cần kinh nghiệm và định hướng, hỗ trợ giúp đỡ. Ở những tỉnh và huyện có trí thức trẻ về địa bàn, cần thường xuyên hỗ trợ, phối kết hợp với lãnh đạo xã để giúp các bạn trẻ phát huy cao nhất năng lực của họ. Bên cạnh đó, cũng tạo điều kiện để các trí thức trẻ tiếp cận công việc thực tế, công việc được phân công. Mặt khác khi triển khai dự án này cần sự thống nhất từ Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan, các trí thức trẻ ngoài việc trang bị những kiến thức cơ bản đã được học ở trường, còn cần có những kiến thức sơ đẳng về quản lý và những lĩnh vực quan tâm.
Tuy nhiên, không nên coi đây là một dự án thí điểm, mà cần xác định trí thức trẻ về làm cán bộ xã là một sáng kiến mới, nhưng không coi tri thức trẻ là một sản phẩm riêng biệt so với địa phương. Nếu làm không khéo, cán bộ xã sẽ thấy có sự phân biệt giữa cán bộ sở tại và những sinh viên tình nguyện, dẫn đến trình trạng xa cách giữa trí thức trẻ với cán bộ xã. Chính vì vậy, ngoài sự lãnh đạo chỉ đạo của địa phương, việc quan tâm thường xuyên và kèm cặp đội ngũ cán bộ này cần phải thường xuyên, liên tục.
Phải có trình độ chuyên ngành
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Ngoài các chương trình 134/CP, 135/CP…, Chính phủ còn có nhiều chương trình khác, trong đó có dự án đưa tri thức trẻ về làm phó chủ tịch xã với mục đích làm sao để các xã nghèo, huyện nghèo thực hiện tốt các chương trình kế hoạch thoát nghèo. Việc tăng cường cán bộ cho các xã nghèo theo hướng tháo gỡ khó khăn cho các xã nhưng để thanh niên có điều kiện cống hiến, đóng góp cho xã hội cũng góp phần để thanh niên trưởng thành. Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Dự án các tri thức trẻ về làm phó chủ tịch xã ở những huyện nghèo là dự án có tác động trực tiếp, trong đó có hai huyện nghèo của Bắc Kạn là Ba Bể và Pắc Nặm. Ở hai huyện này đã nghèo về kinh tế, lại nghèo về cả con người nên đây là cơ hội để các huyện có được cán bộ trẻ, giúp được địa phương xóa đói giảm nghèo bền vững. Đây là dự án tôi rất tâm đắc. Ông Lò Quang Tú, Phó Ban Tổ chức Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Tôi cho rằng các đội viên đã được đào tạo bài bản, nhưng hạt giống tốt phải được gieo trồng ở nơi phù hợp, được chăm sóc chu đáo mới có thể cho ra hoa thơm trái ngọt, nên cùng với yếu tố quyết định là sự cố gắng, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần sáng tạo, cầu thị, học hỏi nỗ lực vươn lên của các bạn, thì sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, đồng nghiệp và nhân dân là hết sức quan trọng. |
Đào tạo, trang bị kiến thức chuyên môn, các kỹ năng mềm cũng như đầu ra cho các phó chủ tịch xã sau khi hết nhiệm kỳ như thế nào là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm. Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng, Thái Hồng Thịnh nhìn nhận: Đưa tri thức trẻ về các xã trên là việc làm cần thiết để tăng cường cán bộ cho các xã, huyện nghèo. Yếu tố cán bộ là một trong những nhân tố quyết định sự lãnh đạo và thực hiện phát triển kinh tế, xã hội ở cơ sở. Tuy nhiên, người được chọn để tạo nguồn cán bộ bổ sung phải có trình độ chuyên ngành cơ bản phù hợp với cơ sở và đặc điểm phát triển kinh tế xã hội địa phương. Xã nào có điều kiện phát triển mạnh về lĩnh vực nào thì bố trí cán bộ có trình độ liên quan về lĩnh vực đó, gắn với tình hình thực tế địa phương. Nên định ra một số ngành cụ thể, xem xét thống nhất về ngành nghề đào tạo để tuyển chọn cho phù hợp.
Theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An thì các huyện rất cần cán bộ trẻ có nhiệt huyết nhưng cũng phải có kiến thức chuyên môn. Chỉ nên tập trung tuyển chọn và đào tạo một số ngành chủ yếu như nông lâm ngư, quản lý đất đai. Người được lựa chọn phải có khả năng hướng dẫn bà con phát triển cơ sở hạ tầng miền núi, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh biên giới. Để tạo sức hấp dẫn, sau khi tuyển chọn cần bố trí vào biên chế.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi, Trần Văn Thanh băn khoăn: Đầu ra cho các em chưa vững chắc, đưa các em về khi yếu tố pháp lý chưa đầy đủ, các em sẽ hoạt động hết sức khó khăn vì muốn lên phó chủ tịch xã phải trải nghiệm rất lâu thì mới có thể đứng ở cương vị đó. Đứng trước đồng bào mà chưa hiểu hết phong tục tập quán, chưa có trải nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, chưa gắn chặt với vùng đó sẽ gặp không ít trở ngại. Phải tính đến việc lo đầu ra cho các em, lo biên chế cho 600 người. Nếu các đội viên dự án không tiếp tục ở xã nữa phải được giao cho huyện, tỉnh bố trí xét tuyển theo quy định, khi dự án hoàn thành, các em có công việc đâu vào đó, phấn đấu tốt sẽ tiếp tục được đào tạo lên cao hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trần Văn Tuấn, khi vừa tuyển chọn đã là công chức ngay thì sau này, không đạt yêu cầu, không phát huy được sẽ rất khó. Do vậy, dự án chỉ đặt ra là được hưởng chế độ như công chức, khi được sắp xếp vào xã hay lên huyện thì mới bố trí vào công chức. Bản thân đội viên dự án chỉ muốn đi vài năm rồi chuyển, không muốn ở xã nữa thì tỉnh, huyện phải bố trí lo đầu ra. Do vậy, công tác tuyên truyền phải làm sao để họ nhận thức rõ khó khăn cũng như trách nhiệm của mình khi tham gia dự án. Tiêu chuẩn đặt ra trong dự án là rất cao nhưng trong thực tế sẽ khó chọn, nên các địa phương cần vận dụng linh hoạt.
Cần thận trọng
Tại cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên cuối tháng 12/2012, nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã chất vấn các cơ quan chức năng “nghi ngại” về việc tuyển dụng 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã tại các huyện nghèo.
Đại biểu Lầu Nỏ Sa, huyện Điện Biên Đông, nêu ý kiến việc tuyển dụng “có thật sự minh bạch”. Theo ông Sa, việc tuyển dụng trí thức trẻ tình nguyện làm phó chủ tịch xã ở huyện Điện Biên Đông có hai trường hợp có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện, đều tốt nghiệp đại học là Vừ A Ly (hộ khẩu ở xã Noong U), tốt nghiệp Đại học Lâm sinh và Hạng A Thái (hộ khẩu xã Pú Nhi), tốt nghiệp Đại học Công đoàn, đều ở huyện Điện Biên Đông bị loại mà ông và đông đảo nhân dân trên địa bàn vẫn không hiểu. “Hai trường hợp trí thức trẻ của huyện bị “rớt” là do thật sự không đáp ứng được các tiêu chí tuyển chọn hay “có vấn đề” gì, phải xem xét việc tuyển chọn đối với hai đối tượng này có thật sự minh bạch hay không. Nếu quá trình xét tuyển đúng thủ tục, quy trình, quy định thì hai trường hợp này “khó mà bị loại” - ông Sa khẳng định.
Giải trình vấn đề này, ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên cho biết: Trong đợt 1 của Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ có trình độ đại học về tăng cường làm phó chủ tịch xã cho 4 huyện nghèo trên địa bàn (gồm Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Nhé, Mường Ảng), tỉnh Điện Biên đã tuyển dụng được 26 trường hợp, được Bộ Nội vụ phê duyệt danh sách, bồi dưỡng nghiệp vụ, đi thực tế cơ sở. Tháng 8/2012, các trí thức trẻ này đã được bầu và phê chuẩn, giữ chức vụ phó chủ tịch các xã và đảm nhận nhiệm vụ. Theo quy định tại Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ sau khi tuyển chọn đợt 1, tỉnh Điện Biên còn thiếu sáu chỉ tiêu tại các huyện Mường Nhé, Tủa Chùa, Điện Biên Đông. Thực hiện Công văn số 2326 (ngày 25/6/2012) của Bộ Nội vụ, Hội đồng tuyển chọn (HĐTC) trí thức trẻ tỉnh Điện Biên đã ra thông báo tuyển chọn trí thức trẻ cho sáu xã của ba huyện Mường Nhé, Tủa Chùa, Điện Biên Đông. Việc nhận hồ sơ dự tuyển Dự án 600 trí thức trẻ đều được UBND các huyện này thực hiện, thẩm định, sơ tuyển sau đó gửi về Sở Nội vụ, cơ quan thường trực của HĐTC tỉnh. Trong danh sách huyện Điện Biên Đông gửi về HĐTC tỉnh, có trường hợp Vừ A Ly, Hạng A Thái và Lò Thị Liên (hộ khẩu thường trú tại xã Sam Mứn, huyện Điện Biên Đông), tốt nghiệp Đại học Lâm sinh. Sau khi tiếp nhận hồ sơ của các huyện gửi về, HĐTC tỉnh đã thu nhận được 13 trường hợp (có một trường hợp là Bạch Thị Yến Ly (dân tộc Mường, hộ khẩu tại xã Mường Toong, huyện Mường Nhé) nộp hồ sơ tại Sở Nội vụ, đăng ký tuyển tại hai huyện Mường Nhé, Điện Biên Đông).
Căn cứ trên các quyết định, văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn phương pháp tuyển chọn tri thức trẻ cho Dự án 600 trí thức trẻ tình nguyện làm phó chủ tịch xã, ông Lê Hữu Khang khẳng định: Quá trình phỏng vấn, tuyển chọn tri thức trẻ cho dự án đảm bảo đúng quy định. Tuy nhiên ông Phạm Xuân Kôi, phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Chủ tịch HĐTC tỉnh cho biết: "Trong vấn đề tuyển dụng 600 trí thức trẻ tình nguyện về làm phó chủ tịch xã thì HĐTC có mức độ ưu tiên số một tại xã, ưu tiên số hai tại huyện, ưu tiên số ba là tại tỉnh (các huyện nghèo trước) sau đó mới tuyển dụng các đối tượng ngoài tỉnh. Giai đoạn một không vấn đề gì, thực sự chặt chẽ, nghiêm túc. Sáu trường hợp còn lại (của đợt hai) thì: "Các đồng chí (HĐTC) lại làm không theo ý kiến tập thể, không căn cứ tình hình địa phương, việc chọn các trường hợp trong huyện nghèo lại không tuyển dụng theo các mức độ ưu tiên của tiêu chí, việc làm này đã phá vỡ quy định, tính đặc thù trong việc tuyển chọn các tri thức trẻ của Dự án 600 trí thức trẻ tình nguyện đối với huyện miền núi, nghèo theo yêu cầu của tỉnh”.
Thái Bình - Chí Bình