Theo Quyết định, Ban Chỉ đạo chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ về phân vùng rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét gồm có 15 thành viên.
Ban Chỉ đạo có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ: Chỉ đạo Cơ quan thường trực xây dựng kế hoạch thực hiện “Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn” được phê duyệt tại Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 7/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 705) và Đề án “Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi trung du Việt Nam” được phê duyệt tại Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án Cảnh báo sớm).
Ban Chỉ đạo theo dõi tiến độ thực hiện, kịp thời xử lý hoặc đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 705 và Đề án Cảnh báo sớm. Khi có vấn đề phát sinh, Ban Chỉ đạo tổ chức họp để bàn hướng giải quyết; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc có liên quan hỗ trợ nguồn lực để giúp các đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao (cung cấp các thông tin liên quan; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; giới thiệu và điều động cán bộ chuyên môn, kỹ thuật; cung cấp trang thiết bị, phương tiện làm việc)…
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2199/QĐ-BTNMT ngày 10/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập Ban chỉ đạo, Cơ quan thường trực chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ về phân vùng rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét và Quyết định số 2200/QĐ-BTNMT ngày 3/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc điều chỉnh danh sách Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về phân vùng rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Biến đổi khí hậu đã và đang gây thiên tai cực đoan và bất thường. Năm 2023, lực lượng chức năng ngành Phòng, chống thiên tai đã có nhiều nỗ lực trong công tác tham mưu, chỉ đạo để giảm thiểu thấp nhất rủi ro thiên tai xảy ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.145 trận thiên tai, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng. Năm 2023 là năm thiên tai bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn so với trung bình nhiều năm. Thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích với thiệt hại kinh tế ước khoảng 8.236 tỷ đồng.
Trước diễn biến thiên tai cực đoan, lực lượng phòng, chống thiên tai và toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã kịp thời, quyết liệt vào cuộc; chủ động tham mưu “từ sớm, từ xa”, phối hợp kịp thời với các bộ, ngành, địa phương, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai.