Đây là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định /2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/5/2016 (Nghị định ) quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng Thủy văn, tạo tính thống nhất, hoàn thiện trong hệ thống pháp luật bảo vệ các công trình.
Giáo sư Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết: Trong tháng 5 Tổng cục sẽ có văn bản hướng dẫn các ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị định 48/2020. Đồng thời sẽ sắp xếp các đầu mối để tiếp nhận, xử lý thông tin phục vụ hiệu quả phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ an toàn công trình cơ sở hạ tầng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng cục cũng đề xuất 10 nhiệm vụ chính trị để thực hiện Nghị định này, bao gồm việc xây dựng để Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư hướng dẫn các đối tượng, cơ quan chủ quản quản lý các loại công trình về mật độ, phương pháp, công nghệ, quy trình để lắp đặt trạm quan trắc khí tượng thủy văn; xây dựng cơ chế phối hợp, đầu mối để trao đổi, quản lý thông tin khí tượng thủy văn từ những công trình này. Ngoài việc đảm bảo thông tin bảo vệ an toàn công trình, các thông tin khí tượng thủy văn từ những trạm quan trắc sẽ được tích hợp vào hệ thống quan trắc thông tin khí tượng thủy văn quốc gia, để từng bước nâng cao chất lượng công tác thông tin.
Nghị định 48 sửa đổi một trong những mục tiêu đặt ra là phải quy định cụ thể các loại công trình quan trắc theo Điều 13 của Luật Khí tượng Thuỷ văn. Sau khi rà soát, đánh giá, làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, Tổng cục nếu xét thấy những công trình “khi xây dựng, khai thác chịu tác động hoặc gây tác động đến điều kiện khí tượng thủy văn mà có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản của cộng đồng” phải bổ sung quan trắc để giám sát. Trước hết đảm bảo an toàn cho cộng đồng, sau đó đến an toàn của chính công trình và cung cấp thêm thông tin cho ngành khí tượng thủy văn phục vụ công tác dự báo.
Với mục tiêu đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đề xuất như trong Nghị định số 48 quy định 9 nhóm công trình và phân chia ra 15 công trình cụ thể. Bên cạnh 4 nhóm công trình giữ nguyên như trong Nghị định (tháp truyền hình, sân bay dân sự, cáp treo,vườn quốc gia), bổ sung thêm 2 nhóm công trình mới là Đường cao tốc và Cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên; điều chỉnh, mở rộng phạm vi một số loại công trình như bến cảng thay vì cảng biển như trước đây, cầu có khẩu độ từ 500m trở lên…
Ở Việt Nam, những tuyến đường cao tốc lớn như Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ... đều có hệ thống camera giám sát, hệ thống thông tin về trạm khí tượng. Việc bổ sung loại công trình này rất cần thiết để tiến tới quản lý đường cao tốc bằng công nghệ 4.0, đô thị thông minh. Thông tin khí tượng thủy văn sẽ giúp cho việc điều chỉnh tốc độ trên đường; thậm chí là khi có thiên tai xảy ra (mưa lớn, sương mù dày, lũ quét, sạt lở đất...) để tiến hành biện pháp tạm thời cấm đường giao thông.
Những công trình “Cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên” phụ thuộc rất nhiều điều kiện khí tượng thủy văn. Do đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải xem xét, đánh giá và nhận thấy tỷ lệ tai nạn do điều kiện thời tiết, thiên tai là rất lớn, chiếm tới 7%. Trong khi ở nước ta tần suất giao thông và mật độ người dân tham gia giao thông đường thủy rất nhiều. Cho nên việc bổ sung cụm công trình giao thông đường thủy nội địa vào Nghị định là cần thiết.
Tổng cục cũng điều chỉnh một số công trình khác, chẳng hạn như đập, hồ chứa nước thuộc loại quan trọng đặc biệt, loại lớn, loại vừa, quan trắc theo quy định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông. Vấn đề an toàn hồ đập không chỉ cho chính công trình hồ đập mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hạ lưu, qua thông tin khí tượng thủy văn sẽ giúp dự đoán, cảnh báo được những thảm họa có thể xảy ra để có giải pháp ứng phó kịp thời.