Là người Việt Nam, ai ai cũng biết câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca đã nói lên tâm tư, tình cảm của mỗi người con dân nước Việt, dù đi đâu, làm gì cũng vẫn nhớ về nguồn cội…
Những lễ giỗ Quốc Tổ xa quê
Không chỉ Khu di tích lịch sử Đền Hùng ở Phú Thọ mới tổ chức Giỗ Tổ, mà hàng ngàn ngôi đền khác trên khắp Việt Nam cũng tổ chức lễ Giỗ Tổ 10/3 để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng.
Đền thờ Hùng Vương ở Khu du lịch Suối Tiên, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Báu |
Để thể hiện lòng biết ơn các Vua Hùng có công dựng nước, Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) đã xây dựng đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Vào ngày Giỗ Tổ 10/3 hàng năm, lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương đều được tổ chức một cách trọng thể. Hàng ngàn người dân trong thành phố và du khách thập phương đã đến đây dâng hương, tưởng nhớ và tri ân công đức các Vua Hùng.
Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm nay tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên được tổ chức quy mô lớn và hoành tráng hơn. Ngoài các nghi lễ dâng hương, dâng lễ vật diễn ra như thường lệ, BTC còn dâng 4.000 chiếc bánh chưng, bánh dày lên các Vua Hùng, vừa tượng trưng cho 4.000 năm văn hiến, vừa thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Bên cạnh đó, một lễ rước kiệu Vua Hùng tái hiện lại thời kỳ dựng nước, mở đầu trang sử hào hùng của các triều đại Hùng Vương cũng được diễn ra. Tham gia rước kiệu còn có hình tượng của các anh hùng dân tộc theo chiều dài lịch sử dân tộc cùng hơn 30 đoàn đại biểu các dân tộc: Tày, Dao, Mường, Thái, Chăm... đại diện cho 54 dân tộc anh em đến từ mọi miền Tổ quốc Việt Nam.
Không chỉ ở Suối Tiên, mà ở hàng chục địa điểm có thờ cúng các Vua Hùng ở TP Hồ Chí Minh như Đền tưởng niệm các Vua Hùng - Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (quận 9), đền thờ Hùng Vương trong khu vực Thảo Cầm Viên, đền thờ tại Công viên Văn hóa Tao Đàn (quận 1), Đền Hùng Vương ở quận Phú Nhuận, Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở quận 4, Đền thờ Hùng Vương ở Công viên văn hóa Đầm Sen… cũng đều long trọng tổ chức Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10/3 âm lịch.
Rước kiệu trong Lễ hội Đền Hùng ở Đà Lạt, Lâm Đồng. |
Còn ở Lâm Đồng, mỗi năm vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, khu vực Đền thờ các Vua Hùng tại khu du lịch thác Prenn và đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) lại diễn ra các nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương một cách trang trọng, hàng nghìn người dân và du khách đến tham dự lễ tế, lễ rước kiệu và ôn lại lịch sử, công lao dựng nước của các Vua Hùng…
Tại đền thờ các Vua Hùng ở các tỉnh như Gia Lai, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang… hàng năm, vào ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương cũng đều tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng…
Sức lan tỏa mãnh liệt
Không phải đến bây giờ, việc thực hiện các nghi lễ trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mới được coi trọng. Sử sách cho thấy, từ thời xa xưa, các triều đại phong kiến đã long trọng tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm và coi đây như một trong những ngày Quốc lễ của toàn dân tộc Việt Nam.
Bản ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm viện, Trực học sỹ Nguyễn Cố soạn đời Hồng Đức Hậu Lê (năm 1470), hiện còn lưu tại Đền Hùng, có đoạn viết: “Từ thời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần… rồi đến triều đại Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói, phụng thờ đấng Thánh Tổ xưa tại thôn Trung Nghĩa, làng Cổ Tích”. Đến năm 1917, triều đình nhà Nguyễn đã giao Bộ Lễ chính thức định ngày Quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày 10/3 âm lịch hàng năm. Từ đây, ngày Quốc lễ được chính thức hóa bằng pháp luật.
Sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL - CTN cho công chức nghỉ ngày mùng 10/3 âm lịch hàng năm để tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày 6/11/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP về nghi lễ Nhà nước, trong đó quy định chi tiết về nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm (năm tròn, năm chẵn, năm lẻ quy theo năm dương lịch). Đến ngày 11/4/2007, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động, cho người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để tham gia các hoạt động hướng về cội nguồn dân tộc. Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày Quốc lễ, mang đậm truyền thống đạo lý của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Niềm vui, niềm tự hào càng nhân lên gấp bội, khi ngày 6/12/2012, tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Mặc dù hồ sơ vinh danh của UNESCO có ghi rõ “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ”, nhưng trên thực tế, tín ngưỡng này được đồng bào thực hành ở mọi miền của Tổ quốc, ở các cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nước ngoài… tất cả đã cho thấy sức sống mãnh liệt, sự lan tỏa một cách nhanh chóng của tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương, của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong văn hóa người Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian Phạm Bá Khiêm, Phó giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ, xuất phát từ quan niệm “con cháu ở đâu, ông bà tổ tiên ở đó” của người Việt, nên tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sức lan tỏa vô cùng rộng lớn. Quan niệm này đã dần trở thành ý thức hệ được hun đúc trong từng người và trong cả cộng đồng. “Vua Hùng đã hiển nhiên tồn tại và ngự trị trên bình diện ý thức tâm linh của người Việt. Tín ngưỡng thờ Tổ đã phát triển không chỉ trên vùng đất Tổ, mà nó phát triển ở khắp các tỉnh, thành trên đất nước Việt Nam, xuyên cả quốc gia, vươn tới các cộng đồng người Việt đang sống ở các quốc gia khác. Người Việt lập làng ở đâu, sẽ xây đền thờ Tổ Vua Hùng ở đó, cúng Giỗ Tổ ở đó để cùng nhau tri ân công đức tổ tiên. Và Vua Hùng trong tín ngưỡng nguồn cội của nhân dân đã trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc Việt Nam”, ông Phạm Bá Khiêm cho biết.
Ông Phạm Bá Khiêm cũng khẳng định, biểu tượng Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Và khi tâm thức nguồn cội của người Việt được nâng cao, thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được lan tỏa, trở thành hiện tượng xã hội, là nội dung tinh thần quan trọng gắn với đời sống văn hóa các dân tộc Việt Nam. Không những thế, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã không còn biên giới riêng, mà là biên giới cộng đồng, trở thành động lực tinh thần tạo nên sức mạnh đoàn kết cho dân tộc Việt Nam.
Theo “Nam Việt thần kỳ hội lục” của Bộ Lễ soạn năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763) thì thời Hậu Lê cả nước có 73 làng đã lập Đền thờ Vua Hùng, và hầu hết các làng này đều nằm trong vùng địa lý của kinh đô Văn Lang xưa. Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) và Sở VHTTDL Phú Thọ, tính đến tháng 12/2005, số lượng các di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương như vợ con, tướng lĩnh của các thời Vua Hùng… trên lãnh thổ Việt Nam đã lên tới 1.417. Ở mỗi di tích, hàng năm đều tổ chức cúng giỗ, dâng hương vào ngày 10/3 âm lịch để tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Ðây là một minh chứng rõ nét nhất chứng tỏ sức lan tỏa rộng lớn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam, là điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. |
Phương Hà