Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, ngày 30/10, triều bắt đầu lên tại nhiều tuyến đường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ khoảng 16 giờ 30 phút. Mực nước tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn tiếp tục vượt báo động III và đạt 1,65 m lúc 18 giờ, tại trạm Nhà Bè là 1,7 m lúc 17 giờ. Với đỉnh triều này, nhiều khu vực thuộc thành phố Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, các Quận 4, 7, 8 xảy ra ngập do triều cường. Đến hơn 20 giờ, nước tại nhiều tuyến đường vẫn chưa rút.
Trên đường Phú Thuận (Quận 7), nước dâng gần đến đầu gối của người dân. Hàng loạt phương tiện bị chết máy khiến người điều khiển phải bì bõm dẫn bộ để vượt qua dòng nước ngập. Trên các con hẻm dọc tuyến đường Trần Xuân Soạn, nước ngập sâu không thấy đường đi. Nhiều hộ dân phải dùng tấm ván bọc bạt lại rồi chặn thêm bao cát trước cửa nhà để hạn chế nước tràn vào.
“Cứ đến mùa triều cường, con đường này tái diễn cảnh ngập nước. Mỗi đợt ngập có khi kéo dài gần một tuần lễ khiến cuộc sống sinh hoạt của gia đình tôi bị đảo lộn. Hễ thấy triều lên là lại bỏ hết mọi việc để dựng ván ngăn cửa, tránh nước tràn vào nhà. Mỗi khi có xe container đi qua, nước vẫn tạt vào nhà, chúng tôi phải tự dùng dụng cụ để đẩy nước và rác ra ngoài đường. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thấy đường được sửa chữa”, ông Trịnh Quốc Khánh, người dân sinh sống tại đường Phú Thuận chia sẻ.
Trên đường Trần Xuân Soạn (Quận 7), nước từ Kênh Tẻ dâng lên ngập nửa bánh xe khiến việc buôn bán của các hàng quán, tiểu thương tại khu vực này bị đình trệ. Nhiều người phải vận chuyển đồ đạc đến nơi khác tránh ngập. Người dân sống tại khu vực này cho biết, ngày 30/10 là ngày thứ ba liên tiếp đường Trần Xuân Soạn bị ngập trong đợt triều cường này. Do ngập vào giờ tan tầm, nhiều người phải vất vả di chuyển.
Đứng nhìn nước triều dâng, anh Trần Trí Dũng, chủ một quán ăn trên đường Trần Xuân Soạn cho biết, tuyến đường này mỗi khi có đợt triều cường là hầu như không buôn bán được do người đi đường chỉ cố vượt qua đoạn đường ngập thật nhanh chứ không dừng lại mua. Ngay cả khi có khách muốn ghé quán ăn, anh cũng không thể tiếp vì toàn bộ quán bị nước tràn vào, không có chỗ để khách ngồi và gửi xe.
“Nước dâng cao, đi lại khó khăn. Những ngày triều lên là các tiểu thương, hộ kinh doanh trên đường này xác định đóng cửa nghỉ sớm vì không buôn bán gì được. Cũng may hôm nay, trời không mưa. Nếu mưa gặp triều lên, toàn bộ nhà hai bên đường sẽ bị nước tràn vào, dù có rào chắn kỹ thế nào", anh Dũng nói.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ ngày mai 31/10, mực nước các sông bắt đầu xuống dần. Tuy nhiên, triều cường vẫn có khả năng gây ngập các vùng ven sông rạch. Bên cạnh đó, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ thông tin, trong ngày 31/10, mưa sẽ gia tăng hơn so với những ngày trước. Do đó, người dân Thành phố Hồ Chí Minh cần đề phòng nguy cơ ngập úng khi xuất hiện mưa kết hợp triều cường. Khu vực Nam bộ nói chung, dự báo trong hai đến bảy ngày tới, chiều và tối có mưa rào nhiều nơi và rải rác có dông, có nơi mưa vừa, mưa to. Từ ngày 7/11, mưa có xu hướng giảm hơn.