Trở thành tỷ phú nhờ chim cút

Ông Trần Nguyễn Hồ, sinh năm 1954, chủ trang trại nuôi chim cút Nguyễn Hồ, xã Long An, huyện Châu Thành (Tiền Giang) nổi tiếng với mô hình nuôi chim cút theo quy mô trang trại công nghiệp, sạch và an toàn sinh học, đồng thời là điển hình về cách làm giàu theo hướng sản xuất hàng hoá ở địa phương.

Phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Trí - TTXVN


Năm 2000, sau nhiều lần trăn trở suy nghĩ, ông mạnh dạn huy động từ nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng trang trại chuyên nuôi chim cút đẻ trên diện tích 6.000 m2, với số lượng nuôi ban đầu là hàng chục ngàn con. Nhờ có kiến thức kinh nghiệm về chăn nuôi, cần cù lao động mà ông Trần Nguyễn Hồ đã gặt hái thành công và không ngừng phát triển đi lên với nghề nuôi chim cút lấy trứng của mình.

Ông Trần Nguyễn Hồ cho biết, thời điểm ban đầu, việc nuôi chim cút gặp nhiều khó khăn do nuôi bằng chuồng gỗ, hàng ngày mỗi công nhân chỉ có thể chăm sóc tối đa cho khoảng 2.000 con, nên hiệu quả không cao. Do đó, ông bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo thành công chuồng bằng kim loại theo kiểu dáng công nghiệp. Toàn bộ hệ thống chuồng trại đều làm bằng sắt và được thiết kế giống như bậc tam cấp nhằm tiết kiệm diện tích. Mỗi chuồng có diện tích 1m2 có thể nuôi được 120 con chim cút. Hệ thống dẫn thức ăn và nước uống được thiết kế tự động giúp giảm thiểu lao động chân tay. Đặc biệt, đế chống chuồng được bắt vào vách thay vì chống xuống đất, thuận tiện cho việc vệ sinh chuồng trại hằng ngày. Ngoài ra, chuồng nuôi có gắn hệ thống bóng đèn chiếu sáng tự động nhằm thúc đẩy khả năng sinh sản của chim cút.

Trải qua hơn 10 năm gây dựng, từ vài chục nghìn con chim cút đẻ ban đầu, đến nay, tổng đàn tại trang trại của ông trên 100.000 con. Chim cút ở trang trại của ông được nuôi theo quy trình an toàn sinh học, hạn chế tối đa sử dụng thuốc kháng sinh. Hàng ngày, thức ăn, nước uống cho đàn chim cút đều có sổ sách ghi chép cận thận; việc phòng bệnh cho đàn cút được thực hiện bằng kháng sinh sinh học được chiết xuất từ thực vật. Hiện tại, mỗi ngày trang trại của ông Trần Nguyễn Hồ cung cấp cho thị trường trên 100.000 quả trứng chim cút thương phẩm, chủ yếu được tiêu thụ ở các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và Tp. Hồ Chí Minh. Ông Hồ nhẩm tính, mỗi ngày trang trại của ông xuất bán trên 100.000 quả trứng, với giá bán bình quân 350 đồng/quả, ông thu về từ 1 - 1,2 tỷ đồng/tháng.

Ông Trần Nguyễn Hồ chia sẻ: những ngày cuối năm 2013, trang trại Nguyễn Hồ và Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang đã xuất sang thị trường Nhật Bản container trứng chim cút đóng lon đầu tiên với khoảng 1,2 triệu quả, với giá cao hơn tiêu thụ nội địa khoảng 30%. Theo kế hoạch, sau Tết, lô hàng trứng chim cút thứ hai sẽ tiếp tục được xuất sang Nhật Bản. Đây là thành quả của 4 năm ròng rã chuẩn bị của trang trại để đưa được trứng chim cút sang Nhật. Để container trứng chim cút đầu tiên sang Nhật Bản thì hai phía đã làm việc, thảo luận, giám sát, kiểm tra tới... 4 năm. Tiêu chuẩn mà phía Nhật đặt ra cực kỳ khó như trứng chim cút sau khi luộc xong thì lòng đỏ phải nằm giữa trứng (thay vì nằm một bên) và không có dư lượng kháng sinh, trứng đóng lon sau khi mở ra sử dụng lòng đỏ không được có màng màu đen...

Ông Trần Nguyễn Hồ cho biết, một khi trứng chim cút của ông đã thâm nhập được thị trường khó tính Nhật Bản thì coi như đã có “giấy thông hành” đi thị trường các nước khác. Đồng thời, sắp tới ông sẽ thuyết phục phía Nhật Bản chọn thêm nhiều trang trại vệ tinh khác của ông. 


Từ chỗ khó khăn thiếu thốn, nay ông Hồ đã trở thành chủ trang trại khá giả và được công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” cấp tỉnh nhiều năm liền. Ông luôn quan tâm, gần gũi và sẵn lòng giúp đỡ bà con và cộng đồng cư dân địa phương.

Nhiều năm nay, ông luôn trực tiếp hỗ trợ vốn, thức ăn và các thứ vật tư thiết bị thiết yếu phục vụ cho việc chăn nuôi chim cút đẻ cho nhiều vệ tinh cơ sở trực thuộc của mình. Mới đây, ông vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng 3 tại hội nghị tuyên dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Tiền Giang.


Công Trí
Hiệu quả kinh tế trang trại ở Ba Tơ
Hiệu quả kinh tế trang trại ở Ba Tơ

Mô hình trang trại vườn - ao - chuồng - rừng đã giúp các hộ gia đình biết quản lý, sử dụng tiềm năng sẵn có tại địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN