Đất nước thống nhất, trở về với một bên mắt trái bị hỏng, trên đầu còn mảnh đạn nằm bên trong hộp sọ, mất 62% sức khỏe, nhưng anh thương binh hạng 2/4 Trần Mạnh Du (tiểu khu 12, thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình) vẫn luôn nỗ lực cố gắng gìn giữ và phát huy bản chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua bệnh tật để trở thành người thương binh gương mẫu. Không chỉ làm giàu cho chính mình, anh còn tạo việc làm cho bao người lao động nghèo khác.
Sinh năm 1946, tại Xuân Trường (Nam Định), sau ngày xuất ngũ trở về với đời thường nhưng hồi ức chiến tranh lúc nào cũng như mới với anh thương binh Trần Mạnh Du.
Thương binh Trần Mạnh Du và các công nhân trong một buổi thu gom rác thải. |
Những năm đầu về nhà, kinh tế gia đình còn khó khăn, lại đông con nên ngoài việc tham gia hoạt động chính quyền, ông Du còn động viên gia đình vợ con khai hoang hơn 1ha ruộng đất trồng các loại rau, đậu, củ, quả và chăn nuôi lợn, gà, bò. Trên mảnh đất thấm đẫm mồ hôi và sức lực của đôi bàn tay người thương binh ấy đã đem lại cho gia đình thu nhập khá ổn định. Đến năm 1983, ông Du đã xây được một ngôi nhà mái bằng khang trang, rộng hơn 70m2, mua sắm đầy đủ các tiện nghi hiện đại. Nhưng thật không may, năm 1993 vợ ông mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Một tay ông phải nuôi đàn con nhỏ, cảnh “gà trống nuôi con” nên ông xin nghỉ công tác, sớm tối bên đồng ruộng kiếm sống. Cũng trong khoảng thời gian ấy, chợ thị trấn Lương Sơn mọc lên hai đống rác to như núi, không có người dọn. Rác thải bốc mùi gây ô nhiễm môi trường… Hội đồng nhân dân thị trấn đã ra Nghị quyết động viên “Nếu ai đảm nhận công việc thu gom rác thải chợ thì sẽ hỗ trợ một xe công nông”. “Sau một thời gian chẳng ai nhận, tôi nghĩ mình phải làm gì đó để bảo vệ cuộc sống và giữ vệ sinh chung. Và tôi quyết định làm dự án thu gom rác thải. Trong khi chờ huyện mua xe vận chuyển thì hàng ngày, 4 bố con dùng quang gánh và chiếc xe cải tiến đánh vật với những núi rác. Nhiều người bảo tôi là đi làm cái việc dở hơi, thậm chí thấy tôi lượm rác còn tỏ ý coi thường, nhưng tôi mặc kệ, miễn sao mình làm được việc có ích”, ông Du chia sẻ.
Rác nhiều, mấy bố con ông không làm xuể, sau mỗi giờ làm ông lại tìm đến những hộ gia đình có hoàn cảnh nghèo khó, vận động họ vào làm công. Đầu tiên ông thuê được 4 người, tiền công ông tự bỏ ra trả. Hơn hai tháng vất vả, bố con ông và những người làm mới dọn sạch được những đống rác to trong chợ vậy mà ông không nhận một đồng tiền công nào. Tháng 10/1998, Tổ HTX Vệ sinh môi trường Lương Sơn được thành lập và ông là Chủ nhiệm HTX. Với 24 công nhân, ông tự bỏ kinh phí ra thuê và mua sắm phương tiện, máy móc. Thấy việc làm của ông góp phần vào việc bảo vệ môi trường, dần dần người dân đã có ý thức giữ vệ sinh chung, không đổ rác bừa bãi… Bên cạnh đó, ông còn thành lập Công ty Vệ sinh Môi trường đô thị Lương Sơn chuyên nhận thu gom rác thải cho các cơ sở sản xuất, nhà máy ở trong và ngoài huyện. Năm 2011, doanh thu của công ty đạt hơn 2,5 tỷ đồng. Có thể nói, sự tình cờ đó không chỉ giúp người thương binh ấy trở thành tỷ phú của HTX thu gom rác thải, mà còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 50 lao động với mức lương 1,4 triệu đồng/người/tháng và gần 10 lao động thời vụ với tiền công 100.000 đồng/người/buổi. Điều đặc biệt là tất cả những người này khi vào làm việc cho ông đều thuộc diện nghèo khó. Đến nay, họ đã có cuộc sống ổn định, không còn nằm trong danh sách hộ nghèo.
Chị Nguyễn Thị Thắm, Tiểu khu 6, thị trấn Lương Sơn cho biết: “Trước đây, cuộc sống của tôi rất khó khăn, một mình nuôi con, không có ruộng để canh tác nên ai thuê gì, tôi cũng làm. Những buổi đi phụ hồ, gặt thuê vẫn không đủ tiền chi tiêu và cho con ăn học, công việc tùy thuộc vào mùa vụ, thời tiết. Nhưng kể từ ngày được nhận vào làm tại Công ty Vệ sinh môi trường của bác Trần Mạnh Du thì cuộc sống của 2 mẹ con tôi khá ổn định. Giờ đây, tôi đã xây được nhà, mua sắm đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt, nuôi con trưởng thành đang học cấp III”.
“Thực ra lương tôi trả cho công nhân không phải là cao. Quan trọng là tôi và công nhân biết xử lý và tận thu rác. Đối với thực phẩm hay thức ăn thừa còn sử dụng được, công nhân vận động bà con để riêng ra một chiếc xô rồi tận dụng đem về chăn nuôi. Còn những loại rác thải cứng như bìa các tông, chai lọ nhựa, đồng, nhôm, sắt vụn được phân loại đem bán. Nhờ thế mà công nhân có thêm khoản thu nhập”, ông Du cho biết thêm.
Với những việc làm được cho là “dở hơi” đó, nhiều năm liền anh thương binh Trần Mạnh Du đã được Liên minh HTX Việt Nam; Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình tặng Bằng khen và danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu” tỉnh Hòa Bình.
Bài và ảnh:Vũ Hà