Trời Điện Biên mây trắng

“Trời Điện Biên mây trắng” là tập thơ do nhà thơ, soạn giả Gia Dũng dày công tuyển chọn và biên soạn nhân dịp cả nước long trọng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chiến thắng lẫy lừng

Có thể điểm qua một số bài thơ như những điểm nhấn của cả tập. Bài “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” của Hồ Chí Minh viết ngày 12/5/1954 đã khắc họa rõ nét diễn biến trận đánh: “20/11 năm cũ/ Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ/ Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất”. Nhưng ta, với tinh thần đoàn kết quân dân như một: “Bộ đội dân công quyết một lòng/ Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông” đã giành chiến thắng.


 

Đổi thay trên vùng đất Điện Biên Phủ năm xưa. Ảnh: Viết Tôn

 

Còn bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu lại diễn tả không khí hào hùng của chiến thắng, đất trời và lòng người như cùng reo lên trong niềm vui chiến thắng: “Tin về nửa đêm/ Hỏa tốc hỏa tốc/ Ngựa bay lên dốc/ Đuốc cháy sáng rừng...” và đặc biệt hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được khắc họa như tượng đài bất tử. Tác giả trải lòng trong hồi ức hào hùng của cuộc chiến: “Kháng chiến ba ngàn ngày/ Không đêm nào vui bằng đêm nay/ Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực”.


Bài thơ“Điện Biên phủ ngọn lửa anh hùng ca” của Nông Quốc Chấn đã rất khéo léo dùng hình tượng “lửa” để xóa nhòa những thương đau mất mát trên chiến trường xưa, thắp lên ngọn lửa tin yêu trong trái tim mỗi người: “Mùa xuân năm một chín bảy tư (1974)/ Chúng ta kéo về đồi Him Lam, đồi A1/ Ta phát quang, ta đốt/ Lửa lên từng ngọn lửa reo/ Lửa ơi! Đừng cháy xém đất thương yêu/ Lửa hãy đốt ra tro tàn rác rưởi/ Lửa hãy soi những đường hầm hang tối. Điện Biên Phủ - Lửa chân lý sáng ngời”. Đấy là ngọn lửa của chính nghĩa, của niềm tin và hy vọng để rồi trên chiến trường xưa: “Từ ngày ấy Điện Biên Phủ vàng son/ Giữa rừng ban mỗi mùa hoa nở trắng/ Giữa Mường Thanh lúa chiêm mùa thơm ruộng/ Giữa Việt Nam đất nước Hồ Chí Minh”.


Những anh hùng ghi tên vào sử sách

Để có chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy địa cầu” đã có không biết bao anh hùng đã hy sinh anh dũng. Bài “Mộ Bế Văn Đàn” của Xuân Diệu như một khoảng lặng của lòng tri ân: “Thời gian dừng bước, lặng im/ Bên mồ liệt sĩ trái tim ta dừng/ Trái tim ta cũng ngập ngừng/ Nửa chừng giọt lệ, nửa chừng lời ca/ Ánh ngày nghiêng xuống cùng ta/ Nghẹn ngào đặt một vòng hoa tinh thần”. Tấm gương Bế Văn Đàn lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc: “Không giữ cho mình chỉ là hài cốt”, thân thể anh hòa vào đất mẹ, để rồi: “Đất Tổ quốc là một nền nhung đỏ”, thấm máu người anh hùng, nẩy những mùa xanh.


Bài “Nơi anh Diện nằm – Mùa xuân” của Phạm Đức như một sự tiếp nối quá khứ hiện tại và tương lai. Sự hy sinh của người anh hùng Tô Vĩnh Diện ươm những mùa xuân cho đất nước: “Mùa xuân tới chỗ anh nằm/ Bằng vồng hoa trắng lặng thầm dâng hương/ Nghìn cân thép nghiến vai thường/ Để chân trẻ nhẹ đến trường hôm nay”.


Nhà thơ Chu Thùy Liên trong bài “Điện Biên Đông” lại cất lên tiếng gọi tha thiết tự đáy lòng qua hình tượng những cung đường: “Có những đường vòng/ Xoáy hình trôn ốc/ Có những cua tay áo ngược đi lên/ Có những rừng cây đan tay trong bão lốc”. Đấy có thể là những con đường ngoài đời nhưng cũng có thể là con đường mỗi người đến với chân lý: “Có những con người sống chết cho đại ngàn thêm tươi”. Sự hy sinh của bao người: “Gieo xanh lúa, gieo xanh đậu đỗ/ Trồng tre, keo tiếp điệp trùng màu xanh”.


Bài “Lên đồi Phan Đình Giót” của Lê Thành Nghị lại triển khai trên một tứ mới, không có sự hô hào những câu thơ nhẹ nhàng thấm vào lòng người đọc: “Ngọn đồi nhô vượt sau màu cây/ Như trái tim nhô lên mặt đất/ Sau màu lá trái tim ấy đập/ Cả đồi lau xô dạt trong chiều”. Ta như thấy mối giao hòa âm dương và anh linh của các anh hùng, liệt sĩ mãi đồng hành cùng chúng ta: “Anh nằm xuống đầu mùa hạ ấy/ Để lửa còn cháy mãi giữ ngàn lau”.


Bài “Mộ chiến sĩ trên đồi A2” của Nguyễn Đức Mậu lại dành tình cảm cho những liệt sĩ vô danh: “Tấm bia trắng không dòng tên họ/ Không năm sinh, không đề dấu thôn làng/ Như tất cả cuộn thành tiếng nổ/ Ném vào hầm ngầm, ụ súng, xe tăng”. Tác giả lặng đi trong sự thương cảm, xúc động vô bờ: “Như tất cả anh gửi cho đất/ Tôi lặng nhìn đồi A1 thấy hình anh” . Cái “nhìn” đầy tình người và lòng biết ơn như nói giùm tâm tư của bao người. Bài thơ khép lại nhưng đầy day dứt, ám ảnh về lương tri: “Anh chào đời năm nào tôi không biết/ Có những con người ngày chết hóa ngày sinh”.


Điện Biên như một địa đỏ thiêng liêng gọi mỗi người trở về tìm lại một thời đẹp nhất của dân tộc. Bài: “Điện Biên gọi tôi lên” của Nguyễn Hữu Quí là một bài như thế. Đấy là âm hưởng hào hùng của tiếng hò kéo pháo năm xưa: “Có phải tiếng hò kéo pháo gọi tôi lên/ Hay ban trắng triền xuân còn dâng đợi/ Nậm Rốm tím sương chiều chờ tôi đến/ Mường Thanh líu ríu câu mời”. Bước chân líu ríu ấy sao mà thấm đượm tình người đến thế, để rồi khi được đắm mình trong không gian thân thiết, dung dị, tác giả không cầm lòng được: “Có gì đâu măng đắng, cơm lam/ Hóa thơm thảo sông mường, ruộng bản/ Điện Biên ạ, mai xa rồi, nhớ lắm/ Tôi hẹn về bên núi và em”.
Tập thơ “Trời Điện Biên mây trắng” gồm 139 bài. Nhiều nhà thơ đã mất, không ít nhà thơ chưa có tên tuổi trên thi đàn nhưng cái chung nhất của tập thơ là tình cảm chân thành, sâu sắc với chiến thắng to lớn của dân tộc cùng sự hy sinh của bao người. Mỗi bài như một nén tâm hương thơm ngát rừng Điện Biên, kết hợp khá nhuần nhuyễn yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình làm cho bài thơ đa thanh, đa nghĩa, chuyển tải được những ý tưởng sâu sắc.

 

Trần Vân Hạc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN