Trường học sinh Miền Nam trên đất Bắc

Năm 1954, ngay sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chủ trương thành lập một hệ thống Trường học miền Nam trên đất Bắc. Đây là những trường dành riêng cho các em nhỏ miền Nam (từ 4, 5 tuổi đến 16, 17 tuổi) là con em cán bộ, bộ đội, các gia đình chính sách được các địa phương ở miền Nam chọn gửi ra để học tập chuẩn bị cho sự nghiệp cách mạng miền Nam và xây dựng đất nước sau này.

Tuy chỉ tồn tại 21 năm (1954 – 1975) nhưng khi kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình, các Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã mang lại những kết quả to lớn trong việc đào tạo nên những “hạt giống đỏ” cho đất nước và để lại trong lòng người dân Việt Nam những tình cảm vô cùng thiêng liêng tốt đẹp về một thế hệ học sinh miền Nam (HSMN).

Vượt qua những trở ngại

Từ năm 1954, những “đoàn chim non” miền Nam lần lượt rời tổ ấm theo những ngả đường khác nhau ra miền Bắc học tập. Có lẽ, đó là việc làm không dễ dàng đối với gia đình cũng như bản thân các em. Nhưng tất cả đã sẵn sàng với niềm tin sau khi học thành tài trở về cống hiến cho quê hương, đất nước. Cũng như thế, dù vẫn phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn nhưng đồng bào miền Bắc vẫn không ngần ngại đón nhận và hết lòng đùm bọc HSMN.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ nếu như có một luồng sức người, sức của từ miền Bắc đẩy vào miền Nam thì trên dải Trường Sơn ấy rất nhiều em nhỏ đeo bao lô bé con sau lưng được cố kết thành những đoàn nhỏ lặng lẽ đi ngược dòng.

Các HSMN đã vượt qua không ít trở ngại mà nếu không có sự quyết tâm cao có thể sẽ bỏ cuộc. Thử thách đầu tiên là việc vượt qua nhiều hiểm nguy trên các nẻo đường để ra được miền Bắc. Suốt thời gian học tập, các em phải nỗ lực hết mình để vượt qua nỗi nhớ nhà, biến nỗi nhớ nhà thành động lực để học tập. Càng được tôi luyện trong khó khăn các em càng nhanh chóng trưởng thành.

Ảnh tư liệu


Ông Nguyễn Mười (sinh năm 1940, cựu học sinh miền Nam, Kỹ sư cơ khí, hiện đang ở Thành phố Hồ Chí Minh) đã từng là một thành viên HSMN kể lại: Đầu năm 19 ông bắt đầu rời quê ra Bắc. Để tránh địch ném bom, mọi người phải đi đường núi rừng và thường xuyên trèo qua những dốc núi cao sừng sững. Cao nhất là dốc Nguyễn Chí Thanh, đếm từ dưới lên là 2.000 bậc, bộ đội đi đã thấy khó thì đối với thiếu niên như ông còn thấy khó gấp đôi. Thế nhưng, mọi người vẫn bảo nhau nỗ lực hết mình để vượt qua. Để rồi ròng rã một ngày trời với một nắm cơm muối ăn lót dạ buổi trưa cả đoàn cũng qua được bên kia dốc núi. Không chỉ vậy, trong quá trình đi cũng thường xuyên bị địch phục kích mà nếu không có sự lanh trí của các giao liên thì có lẽ cả đoàn đã hy sinh.

Ông vẫn còn nhớ như in, lúc đi qua địa phận A Sầu, A Lưới (tỉnh Quảng Trị) gặp cuộc tấn công của địch nên cả đoàn phải tạm trú ở đây. Vì lương thực hạn chế, nên mỗi ngày chỉ được ăn một chén cháo cho đến ngày thứ ba, khi chịu không nổi, các HSMN mới được ăn cơm. Khi ra khỏi chỗ trú ẩn, người đi trước đi sao thì người đi sau phải đi vậy để tránh mìn lá. Đối với ông những ngày tháng vượt qua dãy Trường Sơn là những ngày tháng không thể nào quên, là hành trang để ông phấn đấu học tập sau này.

Trừ một số rất ít HSMN có cha mẹ, người thân ra Bắc tập kết còn lại hầu hết sợi dây liên kết với gia đình của các em chỉ là những kỷ niệm và nỗi thương nhớ... Chỉ cần màn đêm buông xuống, tâm hồn các em lại sống với quê hương, cánh đồng, con sông vùng cây trái mà mình từng gắn bó. Chính vì vậy, việc HSMN bỏ học giữa chừng quay lại quê hương cũng là điều có thể xảy ra. “Nhất là nỗi đau cháy ruột cháy lòng mỗi khi chúng tôi biết được thông tin một nơi nào đó bị giặc Mỹ ném bom hay một nơi nào đó bị giặc Mỹ tàn sát.

Đối với nhiều bạn nỗi đau càng nhân lên khi biết được ba mẹ mình đã hy sinh trong những vụ khủng bố đó... Lúc đầu khi nghe tin nhiều bạn có ý định bỏ học, nhiều lần ghi tên tình nguyện xin được về miền Nam, hoặc nhiều bạn vì thế đã lơ là học tập. Thế nhưng, sau khi bình tâm suy nghĩ nếu bỏ ngang việc học càng phụ lòng những người đã hy sinh, càng có lỗi với quê hương, đất nước nên cố kìm nén nỗi đau để tiếp tục phấn đấu học tập” - Bà Đàm Thị Ngọc Thơ, cựu học sinh miền Nam, nguyên giáo viên Trường học sinh miền Nam (hiện đang sống tại Cần Thơ) tâm sự.

Tất cả vì học sinh miền Nam

Những năm tháng Mỹ - ngụy phá hoại miền Bắc, việc học tập của các em học sinh miền Nam gặp khá nhiều khó khăn. Và việc dạy, học của thầy trò miền Nam càng khó khăn, phức tạp hơn nếu như không có sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng bào miền Bắc.

Ông Lê Bửu (sinh năm 1934, cựu học sinh miền Nam, nguyên Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh) bồi hồi nhớ lại: Có những năm, địch bắn phá dữ dội nên học sinh không được học trong trường chính mà phải sơ tán học và ở lẫn trong dân. Nhờ vậy mà càng thấy rõ tình cảm của đồng bào miền Bắc dành cho học sinh miền Nam. Miền Bắc vào những năm 1955 rơi vào cảnh không có cơm ăn, áo mặc.

Có nơi vì đói khát đồng bào chết cả trăm người như ở Thanh Hóa. Thế mà, đồng bào vẫn lo cho học sinh miền Nam ăn uống đầy đủ. Hàng ngày, học sinh miền Nam vẫn được ba bát cơm có đủ rau, cá, thịt. Nhiều cô chú còn bớt cơm của con mình để dành cho học sinh miền Nam. Vào mùa đông giá rét như cắt thịt, thấy học sinh miền Nam không có áo ấm, nhiều người lại sẵn sàng nhường cái áo ấm duy nhất của mình để học sinh miền Nam mặc. Buổi tối lại nấu nước ấm cho học sinh miền Nam tắm để tránh cảm lạnh.

Không đếm hết được những gì mà đồng bào miền Bắc đã làm cho học sinh miền Nam. Nhưng có thể thấy đồng bào đã xem các em học sinh miền Nam như chính con ruột của mình và nhiều khi còn hơn thế nữa. Do đó, trước hành động không hay của một số học sinh miền Nam họ luôn bao dung bỏ qua. “Có những người dân, nhà rất nghèo, trồng được bụi mía, cây cam, hay sắn trong vườn nhà lại bị hái trộm. Nhưng khi bắt được kẻ trộm biết là học sinh miền Nam, họ đã dẫn đến tận trường giao trả và còn ân cần dặn thầy cô trong trường chỉ khuyên bảo chớ đừng bắt phạt mà tội nghiệp.” – Ông Nguyễn Mười chia sẻ.

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh các trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Ảnh tư liệu


Mô hình giáo dục đặc biệt

Thành lập và hoạt động trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt và mặc dù tồn tại trong khoảng thời gian không dài nhưng hệ thống trường miền Nam đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo hàng chục nghìn người trở thành những con người có ích cho đất nước sau này. Không những thế, các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc còn để lại những bài học quý cho ngành giáo dục nói riêng, cho chiến lược “trồng người” nói chung của đất nước ta. Đó là bài học về cách đối xử với học sinh, cách dạy và học đặc biệt.

“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” huống chi học sinh miền Nam lại sống xa gia đình, quê hương, không có người thân bên cạnh, do đó thời gian đầu tới đây học nhiều học sinh miền Nam có những hành động ngỗ ngược, quậy phá làng xóm, có những tiết có học sinh không lên lớp…. Nếu không có sự nhẫn nại, kiên trì khuyên nhủ bám sát học sinh của thầy cô chắc chắn những “hạt giống đỏ” này sẽ không thể “đâm chồi”, “nảy mầm” thành những người có ích.

Nhằm giúp học sinh miền Nam tạm quên đi nỗi nhớ gia đình, nhiều trường học sinh miền Nam đã sáng tạo ra các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Cô Đàm Thị Ngọc Thơ cho biết thêm: Khi đó, chúng tôi luôn bận rộn: sáng dạy tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng, lên lớp, ăn trưa, ngủ trưa, tự học, sinh hoạt ngoại khóa, tăng gia sản xuất, ăn chiều, tự học, ngủ. Đó là công việc tuần hoàn mỗi ngày, các ngày nghỉ chúng tôi lại thay phiên nhau vào rừng lấy củi, tập văn nghệ, học thủ công… Sau này khi trở thành cô giáo, tôi mới hiểu cái nguyên tắc lớn nhất nơi trường học sinh miền Nam là không để thời gian nhàn rỗi vì nam sẽ đi phá xóm làng, nữ sẽ nhớ nhà mà buồn nản. Thầy cô thật chu đáo và thấu hiểu tâm lý học sinh.

“Lúc mới về trường học, mặc dù các thầy cô rất tốt nhưng những học sinh cá biệt như tôi không những không khôn ngoan mà trái lại từ một học sinh chỉ nghịch ngợm do tuổi học trò nói chung cộng lại với sự thiếu thốn tình cảm gia đình và thói công thần (cậy cha mẹ có công với cách mạng) tôi biến thành học sinh hư hỏng thật sự. Lên lớp bảy, trong một lần giả bệnh để trốn học nhận thấy sự quan tâm tận tình của thầy chủ nhiệm lúc bấy giờ nên tôi đã thay đổi. Thầy biết rõ tôi giả bệnh nhưng không trách móc mà không ngại mệt mỏi ra trạm xá ân cần giảng lại bài cho tôi, khuyên bảo tôi cố gắng học hành. Trước tình cảm chân thành của thầy, tôi đã cố gắng tu dưỡng đạo đức, vươn lên học tập. Sau đó, rất nhiều kỳ thi tốt nghiệp cấp hai tôi đã đạt loại giỏi. Không chỉ tôi mà nhiều học sinh nghịch ngợm ở trường học sinh miền Nam Đông Triều nhờ thầy cô mà tu chí học hành” - ông Lê Long Thành (cựu học sinh miền Nam, hiện đang sống ở Hà Nội) kể lại.

Không chỉ được học chữ, học văn hóa mà học sinh miền Nam được giáo dục toàn diện: đức, trí, thể, thể, mỹ, học đi đôi với hành.

Theo thầy Nguyễn Việt Bắc (Cựu giáo viên trường học sinh miền Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn) cho biết: Những học sinh miền Nam là sản phẩm giáo dục cả về: văn thể mỹ đạo đức tư tưởng, văn hóa, thể thao, văn nghệ. Ngoài giờ học tập lên lớp, chúng tôi có giờ sinh hoạt vui chơi, ca hát, thể thao… rất sôi nổi, hấp dẫn. Nhiều đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền của các trường được mời đi giao lưu ở các tỉnh. Trong những giờ cùng nhau lên rừng chặt tre nứa, thầy cô chúng tôi luôn tranh thủ kể những tác phẩm văn học cho các em nghe như: Thép đã tôi thế đó, Chiến tranh và hòa bình… Nhằm cung cấp cho các em kiến thức về văn học thế giới cũng như gửi gắm vào đó những bài học giáo dục nhân cách.

Ngoài ra, nhằm kết hợp giáo dục với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn, nhiều Trường học sinh miền Nam đã sáng tạo ra nhiều hoạt động giáo dục mới. Theo Nhà giáo Ưu tú Lê Phú Lộc, Cựu giáo viên Trường học sinh miền Nam, hiện đang sống ở Đà Nẵng): Chúng tôi đã tổ chức cho các em những buổi tham quan nhà máy, nghe các anh hùng lao động nói chuyện. Và có tận mắt thấy cảnh kiến thiết công nghiệp đã mở ra trong lòng các em ước mơ xây dựng miền Nam giàu đẹp sau này. Học sinh còn được tham gia xây dựng bệnh viện Việt – Tiệp, được chuyên gia Tiệp Khắc đến tận trường khen ngợi, cảm ơn. Các cô bác sĩ của bệnh viện đã đỡ đầu, hướng dẫn vệ sinh cho học sinh nữ, làm nhiệm vụ của các bà mẹ với con gái ở tuổi dậy thì. Mỗi học sinh đã hình thành và phát triển nhân sinh quan tốt đẹp. Các em đã biết sống chan hòa với công nhân, nông dân, thương yêu người lao động, quý trọng sức lao động, hình thành nhân cách người lao động.

Cứ như thế cùng với năm tháng, qua bàn tay chăm sóc của thầy cô, đồng bào miền Bắc, phần lớn những "hạt giống đỏ" ngày nào đều trưởng thành. Không một lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng; không một ngành khoa học, kỹ thuật nào; một lĩnh vực nào lại không có học sinh miền Nam thành đạt. Một đội ngũ hùng hậu tiến sĩ, phó tiến sĩ, giáo sư, bác sĩ, cử nhân, văn nghệ sĩ, các tướng lĩnh, các nhà quản lý có mặt khắp mọi miền Tổ quốc trưởng thành từ các Trường học sinh miền Nam, trường thành từ miền Bắc.


Lan Phương
'Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Quyết định lịch sử của Đảng ta'
'Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Quyết định lịch sử của Đảng ta'

Quyết định lịch sử mở chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố: Sự lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo, quyết đoán, kịp thời của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh; sự đồng tâm nhất trí ở giai đoạn cuối cuộc kháng chiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN