Từ giã mái trường Xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc đến nay đã gần 40 năm, nhưng trong tôi, những tình cảm, kỷ niệm về thầy Nguyễn Thái Học (đang sống tại 266 đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn), người thầy kính yêu đã chăm sóc cho chúng tôi trong những ngày xa gia đình, mãi mãi không bao giờ phai nhạt.
Hồi ấy, tôi đang học cấp II, còn thầy là giáo viên dạy cấp I của trường Học sinh miền Nam số 18 - Hưng Yên. Tuy thầy không trực tiếp dạy tôi, nhưng lại luôn là người chăm lo, động viên tôi trong cuộc sống. Chính vì thế, cho đến tận bây giờ, đối với tôi, cũng như các bạn học sinh học ở trường ngày đó, vẫn nhớ mãi tình cảm thầy đã dành cho chúng tôi, và chúng tôi đều gọi thầy là “Thầy tôi” với tất cả sự kính trọng và yêu thương.
Hồi đó, sau mỗi giờ học buổi tối, thầy thường đến từng phòng ở của học sinh để trò chuyện với chúng tôi, dạy chúng tôi nói những lời hay, ý đẹp, dạy chúng tôi cách giải những bài toán khó, làm bài văn sao cho hay, cho đúng. Thầy cũng là người đã uốn nắn cho chúng tôi từng động tác thể dục chính xác để tham gia hội thao với các trường học ở thị xã Hưng Yên... Nhưng hình ảnh sâu lắng nhất, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng chúng tôi là trong những đêm đông giá rét, thầy lặng lẽ đến phòng ngủ của học sinh, nhắc chúng tôi trước khi đi ngủ nhớ phải mắc màn, đắp chăn kẻo lạnh. Thầy đến từng giường quan sát học sinh, những bạn nào ngủ say, vô tình đạp chăn rơi xuống đất, thầy lại tự tay kéo chăn đắp lại cho các bạn. Những việc này thầy làm tự nhiên và thường xuyên, giống như một người cha lặng lẽ chăm sóc cho đàn con thơ dại.
Năm 2009, kỷ niệm 55 năm ngày học sinh miền Nam trên đất Bắc, chúng tôi tổ chức về thăm lại trường xưa. Nghe tin chúng tôi ra Bắc, dù đã cao tuổi, nhưng thầy vẫn từ Lạng Sơn trở về Hà Nội chờ đón chúng tôi. Ngày gặp lại, thầy trò chúng tôi xúc động ôm chầm lấy nhau trong niềm thương, nỗi nhớ. Trong niềm vui đong đầy nước mắt của ngày hội ngộ, thầy trò chúng tôi đã cùng ôn lại những kỷ niệm khi còn học ở trong trường. Khi chúng tôi lên xe trở về miền Nam, thầy đến nắm tay từng người, dặn dò, nhắc nhở, chúc chúng tôi vui khỏe, hạnh phúc trong công tác và cuộc sống. Xe chạy một đoạn xa, khi ngoái nhìn lại, tôi vẫn thấy thầy đang đứng vẫy tay...
Thầy Nguyễn Thái Học (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng các cựu học sinh trường số 18 - Hưng Yên năm 2009 (ảnh: Tác giả cung cấp). |
Sau ngày gặp mặt, trở về miền Nam, không may tôi bị bệnh phải vào nằm viện. Không hiểu sao thầy lại biết tin, thầy đã gọi điện hỏi thăm tôi và gọi điện nhắc các bạn tôi đến thăm tôi ở bệnh viện. Cho đến tận bây giờ, những lời thăm hỏi, động viên của thầy vẫn còn vang mãi trong tôi: “Dũng ơi! Nghe tin em bị bệnh thầy buồn lắm, muốn vào thăm em lắm; nhưng thầy già rồi, đường xa quá thầy không đi được. Đừng buồn em nhé! Chúc em mau khỏe và mong được gặp lại em”. Trên giường bệnh, nghe lời thăm hỏi, động viên của thầy tôi rơi nước mắt. Đã bao nhiêu năm xa cách, vậy mà thầy vẫn quan tâm, chăm sóc động viên chúng tôi như ngày ở trong trường với tất cả tình thương và trách nhiệm của một người thầy. Những tình cảm đó thật cao quý, thật thiêng liêng biết nhường nào. Và đối với tôi, thầy mãi mãi là người thầy kính yêu trong lòng của tôi, là thần tượng của đời tôi...
Những ngày này, thầy trò chúng tôi đang háo hức chờ đến ngày kỷ niệm 60 năm Ngày học sinh miền Nam trên đất Bắc, bởi đến ngày đó, tôi lại có cơ hội được gặp thầy, lại được cùng thầy ôn lại những kỷ niệm xưa, cùng tôn vinh công ơn Đảng, Bác Hồ, đã dày công cho sự nghiệp “trồng người” và chắp cánh cho chúng tôi vững bước vào đời; ghi nhớ công lao của người dân miền Bắc chia sẻ, nuôi dạy chúng tôi nên người.
Phạm Phú Dũng (Cựu học sinh miền Nam trường số 18 - Hưng Yên)