Trường hợp nào cấp lại sổ BHXH mới cho người lao động?

Bạn đọc đặt câu hỏi: Một số địa phương đang bàn giao sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động giữa và nhiều trường hợp cấp lại sổ. Vậy việc cấp lại sổ sẽ theo mẫu như thế nào? Đối tượng nào mới phải cấp lại sổ BHXH?

Bàn giao sổ BHXH cho người lao động chuyển việc làm tại BHXH Quế Võ (Bắc Ninh).

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Theo quy định của Luật BHXH năm 2006 thì tổ chức BHXH có trách nhiệm cấp sổ BHXH đến từng người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo quản sổ BHXH của người lao động trong thời gian làm việc tại đơn vị và chỉ trả sổ BHXH cho người lao động khi người lao động không còn làm việc. Theo quy định này, người lao động không nắm được thông tin về quá trình đóng BHXH của bản thân, nhiều trường hợp đơn vị sử dụng lao động vẫn trừ tiền đóng BHXH của người lao động hàng tháng nhưng không nộp cho cơ quan BHXH mà chiếm dụng với mục đích khác; thậm chí chủ sử dụng lao động không trả sổ BHXH cho người lao động khi có nhu cầu chuyển nơi làm việc mới.


Do đó, Luật BHXH sửa đổi 2014 quy định: Cơ quan BHXH có trách nhiệm cấp sổ BHXH cho người lao động, quản lý sổ BHXH khi người lao động đã được giải quyết chế độ hưu trí hoặc tử tuất; người lao động có quyền được cấp, quản lý sổ BHXH và có trách nhiệm bảo quản sổ BHXH.


BHXH Việt Nam đang tiến hành bàn giao sổ cho người lao động quản lý. Cụ thể, đối với những sổ BHXH đã cấp trước năm 2009 theo Quyết định số 1443-LĐTBXH ngày 09/10/1995 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (mẫu cũ) được cấp lại sổ BHXH theo Quyết định số 1035/QĐ-BHXH gồm tờ bìa và toàn bộ tờ rời (mẫu mới) để trả cho người lao động quản lý; toàn bộ sổ BHXH theo mẫu cũ đục lỗ và lưu tại BHXH tỉnh.


Đối với sổ BHXH cấp từ năm 2009 đến nay theo mẫu mới thì không phải cấp lại, trả luôn cho người lao động (chỉ điều chỉnh, bổ sung thông tin nếu cần thiết).


Việc cấp lại sổ BHXH theo mẫu mới đối với những sổ đã cấp theo mẫu cũ giao cho người lao động giữ được thống nhất một mẫu chung trên toàn quốc, ghi đầy đủ nội dung về nhân thân, quá trình đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của người tham gia, sổ BHXH được in từ cơ sở dữ liệu đã rà soát, bổ sung đầy đủ và quản lý tập trung dữ liệu tại BHXH Việt Nam.


Sổ BHXH cũ cấp từ năm 1996 đến nay cũng đã 21 năm, chất liệu giấy không tốt, thời gian sử dụng tương đối lâu, với đặc điểm thời tiết, khí hậu nóng, ẩm của Việt Nam đến nay sổ BHXH này đã bị ẩm, mốc, rách, chữ nhòe. Do vậy, không đảm bảo khi người lao động tiếp tục bảo quản sổ và rất khó khăn cho cơ quan BHXH khi giải quyết chế độ cho người lao động.


Theo BHXH Việt Nam, mẫu sổ BHXH cũ là quyển gồm 24 trang hoặc 48 trang, thông tin về nhân thân và quá trình đóng BHXH của người lao động do người sử dụng lao động dùng bút mực ghi trực tiếp lên sổ. Đối với những người lao động có quá trình đóng BHXH dài, chuyển qua nhiều đơn vị, sổ BHXH được ghi bằng nhiều loại mực, nhiều loại chữ khác nhau, nhiều trường hợp khi viết mực chưa khô đã được gấp lại nên bị dính giữa các trang sổ, nhòe chữ nên không đọc được thông tin ghi trên sổ.


Từ năm 2017, người lao động trên cả nước được giữ quyển sổ BHXH giống nhau; toàn bộ tờ bìa sổ, tờ rời hàng năm được in từ dữ liệu cấp sổ BHXH; sổ BHXH đã được cập nhật bổ sung đầy đủ các thông tin của người lao động về nhân thân, về quá trình đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; hàng năm được cơ quan BHXH cung cấp tờ rời tình hình tham gia BHXH, BHTN của năm đó. Đảm bảo cho người lao động dễ kiểm tra, theo dõi các thông tin về nhân thân, về quá trình đóng BHXH của mình và có trách nhiệm bảo quản sổ BHXH tốt nhất.


Đối với cơ quan BHXH, thông qua đợt rà soát, trả sổ BHXH này để hoàn thiện dữ liệu của người lao động, quản lý dữ liệu tập trung trên toàn quốc, tiến tới thực hiện thẻ điện tử BHXH; khi cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho người lao động sẽ nhanh hơn, rút ngắn thời gian đáp ứng yêu cầu giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người lao động.


Như vậy, việc cấp lại sổ BHXH thành một mẫu chung thống nhất trên toàn quốc để bàn giao cho người lao động quản lý, đảm bảo người lao động giữ quyển sổ BHXH với nội dung chính xác, rõ ràng, đầy đủ thông tin về nhân thân, quá trình đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Người lao động trực tiếp theo dõi quá trình đóng – hưởng BHXH, nếu phát hiện chủ sử dụng lao động không đóng BHXH, người lao động trực tiếp liên hệ với BHXH các quận huyện, tỉnh thành và các cơ quan chức năng để được giải quyết.


XC/Báo Tin Tức
Bố trí nghỉ lễ 2/9 đảm bảo quyền lợi người lao động
Bố trí nghỉ lễ 2/9 đảm bảo quyền lợi người lao động

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, cán bộ công chức, viên chức, người lao động sẽ được nghỉ 3 ngày, trong đó có một ngày nghỉ bù do ngày 2/9 rơi vào thứ bảy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN