Bữa cơm say sóng
Ngày 15/12/2011, đoàn tàu TS rời cảng Cam Ranh ra khơi, đưa hàng Tết và bộ đội thay thế ra huyện đảo Trường Sa. Là phóng viên của TTXVN, tôi may mắn được lên tàu TS 22 cùng các chiến sĩ hải quân. Nhiệm vụ tòa soạn giao rất đơn giản: Viết bài, chụp ảnh, và nếu được thì làm cả tin hình gửi về nữa. Ngoài ra còn khoảng 5 cân quà, chủ yếu là sách báo, gửi ra biếu anh em chiến sĩ.
Đoàn phóng viên lên đảo Thuyền Chài B. |
14 giờ 30’ lễ xuất quân diễn ra trên cầu tàu quân cảng. Đó là một bầu không khí tràn đầy cảm xúc. Anh em chiến sĩ trẻ thì cười tươi roi rói còn những người lính già thì bịn rịn chia tay vợ con. Những khuôn mặt lính rắn rỏi ngày thường giờ đây lộ rõ những tình cảm riêng tư.
Tôi chạy và chụp liên tục. Sau mỗi kiểu ảnh ưng ý đều ghi lại tên và chức vụ, hoàn cảnh nhân vật vào điện thoại di động. Sau khoảng 3 tiếng, tôi đã có thể yên tâm về bộ ảnh của mình, chạy vào trong khoang tàu, bật máy tính xách tay và gửi bài về tòa soạn. Thủy thủ đoàn và các chiến sĩ đã lên tàu, anh em phóng viên cũng lục tục kéo vào phòng. Con tàu rú còi bắt đầu ra khơi.
Đoàn phóng viên chụp ảnh lưu niệm với chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn. |
Hình như có cái gì đó không ổn. Tàu bắt đầu nghiêng và lắc. Trong căn phòng nhỏ, nơi vốn là câu lạc bộ sĩ quan, 4 nhà báo từ trung ương đến địa phương nằm la liệt trên sàn. Tôi cố gửi xong cái tin cũng cuống cuồng nuốt vội viên thuốc chống say rồi nằm xuống nốt. Cả tàu say, tiếng nói cười huyên náo lúc ban đầu thưa dần rồi tắt hẳn.
7 giờ tối, bữa cơm nhà binh được dọn ra. Một nồi cơm, một nồi canh, thức ăn được bày ngay trên cái vung nồi cơm. Mẹ tôi ở nhà chắc hẳn sẽ mê cái nồi cơm này, cháy ngon tuyệt. Nhưng lúc này, ăn được miếng cơm là một vấn đề nan giải.
Các anh lớn xới cơm cho tôi, anh em dặn nhau ăn đi mà lấy sức, say sóng là khốn khổ lắm. Mệt đến đâu cũng gắng gượng mà ăn. Tôi và được nửa bát cơm thì trong người đã nhộn nhạo lắm rồi. Ục… tất cả cơm cháo nhào lên tận miệng. Tôi cố làm vẻ bình tĩnh, nhịn lại ở miệng, hai má căng phồng lên, rồi lại lấy sức nuốt vào. Trước mặt toàn người làm báo lâu năm, mình mà nôn ra đây thì thật là ê mặt.
Nhưng sóng không chấm dứt cơn đùa dai, liên tục đánh vào thân tàu. Tôi và thêm được hai miếng nữa thì một con sóng to ập tới, tàu nghiêng mạnh. Lúc này thì tôi không thể chịu hơn được nữa. Phụt… cơm và thức ăn từ miệng và mũi tuôn ra thành ba cái vòi. Tôi đã cố quay đầu nhưng không kịp. Một ít vẫn bắn ra dính vào mâm cơm.
Tôi ướt hết cả áo. Các anh lớn đồng loạt hô “Ối giời ơi” rồi cùng nhau im lặng. Người giơ cao bát cơm, người nháo nhào bê nồi cơm, người tìm giấy lau chùi “bãi thảm họa”, có người lại ngồi im dường như chưa biết phải làm gì?
Lạ kì thay, sau khi cho hết những thứ trong bụng ra, tôi tỉnh như sáo, tự đứng dậy ra một góc thay quần áo rồi lại ngồi… ăn tiếp bát cơm dở. Tôi cất giọng mỏi mệt nói với các anh: “Em xin lỗi các anh, nhưng không ăn tiếp bây giờ thì mai chắc anh em mình chết mất”. Năm nhà báo kì cựu xung quanh im lặng. Sau khoảng 1 phút họ tặc lưỡi và ăn tiếp. Vừa ăn vừa căng mắt đề phòng những miếng cơm nào có vẻ hơi… ươn ướt.
Kì thực tôi nói thế để... dọa các anh. Lúc đó tôi đã hoàn toàn tỉnh táo, không còn say sóng. Trong ba lô vẫn còn đầy thức ăn dự phòng. Nhưng tôi vẫn ăn lại bát cơm tanh tanh của mình… để trêu các anh lớn. Chắc hẳn các anh cũng nghĩ, không ăn là chết thật.
Tôi ăn hết bát cơm rồi cáo mệt nằm lăn đùng ra. Các anh lớn cố ăn thêm một ít, lau dọn căn phòng, rồi mới đi nằm. Nhưng không phải lúc nào cũng được các đại ca như vậy “hầu”, tội gì không quấy? Hóa ra mình cũng tai quái ra phết.
Bây giờ, mỗi khi phải dùng đến từ “nhẫn nhịn”, tôi vẫn thường nhớ lại khuôn mặt của các anh khi đó. Quả thực, tôi cũng không biết tại sao lúc đó mình lại tai quái như vậy.
PR méo mồm
Đảo đầu tiên tàu TS 22 cập bến là Trường Sa Lớn, nơi được coi là thủ phủ của vùng biển này. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tiếp đón đoàn phóng viên cực kì chu đáo. 5 ngày trên đảo, tôi có cảm giác đang được đi nghỉ tại một khu an dưỡng nào đó trong đất liền.
Đến ngày thứ 4, đoàn nhà báo quyết định “thách” bộ đội đá bóng. Ngay trên bàn ăn trưa lời “thách đấu” được đưa ra. Tuấn Việt, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đứng ra làm đội trưởng chỉ đạo anh em sắp xếp đội hình.
Bộ đội Trường Sa hỗ trợ gạo, nước ngọt, dầu ăn cho ngư dân. |
Đến lúc ra sân mọi người mới tá hỏa, hóa ra 3/4 số phóng viên chả bao giờ đá bóng cả. Anh Việt phân cho tôi làm tiền đạo, cái mặt này không làm hậu vệ nổi. Cứ thấy đồng đội có bóng là tôi chạy chỗ, định phá bẫy việt vị. Sau 15 phút, tôi chạm bóng được 3 lần, phải bò ra khỏi sân và gần như không thở nổi. Nhìn thấy tôi ra khỏi sân, khán giả cũng bỏ đi luôn, chả thèm quan tâm đến mấy tay báo chí. Kết cục, đội nhà báo thua 0-8.
Sáng hôm sau chúng tôi rời đảo. Phút chia tay đầy lưu luyến trên cầu tàu. Tôi còn hứng chí rút di động ra quay lại cảnh chia tay, xuồng con rời đảo ra với tàu lớn ngoài xa.
Quay được 5 phút, tôi thấy mũi mình tê tê. Sau 7 phút thì tê cả khuôn mặt, tiếp đó là tê ngực... kinh khủng nhất là cơn tê lan xuống bụng, đè nặng lên gan ruột. Hai tay bắt đầu co quắp. Tôi nghĩ là mình thiếu ô xy lên não thế nên cố gắng cử động quai hàm, cử động các cơ mặt giống như diễn viên hài. Đến lúc này tôi mới phát hiện ra miệng mình bắt đầu méo.
Đồng chí chỉ huy xuồng đã nhận ra dấu hiệu bất thường, liền cho tôi nằm xuống sàn. Xuồng cập mạn, mọi người lần lượt bắt thang dây trèo lên, duy có tôi vẫn nằm chỏng chơ. Thuyền trưởng quyết định dùng cần cẩu đưa cả xuồng lẫn người lên boong.
Lúc này phóng viên của mấy đài truyền hình đều đứng trên boong. Họ đã cấm sẵn máy quay. Chết mình rồi, cảnh này mà lên truyền hình thì ê mặt. Sau này đi tìm bạn gái cũng khó. Tôi chợt nhớ đến những lý thuyết về PR (quan hệ công chúng) được học trong giảng đường. Khi có khủng hoảng thông tin xảy ra và bạn phải xuất hiện trước báo giới, phải tạo được hình ảnh gây thiện cảm cho mọi người.
Nghĩ sao làm vậy, tôi cố mỉm cười, vẫy tay với mọi người và nói xin chào. Tôi càng cố cười miệng tôi càng méo, tay tôi co quắp vẫy như bị khoèo và lưỡi thì líu cả lại “in ào, in ào”. Quả thực, tôi thật giống như vừa trải qua một cơn tai biến mạch máu não.
Có lẽ vì quá ngạc nhiên, tất cả các phóng viên khác quên luôn cả việc quay phim chụp ảnh. Xuồng được nâng lên cao, tôi lấy hết sức vùng dậy nhảy xuống boong, 2 tiếng sau mới hoàn hồn. Đoàn trưởng đoàn tàu, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân lại vỗ vai tôi: “Chỉ có hai loại được lên tàu bằng cần cẩu. Một là chú, hai là… lợn”.
Sau này vào bờ đi khám, tôi mới biết mình bị thiếu canxi. Từ đó đến nay, tôi ăn rất nhiều canh cua, uống sữa canxi và tập thể dục đều đặn mỗi sáng.
Lần sau ra Trường Sa, tôi nhất quyết không thảm hại như thế nữa.
Bài và ảnh: Phong Anh