Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện thuộc 16 tỉnh, thành phố như: Yên Bái, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Kạn, Phú Thọ… Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1; tại Yên Bái cấp 2.
Độ gắn kết của đất giảm sẽ xảy ra trượt lở đất
Phân tích về nguy cơ trượt lở đất đá tại các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ những ngày qua, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trịnh Hải Sơn cho biết, trượt lở đất đá có thể được kích hoạt do nhiều yếu tố ngoại sinh như: mưa, bão, lũ, lụt, các quá trình phong hóa đất đá…và yếu tố nội sinh như động đất hay do con người làm mất độ ổn định sườn dốc, tăng chấn rung do mìn hoặc máy móc, tăng trọng tải lên mặt sườn dốc, tăng khả năng xói mòn, làm yếu độ liên kết của đất đá, làm yếu đi khả năng giữ đất của rễ cây do các hoạt động phá rừng, nổ mìn, san lấp, cắt, xẻ sườn đồi, núi để xây dựng đường sá, nhà cửa và các công trình khác. Tai biến này có thể dẫn tới thảm họa lớn cho con người và xã hội.
Ông Trịnh Hải Sơn thông tin thêm, yếu tố kích hoạt sạt lở đất quan trọng nhất là do đất bị bão hòa nước khi lượng mưa quá lớn hoặc có lượng mưa tích lũy dài ngày, bởi đất là lớp trên cùng của vỏ trái đất và được tạo ra từ vật chất đá gốc tại chỗ hoặc từ nơi khác chuyển đến. Dưới lớp đất là đá gốc, chiều dày của đất phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, địa hình... Độ bão hòa nước của đất phụ thuộc vào tính chất của đất như lỗ rỗng đất, độ gắn kết đất... khi mất độ gắn kết, đất sẽ sạt lở theo một độ dốc. Thông thường khi đất bão hòa thì độ gắn kết của đất giảm từ 15 đến 20%, khi đất đã ngấm nước và bão hòa nước thì thường xảy ra trượt lở đất.
Viện trưởng Trịnh Hải Sơn nhấn mạnh, khi xảy ra trượt lở đất với quy mô từ trung bình đến rất lớn có thể là tác nhân hình thành các dòng lũ bùn đá tại các lưu vực sông suối và sẽ tác động đến các công trình công cộng như trường học, trạm, đập chắn nước, khu vực dân cư, ruộng vườn, hệ thống truyền tải điện... gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Để đảm bảo an toàn người dân ở các khu vực có nguy cơ trượt lở đất trong mùa mưa bão, Viện trưởng Trịnh Hải Sơn khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi các cảnh báo, thông tin của chính quyền địa phương về thời tiết. Khi thấy dấu hiệu của sạt lở đất (như mặt đất phồng lên, rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất; vết nứt nền nhà, tường nhà, sườn đồi; cây cối nghiêng; nước sông suối chuyển màu đục), người dân cần thông tin cảnh báo ngay cho chính quyền địa phương và những người xung quanh để chính quyền địa phương thực hiện các phương án phòng, chống sạt lở đất.
Ông Sơn cũng lưu ý người dân cần chấp hành các khuyến cáo, thông báo về thời gian không ra đường, thời gian lưu thông trong các khu vực nguy cơ sạt lở; cần nhanh chóng di chuyển người và tài sản thiết yếu đến các khu vực an toàn do chính quyền địa phương quy định; chấp hành nghiêm các khuyến cáo của chính quyền địa phương về phòng, chống sạt lở đất, về các cảnh báo (khu vực sạt lở đất, các tuyến đường trong và liên quan đến khu vực sạt đất, thời gian ở tại nơi cư trú, thời gian tham gia giao thông, thời gian làm việc…). Ngoài ra, người dân cần tích trữ lương thực, thuốc men, dụng cụ thiết yếu, y tế, trang thiết bị bảo hộ, chiếu sáng, đun nấu cho sinh hoạt và đề phòng bệnh dịch…
Cần dữ liệu đầy đủ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra, theo Viện trưởng Trịnh Hải Sơn, trước hết, Việt Nam cần sớm phân vùng những nơi có nguy cơ trượt lở đất đá cao tại Việt Nam. Trước hết, cần xây dựng được Bộ tiêu chí đánh giá và xác định các khu vực, lưu vực có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá; phải có được đầy đủ bộ cơ sở dữ liệu của các bản đồ thành phần như bản đồ nguy cơ trượt lở đất đá, bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá để phân tích, đánh giá tổng hợp, tích hợp, từ đó mới có thể xây dựng và đề xuất được Bộ tiêu chí đánh giá và khoanh định các khu vực có nguy cơ cao về trượt lở đất đá.
Bộ tiêu chí này sẽ được áp dụng cho 15 tỉnh miền Bắc đã có đủ cơ sở dữ liệu phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá theo tỷ lệ 1:50.000 giúp khoanh định các "khu vực nhạy cảm" về trượt lở đất đá; áp dụng thêm tổ hợp 4 tiêu chí gồm: dân cư, giao thông, công trình trọng điểm và lưu vực sông suối.
Viện trưởng Trịnh Hải Sơn thông tin thêm, hiện Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đang tiếp tục triển khai thực hiện 2 Đề án "Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi và "Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, cơ sở dữ liệu về hiện trạng và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá ở tỷ lệ 1:50.000 của 37 tỉnh miền núi và trung du Việt Nam vẫn chưa được đầy đủ; dữ liệu chưa được chuẩn hóa, đồng bộ gây nhiều khó khăn cho công tác tổng hợp dữ liệu.
Đặc biệt, Bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều tra, phân vùng nguy cơ cho các khu vực trọng điểm như: số liệu địa hình ở tỷ lệ lớn (1:10.000, 1:5.000, 1:2.000) còn thiếu và chưa được cập nhật bổ sung; do đó, dẫn đến kết quả xử lý bị sai và thiếu. Bộ cơ sở dữ liệu về địa chất ở tỷ lệ trung bình (1:50.000) cũng vẫn còn thiếu rất nhiều và chưa được tiến hành điều tra chi tiết bổ sung; các tỷ lệ 1:10.000, 1:5.000 rất ít, hầu như chỉ có ở những khu vực điều tra, đánh giá các mỏ khoáng sản.
Do đó, Viện trưởng Trịnh Hải Sơn đề xuất, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một Trung tâm cơ sở dữ liệu liên ngành về trượt lở đất đá; đầu tư kinh phí tiến hành các đề án, dự án về điều tra trượt lở đất đá ở các tỷ lệ lớn cho các khu vực trọng điểm, nhạy cảm về trượt lở đất đá. Ngoài ra, các hệ thống cảnh báo sớm về trượt lở đất đá theo thời gian thực tại một số địa điểm là những công cụ vô cùng quan trọng cho công tác cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra.