Sau hai năm, bức tranh dịch bệnh đã có nhiều thay đổi. Thế giới đã cùng nhau vượt qua “cú sốc COVID-19” để coi đó là bệnh đặc hữu trong thời gian tới và cuộc sống đang trở lại bình thường.
Những dấu mốc lớn
Khởi phát từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vào đầu tháng 12/2019, dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã làm cuộc sống của người dân toàn cầu bị đảo lộn bởi tính chất nguy hiểm và tốc độ lây lan.
Tính đến ngày 11/3/2020, khi COVID-19 được coi là “đại dịch” thì SARS-CoV-2 đã hiện diện ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này Italy có 10.149 bệnh nhân (631 ca tử vong), thuộc hang “top”, Nhật Bản - 1.278 (19), Mỹ - 1.004 (31),Iran - 9.000 (354), Hàn Quốc - 7.755 (66), Hà Lan – 503, Ba Lan – 26, Hungary – 13…
Số liệu cập nhật đến 17h30 ngày 11/3/2020 cho thấy, trên thế giới có 119.061 người mắc COVID-19 và 4.293 trường hợp tử vong, trong đó riêng Trung Quốc đại lục có 3.158 ca.
COVID-19 chi phối mọi khía cạnh đời sống kinh tế-xã hội trên toàn thế giới và buộc con người phải thay đổi cách nhìn nhận, cần hành động khẩn cấp và quyết liệt hơn, thay đổi hành vi, tránh gặp gỡ, tụ tập đông người, nâng cao các biện pháp phòng dịch.
WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vào ngày 30/1/2020, rồi sau đó xác nhận đây là "đại dịch toàn cầu" vào ngày 11/3/2020. Việc WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu sau 3 tháng kể từ khi căn bệnh này xuất hiện đã phản ánh khả năng virus lây lan trên diện rộng về mặt địa lý. Mục đích của WHO là mong muốn tất cả các nước trên thế giới cần có hành động khẩn cấp và quyết liệt để kiểm soát tình hình và khống chế sự lây lan của virus.
Trước khi tuyên bố COVID-19 là đại dịch, WHO đã phải cân nhắc khá thận trọng bởi trong quá khứ đã có những tranh cãi về việc tuyên bố đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009 gây ra tình trạng hoảng loạn không cần thiết, khiến các cơ sở cấp cứu quá tải và khiến nhiều nước phải bội chi để mua thuốc kháng virus.
Đến ngày 11/3/2021, tròn 1 năm WHO tuyên bố COVID-19 là "đại dịch toàn cầu", từ tâm dịch Vũ Hán, SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ với 118,5 triệu mắc COVID-19, trong đó 2,63 triệu ca tử vong.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 540.585 ca tử vong trong tổng số hơn 29,8 triệu ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với 158.123 ca tử vong trong tổng số gần 11,3 triệu ca mắc. Brazil đứng thứ ba với tổng số hơn 11,1 triệu ca mắc.
Tại khu vực châu Á, Bộ Y tế Malaysia ghi nhận 317.717 ca mắc, 1.191 trường hợp tử vong. Indonesia có suýt soát 1,4 triệu ca mắc và 37.932 ca tử vong. Philippines có 603.308 ca mắc.
Tại khu vực châu Âu, Đức ghi nhận tổng cộng hơn 2,51 triệu ca mắc, trong đó 72.489 ca tử vong. Bulgaria ghi nhận thêm 3.502 ca mắc mới, số ca tử vong cũng tăng thêm. Bulgaria đã cấm tiến hành các cuộc phẫu thuật không khẩn cấp tại các bệnh viện ở nhiều thành phố. Bộ Y tế cho biết có thể đóng cửa trường học, trung tâm mua sắm và trung tâm thể thao cũng như nhà hàng nếu cần thiết nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan.
COVID-19 là dịch bệnh không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, giới tính, trình độ, giai cấp, quốc tịch. Những nguyên thủ như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro… đều không miễn nhiễm. Sau Trung Quốc, "tâm dịch" thế giới từng dịch chuyển sang Italy, Tây Ban Nha, Anh ở châu Âu, rồi Iran, Ấn Độ ở châu Á, Mỹ, Brazil, Mexico ở châu Mỹ.
Chạm ngưỡng 2 năm sau khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, tính đến hết ngày 10/3/2022, thế giới có hơn 450 triệu ca mắc, 6,01 triệu ca tử vong. Trong đó, Mỹ ghi nhận 79,3 triệu ca mắc (961.000 ca tử vong); Ấn Độ - 43 triệu (515.000); Brazil – 29,2 triệu (653.000); Pháp - 22,5 triệu (137.000); Anh – 19,4 triệu (163.000)… Iran đứng đầu châu Á với 7,1 triệu ca mắc (1.000 ca tử vong). Indonesia đứng đầu ở Đông Nam Á với 5,8 triệu ca mắc (151.000 ca tử vong).
Đoàn kết để đánh bại kẻ thù chung
Khi tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng mục đích chính của việc công bố đại dịch là nhằm nâng cao ý thức, chứ không phải để dẫn đến tình trạng hoảng loạn trên toàn cầu.
WHO muốn gửi một thông điệp đến mọi người trên toàn thế giới. Theo đó, mọi quốc gia đang đứng cùng một chiến tuyến trong cuộc chiến với SARS-CoV-2. Đại dịch COVID-19 không phải là vấn đề của một vài quốc gia hay của một số người mà đại dịch đã là một vấn đề toàn cầu nên các quốc gia cần làm việc cũng như hợp tác cùng nhau để đối phó với vấn đề chung này.
Đối mặt với COVID-19, trong 2 năm qua cả thế giới nỗ lực đối phó với đại dịch. Bên cạnh những biện pháp phòng dịch, nhiều nước có nền y học hiện đại đã chạy đua với thời gian để nhanh chóng giải mã thành công bộ gen virus corona chủng mới, từ đó đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc đặc trị.
Nhiều loại vaccine ra đời có hiệu quả phòng ngừa cao như vaccine của Pfizer/BioNTech (Mỹ-Đức), AstraZeneca/Đại học Oxford (Anh)…
Tính đến sáng 9/3/2022 trên thế giới đã có gần 5 tỷ người (tổng dân số là hơn 7,8 tỷ người) được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19, chiếm hơn 64%; hơn 4,43 tỷ người đã được tiêm đủ liều, chiếm gần 56,8%; gần 1,44 tỷ người được tiêm mũi tăng cường, chiếm gần 18,5%.
Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) cũng là một nỗ lực rất lớn trong gần hai năm qua của cộng đồng quốc tế. COVAX do WHO đứng đầu cùng với sự tham gia của các tổ chức khác gồm Liên minh vaccine (GAVI), Liên minh Sáng kiến và Chuẩn bị Phòng dịch (CEPI), đã phân phối miễn phí vaccine phòng COVID-19 đến hàng chục quốc gia nghèo, chủ yếu ở châu Phi.
Tuy nhiên, sáng kiến phân phối công bằng vaccine toàn cầu của WHO vẫn chưa đạt được mục tiêu là đến cuối năm 2021 cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho các nước có thu nhập trung bình và thấp. Vẫn còn sự chênh lệch cao về tỷ lệ tiêm chủng trên toàn thế giới. Khoảng 40% dân số trên thế giới vẫn chưa được tiêm mũi vaccine nào ngừa COVID-19.
Một trong các mục tiêu của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mà nước chủ tịch Indonesia đang theo đuổi trong năm 2022 là "đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine ngừa COVID-19". Đây được coi là một nhiệm vụ cấp bách. Các nước đang phát triển dễ bị tổn thương đồng nghĩa toàn cầu dễ tổn thương.
Cuộc sống dần trở lại bình thường
Ngày 24/11/2021, một biến thể mới của COVID-19 có ký hiệu B.1.1.529 đã được báo cáo lên WHO. Biến thể mới này lần đầu tiên được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm được thu thập ngày 11/11 tại Botswana và ngày 14/11 tại nước láng giềng Nam Phi. Ngày 26/11, WHO đã đặt tên biến thể B.1.1.529 là Omicron và phân loại biến thế này là Biến thể đáng lo ngại (VOC).
Đến ngày 9/2/2022, ông Abdi Mahamud, Giám đốc quản lý sự cố của WHO, cho biết, 130 triệu ca mắc mới và 500.000 ca tử vong trên toàn thế giới đã được ghi nhận kể từ khi biến thể Omicron được tuyên bố là Biến thể đáng lo ngại vào cuối tháng 11 năm ngoái. Kể từ đó, Omicron đã vượt Delta trở thành biến thể chủ đạo trong đại dịch COVID-19 trên thế giới vì khả năng lây lan nhanh hơn cho dù có vẻ gây bệnh ít nghiêm trọng hơn.
Biến thể mới đang khiến dịch COVID-19 lây lan nhanh. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này, giảm tỷ lệ ca chuyển nặng, tử vong và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch.
Liên minh châu Âu (EU) dỡ lệnh cấm du lịch, cho phép du khách đến từ các quốc gia ngoài khối nhập cảnh với điều kiện đã tiêm hai mũi vaccine. Tuy nhiên, mỗi nước thành viên vẫn có một số quy định phòng dịch riêng.
Từ 1/3/2022, du khách đã tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19 được vào châu Âu du lịch, mũi thứ hai cách ngày nhập cảnh ít nhất hai tuần, và không quá 270 ngày. Những người đã tiêm quá chín tháng phải tiêm mũi tăng cường. Người khỏi COVID-19 và phục hồi trong vòng 180 ngày cũng được chấp thuận.
Pháp bỏ yêu cầu trình diện giấy chứng nhận âm tính COVID-19 với du khách đã tiêm đủ vaccine kể từ tháng 2/2022. Việt Nam nằm trong danh sách vùng xanh. Từ ngày 28/2/2022, du khách cũng không bắt buộc đeo khẩu trang khi vào nhà hàng, quán cà phê hay không gian trong nhà.
Áo yêu cầu mọi du khách nhập cảnh phải trình diện giấy chứng nhận tiêm đủ vaccine (ít nhất hai mũi) hoặc chứng nhận khỏi bệnh; hoặc kết quả âm tính nếu xét nghiệm PCR trong 72 giờ hoặc test nhanh trong 24 giờ. Các nhà hàng, quán bar, bảo tàng, rạp hát và cáp treo tại khu trượt tuyết chỉ chấp nhận chứng nhận tiêm chủng hoặc khỏi bệnh.
Bỉ quy định khách cần có kết quả âm tính nếu xét nghiệm PCR trong 72 giờ hoặc test nhanh trong 24 giờ, giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc khỏi bệnh, và phải khai báo những nơi đã đến trong vòng sáu tháng. Nếu du khách ở lại đây dưới 48 tiếng thì không cần khai báo. Quy định đeo khẩu trang không bắt buộc ở ngoài trời, nhưng vẫn có hiệu lực trong các không gian kín, phương tiện công cộng.
Ba Lan yêu cầu khách du lịch từ ngoài khối Schengen có giấy chứng nhận tiêm chủng và kết quả PCR hoặc test nhanh âm tính COVID-19 trong 24 giờ trước khi nhập cảnh.
Đức yêu cầu khách quốc tế điền đơn đăng ký kỹ thuật số, có giấy chứng nhận tiêm chủng đầy đủ hoặc kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19.
Bên cạnh giấy chứng nhận tiêm chủng, du khách đến Albania, Bulgaria, Đan Mạch chỉ cần cung cấp thêm kết quả xét nghiệm âm tính PCR, có thời hạn trong vòng 72 giờ.
Hy Lạp, Ireland, Lithuania không yêu cầu khách xét nghiệm PCR trước khi nhập cảnh, nếu đã tiêm đủ. Các địa điểm công cộng, du lịch đều mở cửa nhưng giới hạn công suất. Hành khách vẫn bị bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng.
Hà Lan không yêu cầu cách ly hay kết quả âm tính với khách du lịch đến từ các quốc gia an toàn tại EU, châu Á hay châu Đại Dương. Tuy nhiên, mọi hành khách cần có giấy chứng nhận vaccine kỹ thuật số.
Italy yêu cầu du khách trình diện một trong ba giấy tờ: chứng nhận tiêm chủng hai mũi; hoặc đã khỏi bệnh; hoặc kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Tòa thánh Vatican cũng mở cửa với những khách du lịch đã tiêm vaccine hoặc khỏi COVID-19.
Iceland dỡ bỏ tất cả hạn chế. Mọi du khách đều có thể nhập cảnh, bất kể tình trạng tiêm chủng như thế nào, không cần xét nghiệm hay giấy chứng nhận COVID-19.
Khách quốc tế đến Anh (đã ra khỏi EU) không cần làm xét nghiệm trước khi nhập cảnh. Khách chưa tiêm cần xét nghiệm trước khi khởi hành, xét nghiệm PCR trong vòng hai ngày tính từ khi nhập cảnh và không cần cách ly nếu âm tính. Khách cũng cần điền vào biểu mẫu định vị với các nội dung như lịch sử tiêm vaccine, đi lại và thông tin liên lạc. Đeo khẩu trang không còn là quy định bắt buộc.
Các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Indonesia (riêng đảo Bali), Thái Lan, Lào, Campuchia đều đón khách quốc tế, miễn cách ly.
Malaysia chưa mở cửa nhưng khách quốc tế có thể đến đảo Langkawi theo chương trình bong bóng du lịch và phải mua tour của các công ty được chính phủ cấp phép.
Ấn Độ miễn cách ly cho khách quốc tế đã tiêm đủ vaccine, chỉ yêu cầu tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày sau khi nhập cảnh.
Quần đảo Maldives đón khách từ hầu hết quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Du khách không phải cách ly bắt buộc nhưng phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 96 giờ trước khi nhập cảnh, khai báo y tế trên website nhập cảnh Maldives Immigration IMUGA. Visa 30 ngày được cấp tại cửa khẩu miễn phí.
Nepal miễn cách ly cho khách tiêm đủ hai mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh. Khách chưa tiêm đủ và có kết quả âm tính cần làm thêm xét nghiệm tại sân bay khi nhập cảnh, cách ly 5 ngày trong khách sạn.
Pakistan miễn cách ly và xét nghiệm PCR cho khách quốc tế tiêm hai mũi.
Sri Lanka mở cửa cho tất cả khách du lịch quốc tế. Khách tiêm đủ hai mũi vaccine COVID-19 không cần xét nghiệm trước khi nhập cảnh. Khách chưa tiêm đủ hoặc từng mắc COVID-19 hơn sáu tháng cần trình kết quả PCR âm tính trong 72 giờ hoặc test nhanh trong 48 giờ trước khi nhập cảnh…
Như vậy, dù các ca F0 vẫn tiếp tục tăng ở nhiều nơi trên thế giới, thậm chí tại một số khu vực dịch COVID-19 vẫn còn rất nóng, song bức tranh chung toàn cầu đã mang màu sắc tươi tắn hơn. Đoàn kết chống kể thù chung, thế giới loài người đã vượt qua cú sốc “đại dịch” để trong thời gian tới sẽ nhìn nhận COVID-19 là bệnh đặc hữu. Sống chung an toàn với SARS-CoV-2 không còn là khẩu hiệu mà đang dần trở thành hiện thực tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, năng lực xét nghiệm khổng lồ và hạ tầng dữ liệu y tế mạnh.
Bài 2: Việt Nam xác định sống chung an toàn với COVID-19