Tại tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng của vùng áp thấp ở Biển Đông, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra mưa lớn, dông lốc, gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và người dân. Ước tính thiệt hại về vật chất ban đầu là hơn 1,5 tỷ đồng.
Mưa to, dông lốc làm một người ở huyện An Minh bị thương; đổ sập 12 căn nhà, tốc mái 36 căn tại các huyện Gò Quao, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Kiên Lương, Hòn Đất và hai thành phố Phú Quốc, Rạch Giá.
Mưa to, dông lốc làm đổ ngã khoảng 30 ha lúa Hè Thu ở huyện U Minh Thượng, sóng to, gió lớn đánh chìm một xuồng câu mực và hư hỏng một bè nuôi cá trên biển của ngư dân tại huyện Kiên Lương. Ngoài ra, dông lốc còn làm đổ sập giàn đèn chiếu sáng trên cầu Vĩnh Thuận ở huyện Vĩnh Thuận và gây đổ ngã nhiều cây xanh trên địa bàn một số huyện, thành phố trong tỉnh.
Tại tỉnh Vĩnh Long, mưa lớn, gió mạnh đã làm tốc mái 25 căn nhà; sạt lở một đoạn đê bao sông Măng ở ấp Tân An, xã Chánh An, huyện Mang Thít chiều dài 40m, rộng 10m và sâu 7m. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu trên 620 triệu đồng.
Mưa to kèm theo dông lốc, nước biển dâng cao trong những ngày qua đã uy hiếp đến tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau. Sáng 12/7, đoạn đê biển Tây qua địa phận xã Khánh Bình Tây xuất hiện 3 vị trí sạt lở mới rất nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 110m. Ngoài ra, mực nước biển dâng cao gây tràn cục bộ 3 vị trí với chiều dài 75m tại khu vực tuyến đê thuộc địa phận xã Khánh Tiến, huyện U Minh.
Dông, lốc kèm theo mưa to đã làm hư hại hơn 750 căn nhà của người dân tại các xã ven biển, trong đó huyện Trần Văn Thời là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có gần 345ha lúa hè thu và 1 ha rau màu bị ngập úng; một số cây trồng, trụ điện, pa nô bị đổ ngã... Ước tính, tổng thiệt hại ban đầu do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh là hơn 5,2 tỷ đồng. Ngoài ra, từ ngày 6-10/7, tỉnh Cà Mau ghi nhận có 6 phương tiện thủy, tàu cá bị chìm do thời tiết xấu.
Hiện nay, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, đê biển chịu áp lực lớn bởi những đợt sóng mạnh, cao đến gần 2m, khiến nước biển dâng cao tràn qua đê, nguy cơ gây vỡ đê luôn rình rập.
Mưa và dông lốc tại tỉnh Sóc Trăng đã làm 36 căn nhà bị thiệt hại, trong đó sập hoàn toàn 6 căn; tốc mái trên 50% có 4 căn; dưới 50% có 26 căn; sạt lở 50m giao thông nông thôn tại các huyện: Kế Sách, Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu và thành phố Sóc Trăng. Ước thiệt hại khoảng trên 1 tỷ.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, từ chiều 10 - 11/7, trên địa bàn tỉnh xuất hiện đợt mưa kèm theo dông lốc làm sập nhiều nhà dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh như Hòa Bình, Phước Long và Hồng Dân, Đông Hải...
Cụ thể, tại huyện Phước Long có 11 căn nhà của người dân ở các xã Phước Long, Vĩnh Phú Đông và thị trấn Phước Long bị thiệt hại; trong đó, có 1 căn bị sập hoàn toàn và 10 căn bị tốc mái. Ước tổng thiệt hại ban đầu do thiên tai gây ra gần 100 triệu đồng. Dông lốc cũng làm sập hoàn toàn hoàn 4 nhà và tốc mái 8 căn nhà của người dân ở huyện Hồng Dân. Huyện Đông Hải có 1 hộ dân bị sập và 1 hộ khác bị tốc mái. Lốc xoáy đã ảnh hưởng đến nhà của 2 hộ dân trên địa bàn huyện Hòa Bình.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ thu dọn, khắc phục, sửa chữa căn nhà bị thiệt hại nhẹ, giúp người dân ổn định cuộc sống, đồng thời khảo sát, đánh giá thiệt hại thiên tai để có biện pháp hỗ trợ. Đối với đoạn đê bao bị sạt lở, chính quyền địa phương di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn, đặt biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm và khảo sát, đề xuất giải pháp khắc phục…
Theo đó, các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là các tàu nhỏ đánh bắt ven bờ; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các địa phương trên triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn dân cư, khách du lịch, bảo vệ sản xuất, gia cố các khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực cửa sông, ven biển; tổ chức gia cố các tuyến đê biển có nguy cơ mất an toàn, triển khai lực lượng quản lý đê, lực lượng xung kích tuần tra, canh gác đê, nhất là các khu vực xung yếu có nguy cơ bị sạt lở, tràn. Riêng tỉnh Cà Mau khẩn trương huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tổ chức xử lý ngay các sự cố sạt lở đê điều đã xảy ra để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống...