Tử vong vì bệnh tay chân miệng do chẩn đoán sai, phát hiện muộn

Bệnh tay chân miệng (TCM) tiếp tục diễn biến phức tạp. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm cả nước đã có 21.950 ca mắc bệnh và 16 ca đã tử vong. Không ít trường hợp bệnh nhi mắc bệnh TCM bị tử vong do những sai lầm trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh hoặc do cha mẹ đưa trẻ đến bệnh viện quá muộn.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh TCM vẫn diễn biến phức tạp trên diện rộng do có mật độ vi rút cao, bệnh này lại do nhiều tuýp virút gây ra, một người có thể mắc nhiều tuýp virút khác nhau… Đặc biệt, sự lưu hành của virút EV 71 ở mức độ cao làm cho trẻ mắc virút này có nguy cơ diễn biến lâm sàng nặng, dễ tử vong… Bệnh này lại không có vắcxin và thuốc điều trị đặc hiệu… Một số ca bệnh TCM có những triệu chứng mà y học thế giới cũng chưa ghi nhận như bị tràn dịch màng tim…

Bệnh tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp.


Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra phác đồ mới nhất để điều trị bệnh TCM. Phác đồ là sự tập hợp rất kỹ các dạng bệnh, cách điều trị theo kinh nghiệm điều trị bệnh của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Nếu làm tốt phác đồ của Bộ Y tế, số ca tử vong sẽ giảm rất nhiều. Vì vậy, vừa qua Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn cho 5 đơn vị (2 đơn vị ở miền Bắc và 3 đơn vị ở TP Hồ Chí Minh) về cách xử trí bệnh cho các bác sĩ và điều dưỡng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá: “Trong năm 2011, sau khi xây dựng phác đồ điều trị TCM thì số ca tử vong giảm hơn một nửa. Bệnh TCM là loại bệnh nặng, mật độ virút cao, không có vắcxin và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh này lại xảy ra ở trẻ nhỏ (80% ca mắc là ở trẻ dưới 3 tuổi). Do bệnh thường diễn tiến rất nhanh nên việc theo dõi bệnh là rất quan trọng. Các cơ sở y tế phải tăng cường thêm điều dưỡng để theo dõi bệnh nhân vì để người nhà chăm sóc thì sẽ không thể nhận biết được các biến chứng của bệnh. Do đó, một kíp trực phải đảm bảo có 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng”.

Chẩn đoán và điều trị sai

Để tìm hiểu kĩ hơn về bệnh TCM và cách xử trí hợp lý, trong thời gian vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 phối hợp với các bệnh viện trong cả nước thực hiện nghiên cứu trên 153 hồ sơ bệnh nhi tử vong do bệnh TCM trong năm 2011 và nhận thấy rằng có 1/4 số bệnh nhi bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như: Sốt xuất huyết, viêm phổi, hen suyễn, viêm ruột, sốc nhiễm trùng… Chẳng hạn, có trường hợp bệnh nhi bị TCM chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong hồ sơ bệnh án ở tuyến dưới chuyển lên đã chẩn đoán nhầm sang nhiễm trùng đường ruột, bởi trẻ có biểu hiện nôn ói rất nhiều. Do không được chẩn đoán đúng bệnh và không được điều trị sớm, bệnh nhi bị sốc nặng và sau đó dẫn đến tử vong. Ngoài ra, có 1/3 các ca tử vong do mắc bệnh TCM là do chuyển viện không an toàn khiến cho bệnh nhi chết trên đường chuyển viện, hoặc rơi vào tình trạng sốc sâu.

Đặc biệt, hơn 1/2 số trẻ bị tử vong do gia đình đưa trẻ đến bệnh viện quá muộn, khi đến bệnh viện trẻ đã rơi vào trạng thái sốc hoặc bệnh ở độ 3, độ 4 và khi đó khả năng cứu sống bệnh nhi cũng không được đảm bảo.

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp đã được bác sĩ chẩn đoán đúng là bệnh TCM nhưng phân loại độ bệnh sai (thường phân loại thấp hơn độ bệnh) dẫn đến xử trí trễ, 20% bệnh nhi không được xử trí đúng theo độ bệnh, 7% trường hợp bị phù phổi do truyền dịch chống sốc không đúng theo phác đồ của Bộ Y tế, có trường hợp thiếu thuốc điều trị nên không làm đúng theo chỉ định. Những sai lầm trong cách xử trí đã dẫn đến một số bệnh nhi tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, việc chẩn đoán đúng bệnh TCM không dễ dàng. Bởi, nhóm bệnh nhi mắc TCM nặng thường có biến chứng của các bệnh khác như: Viêm não, ói mửa, sốc… trong khi đó dấu hiệu của bệnh TCM như các hồng ban, mụn nước lại khó phát hiện. Do đó, nếu bác sĩ không được tập huấn kỹ càng thì dễ chẩn đoán nhầm thành bệnh khác.

Tuy nhiên, hiện nay, điều kiện để chẩn đoán và điều trị bệnh này ở các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều bệnh viên ở các tỉnh đều thiếu máy thở, thiếu bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa nhi để điều trị cho bệnh nhân. Do đó, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tăng cường kinh phí để mua sắm trang thiết bị ở phòng hồi sức cấp cứu nhi, đặc biệt là máy thở và trang bị đầy đủ thuốc; tăng cường công tác tập huấn cho đội ngũ y bác sỹ.

Bài và ảnh: Đan Phương

Một ca tử vong vì chân tay miệng ở Lào Cai
Một ca tử vong vì chân tay miệng ở Lào Cai

Tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, trong tháng 2 đã có 20 cháu mắc, có 1 cháu 3 tuổi tử vong tại Bệnh viện đa khoa số 2 do mắc bệnh tay chân miệng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN