Hà Nội: Sáng 13/2, Lễ kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2016 đã trang trọng diễn ra tại đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội). Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự và dâng hương. Lễ kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức nhằm tri ân công lao Hai Bà Trưng, những nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc và tưởng nhớ đến các vị tướng lĩnh tài ba, các nghĩa binh trung liệt.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng diễn ra đến hết ngày 17/2 (tức mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) với nhiều nghi lễ và hoạt động phong phú. Đặc biệt, lễ hội đền Hai Bà Trưng có nghi lễ rước kiệu độc đáo, lễ tế cộng đồng theo nghi lễ cổ truyền của các địa phương có đền thờ Hai Bà Trưng. Phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa truyền thống.
“Đến hẹn lại lên”, ngày 13/2 (ngày mùng 6 tháng Giêng) chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã chính thức khai hội, thu hút đông đảo khách thập phương trẩy hội. Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý di tích và thắng cảnh Hương Sơn, trong ngày khai hội chùa Hương, có khoảng 5 vạn khách tham dự. Tính từ ngày mùng 3 Tết, ngày đầu bán vé tham quan lễ hội đến nay, gần 20 vạn khách đã tham quan, trẩy hội chùa Hương.
Đò chở khách tấp nập vào ra trên dòng suối Yến. |
Do đang trong những ngày nghỉ lễ và do thời tiết thuận lợi, khách đi hội chùa Hương rất đông, tăng cao hơn ngày khai hội các năm trước. Trong ngày khai hội, ngay tại bến Yến, khách chen nhau lên đò và nhiều người phải chờ đợi khá lâu mới được xếp lượt. Các xuồng đò đều hoạt động hết công suất. Trên dòng suối Yến, nhiều đoạn dồn ứ cục bộ đã diễn ra. Khu vực dẫn lên chùa Thiên Trù, động Hương Tích, nhất là nhà ga cáp treo cũng trong tình trạng quá tải, khách phải chờ đợi lâu. Ông Nguyễn Chí Thanh thừa nhận, mặc dù không xảy ra tình trạng tắc nghẽn nhưng do lượng khách đông nên khách vẫn phải chờ đợi để được đi cáp treo và được vào trong động Hương Tích.
Một trong những lễ hội của Thủ đô cũng rất được dư luận “để tâm” đó là Hội Gióng đền Sóc Sơn (Khai mạc vào sáng 13/2, tức mùng 6 Tết Bính Thân), do đã từng diễn ra tình trạng bạo lực cướp lộc hoa tre tại lễ hội. Rút kinh nghiệm từ các mùa lễ hội trước, năm nay, huyện Sóc Sơn thực hiện tốt công tác tổ chức, nên không còn tái diễn tình trạng bạo lực trong tranh cướp lộc hoa tre và lễ phẩm trầu cau.
Năm nay, huyện Sóc Sơn quyết liệt vào cuộc trong công tác tổ chức lễ hội, tránh để xảy ra bạo lực trong tranh cướp lộc. Trước đó, UBND huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch, đặc biệt chú trọng vào công tác đảm bảo an ninh trật tự trong đó bố trí lực lượng bảo vệ đoàn rước kiệu giò hoa tre và rước trầu cau không để xảy ra tình trạng tranh cướp lộc, xử lý nghiêm hành vi gây rối trật tự công cộng. Lực lượng chức năng bảo vệ lễ hội lên đến 300 người.
Hà Nam: Sáng 14/2 (tức mồng 7 Tết Bính Thân), tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ hội Tịch điền - lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Về dự lễ hội Tịch Điền có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam, các sở, ban, ngành cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Đồng chí Mai Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam xuống đồng thực hiện nghi thức với đường cày đầu xuân tại Lễ khai hội Tịch điền Đọi Sơn 2016. |
Lễ hội diễn ra trong các ngày từ 12 đến 14/2 (tức các ngày 5, 6, 7 tháng Giêng năm Bính Thân 2016) bao gồm phần lễ và phần hội. Trong ngày mùng 7 tháng Giêng là các nghi thức: Rước trống, rước linh vị vua Lê Đại Hành từ chùa Long Đọi Sơn xuống chân núi và nhập với đoàn rước Thành Hoàng Làng cùng tổ nghề trống Đọi Tam dưới chân núi Đọi đoàn rước tiến về khu ruộng mà trước đây vua Lê Đại Hành đã đi cày đầu năm khuyến khích người dân trồng lúa, chăm lo nông nghiệp. Sau đó là lễ bái yết Thần nông cầu một năm mới mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh. Sau màn đánh trống khai hội của đội trống nữ Đọi Tam là màn múa rồng. Tiếp đến lão nông được tái hiện lại hình ảnh vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông, sau đó lão nông này đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày, theo sau vua là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Sau khi vua cày xong các vị lãnh đạo địa phương và các lão nông xuống cày.
Phú Thọ: Cũng sáng 14/2, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ chính thức khai hội.
Mở đầu Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ xuân Bính Thân - 2016 là lễ tế thành hoàng làng và phần rước kiệu, đem theo lễ vật từ đình về đền Mẫu Âu Cơ gồm: 100 bánh ngọt, 100 phẩm oản, hoa quả do đội tế nữ thực hiện. Đội tế nữ là các cô gái thanh tân, có nhan sắc và học vấn, các cô đều mặc áo dài với các màu hồng, xanh, vàng rực rỡ, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa. Riêng chủ tế mặc trang phục màu đỏ nổi bật. Diễn văn khai hội khẳng định công đức to lớn của Tổ Mẫu Âu Cơ và cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người có cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc.
Huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh ra bọc trứng nở thành 100 người con nhằm tôn vinh nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam, mang đậm dấu ấn nhân văn sâu sắc, là đặc trưng văn hóa, thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình đưa 50 người con lên thượng nguồn sông Hồng mở mang bờ cõi, Tổ Mẫu Âu Cơ đã dừng chân ở Hiền Lương. Bà cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải; biến vùng đất hoang sơ thành trù phú. Ngày 25 tháng Chạp, bà cùng các tiên nữ về trời, để lại ơn đức cao dày, tình mẹ bao la. Về sau, tại đây nhân dân đã dựng lên ngôi miếu phụng thờ, đời đời hương khói và được các triều đại phong kiến phong sắc, cho tu bổ trở thành đền thờ Tổ Mẫu.
Bắc Ninh: Những ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, dưới tiết trời nắng nóng, du khách thập phương vẫn tấp nập đổ về đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) để dâng lễ vay và xin lộc. Số lượng người đến đông khiến cả đoạn đường từ đền Trình (thành phố Bắc Ninh) vào đền Bà Chúa Kho hơn 2 km luôn chật cứng người.
Theo ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho, từ ngày mùng 3 Tết trở đi, lượng khách đến đền tăng đột biến. Mỗi ngày, nhà đền luôn đón hàng nghìn du khách thập phương. Năm nay, để bảo đảm an ninh trật tự cho nhân dân địa phương và du khách yên tâm đi lễ, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý lễ hội. Ban tổ chức đã huy động hàng chục chiến sĩ công an thành phố Bắc Ninh, Công an phường Vũ Ninh, bảo vệ dân phố, hàng trăm cụ trong Hội Người cao tuổi phường Vũ Ninh tập trung ở các chốt điểm di tích kéo dài từ đền Trình vào đền Bà Chúa Kho làm nhiệm vụ phân luồng giao thông, hướng dẫn du khách... Ngoài ra, đã lắp 16 camera theo dõi an ninh, trật tự. Do lượng khách đến trong ngày thường xuyên đông, nhà đền đã huy động 4 người thường xuyên nhặt rác và khoảng hơn 10 người vận chuyển rác trong ngày nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường.
Cũng tại Bắc Ninh, ngày 13/2 (tức ngày 6 tháng Giêng âm lịch), lễ hội truyền thống làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã chính thức diễn ra theo nghi lễ truyền thống.
Hải Dương: Những ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, hàng vạn lượt du khách thập phương đã đến tham quan, đi lễ tại các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Hải Dương như Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền Tranh, Văn Miếu Mao Điền, đền Bia...
Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban quản lý Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, tính đến ngày 13/2 (mùng 6 Tết), Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đón khoảng 8 vạn lượt du khách về dâng hương, tham quan, chiêm bái. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách hành hương là một nội dung được các địa phương, Ban quản lý các di tích đặc biệt quan tâm. Theo ông Lê Duy Mạnh, tại Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc không xảy ra tình trạng cháy nổ, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, không đeo bám và chèo kéo du khách. Ban Quản lý di tích tuyên truyền bằng hình thức phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh nhắc nhở các hộ kinh doanh, dịch vụ trong khu di tích và lưu ý du khách thập phương thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, không đổi tiền lẻ, không xem tướng số, không thuê người khấn, đội lễ thuê, khi mua hàng cần hỏi giá và thỏa thuận giá trước. Ban Quản lý khu di tích cũng kết hợp với chính quyền địa phương tăng cường soát vé, đảm bảo trật tự các bến bãi trông giữ xe cho du khách.
Thái Bình: Sáng 11/2 (tức ngày mồng 4 Tết Bính Thân năm 2016), tại di tích cấp quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Duy Nhất đã tổ chức Khai hội chùa Keo mùa xuân năm 2016, đồng thời khai chỉ mở cửa đền Thánh năm 2016.
Hội xuân chùa Keo năm 2016 có nhiều lễ thức, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, đậm chất văn hóa, mang tính cố kết cộng đồng như: Nghi thức khai chỉ mở của đền Thánh; Lễ dâng hương đền Thánh; Thi chạy việt dã; thổi cơm thi; thi bắt vịt và chuỗi hoạt động của chương trình tế lễ đầu năm.
Ông Trần Huy Hải, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn trước, trong và sau lễ hội được chính quyền các cấp quan tâm, có kế hoạch thực hiện chu đáo. Công tác phòng chống cháy nổ đảm bảo an toàn cho du khách, khuôn viên di tích, khu nội tự được Ban tổ chức lễ hội đặc biệt quan tâm.