Trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ, đại diện cho thế hệ trẻ tỉnh Phú Yên, Bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên Phan Xuân Hạnh bày tỏ lòng biết ơn trước tinh thần quả cảm, anh dũng, hy sinh của các thủy thủ tàu không số tại bến Vũng Rô. Những đoàn tàu không số và "con đường huyền thoại" - đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường trong cuộc chiến chống Mỹ của quân và dân ta. Tuổi trẻ Phú Yên nguyện sẽ học tập, noi gương các anh để tiếp tục xây dựng, bảo vệ quê hương trong giai đoạn mới.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, vịnh Vũng Rô là một trong năm bến tàu mà các đoàn tàu không số trong chiến dịch Hồ Chí Minh trên biển cập bến. Từ cuối năm 1964 đến đầu 1965, Vũng Rô đã tiếp nhận bốn chuyến tàu không số vận chuyển hơn 200 tấn vũ khí, thuốc men từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Chuyến tàu đầu tiên cập bến Vũng Rô lúc 01 giờ ngày 28/11/1964 do Trung tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng chỉ huy; các chuyến tàu không số thứ 2, thứ 3 lần lượt cập bến vào ngày 25/12/1964 và 1/1/1965.
Đêm 15/2/1965, chuyến tàu không số thứ 4 cập bến Bãi Chùa, Vũng Rô. Sau khi vận chuyển vũ khí lên bờ, tàu bị địch phát hiện và cử hai tiểu đoàn chủ lực bao vây khu vực tàu từ đường bộ xuống đường biển. Quân ta đã anh dũng, mưu trí đánh đắm tàu không để tàu rơi vào tay giặc.
Với ý nghĩa lịch sử to lớn của bến tàu không số Vũng Rô, ngày 18/6/1997, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận nơi đây là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Tỉnh Đoàn Phú Yên tổ chức thăm hỏi, tặng 15 suất quà cho các cựu thủy thủ tàu không số; gia đình cán bộ, chiến sĩ Hải quân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Phú Yên; phối hợp Đoàn khối Các cơ quan Trung ương trao tặng "Nhà tình nghĩa" với giá trị 50 triệu đồng cho gia đình bà Nguyễn Thị Bết (được Nhà nước phong tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất, hiện ở tại xã Hòa Tân Đông, thị xã Đông Hòa).