Những ngày qua, khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19, hàng nghìn bạn trẻ là đoàn viên thanh niên, sinh viên y khoa trên địa bàn đã đăng ký tình nguyện vào đội xung kích chống dịch, đến hỗ trợ các y, bác sĩ, ngành chức năng địa phương trong công tác xét nghiệm, tuyên truyền và hậu cần. Các bác sĩ trẻ ở nhiều bệnh viện đã xung phong vào tâm dịch để làm nhiệm vụ. Tất cả đồng lòng cùng nhau chiến thắng đại dịch COVID-19.
Là một trong những đoàn viên hưởng ứng lời kêu gọi từ Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đến quận Gò Vấp để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, Đào Nguyễn Khánh Nhi, sinh viên Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên địa bàn Thành phố, sinh viên trong trường luôn theo dõi các kế hoạch, chương trình tình nguyện tham gia phòng, chống dịch của Đoàn Thanh niên Thành phố. Khi thấy thông tin tuyển tình nguyện viên, Nhi và các bạn cùng lớp lập tức đăng ký tham gia, xung phong đến “tâm dịch” của Thành phố hiện nay là quận Gò Vấp. Công việc của Nhi là trực tại các khu cách ly cùng lực lượng dân phòng và tham gia điều phối, nhập dữ liệu khi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Giống như Khánh Nhi, em Nguyễn Phước Thiện, đoàn viên Đoàn phường 8, Quận 10 đã tình nguyện tham gia phòng, chống dịch ở quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12). Nhiệm vụ của Thiện là giúp người dân khai báo để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, nhập liệu, hướng dẫn người dân khai báo y tế tại các chốt kiểm tra giao thông và vận chuyển hàng hoá, lương thực cho người dân trong những khu vực bị phong toả. Do chủ trương phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể, các tình nguyện viên phải chịu áp lực rất lớn, làm việc liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ, đặc biệt là trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội khi quận Gò Vấp xét nghiệm hàng chục nghìn người trong một đêm. Tuy nhiên, các tình nguyện viên trẻ không hề nản chí mà luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao.
Theo Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 29/5 đến nay, đã có hơn 3.600 lượt đoàn viên thanh niên đăng ký sẵn sàng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Các tình nguyện viên đăng ký ở hai đội hình là sẵn sàng ứng phó với các tình huống mới của dịch và hiến máu tình nguyện. Đa số tình nguyện viên đã được phân công đến các điểm “nóng” về dịch trên địa bàn Thành phố để đồng hành cùng lực lượng y tế phụ trách những công việc nhập liệu, hậu cần, tổng hợp, tuyên truyền và các hoạt động điều phối chung. Nhóm còn lại sẽ luôn trong tình trạng sẵn sàng lên đường. Khi có trường hợp khẩn cấp, Thành đoàn sẽ thông báo và phân công việc cụ thể cho từng đội.
Trong 4 ngày qua, hơn 1.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng y khoa, dược đã tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên khắp các quận, huyện của Thành phố. Tại những “điểm nóng” ở các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, gần 300 sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch được tăng cường tham gia hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) truy vết, gọi điện và lấy mẫu xét nghiệm suốt ngày đêm tại các khu dân cư, đảm bảo công suất 50.000 mẫu/ngày. Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường 700 sinh viên năm cuối của tất cả các khoa tham gia phòng, chống dịch.
Theo anh Trương Văn Đạt, Bí thư Đoàn, Trưởng Phòng công tác sinh viên Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi tham gia tình nguyện, các sinh viên đã trải qua 4 buổi tập huấn tại HCDC với các nội dung cập nhật, thiết thực về an toàn sinh học, kỹ năng mặc trang phục bảo hộ, kỹ thuật lấy mẫu - đóng vận chuyển mẫu. Với những kiến thức được truyền đạt, các sinh viên sẽ được giao nhiệm vụ hỗ trợ điều tra dịch tễ, nhập liệu và quản lý dữ liệu ca bệnh - ca tiếp xúc, phân tích chuỗi lây nhiễm, giám sát và kiểm soát nguy cơ lây nhiễm tại các “điểm nóng” về dịch của Thành phố.
Không chỉ hăng hái tình nguyện tham gia phòng, chống dịch tại địa bàn, các y, bác sỹ trẻ Thành phố Hồ Chí Minh còn xung phong đến “tâm dịch” Bắc Giang để hỗ trợ đồng bào, đồng nghiệp. Đó là câu chuyện của các bác sỹ Đặng Minh Hiệu, Khoa Gây mê Hồi sức và Huỳnh Trương Nguyệt Anh, Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã đến Bắc Giang ngày 29/5.
Bác sỹ Đặng Minh Hiệu chia sẻ, ngày ngày theo dõi tin tức từ tâm dịch, thấu hiểu sự phức tạp của đợt dịch lần này nên anh mong muốn được góp sức cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu. Ai cũng mong đến ngày có lệnh điều động để bản thân có thể thực hiện được lý tưởng của tuổi trẻ, được cống hiến hết mình.
Trong bối cảnh cả nước nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang bước vào giai đoạn căng thẳng của “trận chiến” với dịch COVID-19, sự tham gia, góp sức của tuổi trẻ Thành phố đã thể hiện bản lĩnh, ý thức và trách nhiệm của thế hệ tương lai đối với cộng đồng, xã hội quyết tâm đẩy lùi đại dịch.