Nhiều bạn trẻ đã lựa chọn khởi nghiệp với các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm hướng đến một nền sản xuất bền vững. Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp với các mô hình này còn lắm gian nan, đòi hỏi phải có đam mê và nhiệt huyết theo đuổi đến cùng.
Bỏ công việc ổn định về quê làm nông nghiệp "sạch"
Là một kỹ sư công nghệ thực phẩm và có thời gian làm việc cho một các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, anh Phan Nhựt Thanh ở xã Tường Lộc, huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) đã tự tích lũy vốn và kinh nghiệm để tìm đến con đường hiện thực hóa giấc mơ làm nông nghiệp "sạch".
Làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi chi phí sản xuất khá lớn, bên cạnh việc đầu tư nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt, đòi hỏi người trồng phải chọn hạt giống chất lượng cao. Tuy nhiên, đổi lại hiệu quả canh tác rất khả quan. Anh Phan Nhựt Thanh cho biết, lợi ích khi áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất là vườn dưa ít bị sâu bệnh và năng suất cao hơn so với cách canh tác truyền thống. Hiện tại, năng suất dưa dao động từ 10 tấn/1.000m2, cao hơn gấp đôi so với sản xuất theo hướng canh tác truyền thống. Đồng thời, dưa leo cũng được thương lái thu mua với giá khá cao, khoảng 15.000 đồng/kg.
Anh Phạm Văn Chiến- một thương lái thu mua dưa leo, cho biết, thị trường thời gian qua tiêu thụ khá mạnh đối với dưa leo trồng trong nhà màng. Hiện số dưa leo của anh Thanh tiêu thụ nhiều tại các chợ đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh. "Người tiêu dùng ăn cái này người ta rất thích, dưa sạch và độ mềm cũng ngon hơn so với dưa trồng theo kiểu truyền thống"-anh Phạm Văn Chiến nói.
Mặc dù hiện nay dưa leo đều được thương lái mua với giá cao nhưng đầu ra sản phẩm vẫn là nỗi lo. Anh Phan Nhựt Thanh cho biết: "Hiện tại mình sản xuất nhỏ lẻ nên muốn đưa dưa leo sạch vào các cửa hàng, siêu thị rất khó khăn. Trong khi đó, thị trường bên ngoài còn đang hạn hẹp, một số người tiêu dùng vẫn chưa quen sử dụng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với giá nhỉnh hơn các sản phẩm truyền thống". Để theo đuổi mô hình này, anh cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật và trồng đa dạng loại cây như cà chua, dưa leo, dưa lưới để luân phiên thu hoạch và luôn có sản phẩm bán. Song song đó, anh sẽ đặt vấn đề liên kết với những bạn trẻ khác có cùng đam mê để mở rộng quy mô sản xuất và các kênh phân phối đưa sản phẩm ra thị trường, nhất là có thể vào hệ thống các siêu thị để nâng cao giá trị sản phẩm
Linh hoạt để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng
Cũng giống như nhiều bạn trẻ hiện nay, chị Lê Ngọc Hiền ở phường Trường An, thành phố Vĩnh Long cũng tự mình tìm tòi, học hỏi kiến thức để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới. Năm 2019, chị bắt đầu khởi nghiệp trên mảnh đất hơn 1.500m2 mượn của cha mẹ. "Ban đầu khi tiếp cận với nông nghiệp công nghệ cao rất khó khăn vì có quá nhiều thứ để học và chuẩn bị. Cái khó khăn đầu tiên của làm nông nghiệp công nghệ cao là vốn rất cao, thứ hai là trồng dưa lưới đòi hỏi kỹ thuật nhiều và quan trọng hơn là làm sản phẩm thì phải có đầu ra. Ban đầu cũng lo lắng lắm nhưng vì lúc đó mình đam mê nên cứ theo đuổi" - chị Lê Ngọc Hiền chia sẻ.
Suốt 2 năm quyết tâm theo đuổi, chị Lê Ngọc Hiền đã trải qua không ít thất bại. Tuy nhiên, với niềm đam mê làm nông nghiệp "sạch", chị từng bước chinh phục từng kỹ thuật ươm giống, chăm sóc dưa và đề ra ý tưởng tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, mỗi năm vườn dưa lưới sản xuất 4 vụ, mỗi vụ thu hoạch hơn 5 tấn trái, đem lại lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/năm.
Theo chị Lê Ngọc Hiền, thách thức khởi nghiệp không chỉ ở phương thức canh tác mà còn ở khâu tìm đầu ra cho sản phẩm. Bản thân chị luôn trăn trở làm thế nào sản phẩm có thể tiêu thụ được với giá trị cao, không rơi vào cảnh được mùa mất giá hoặc bị thương lái ép giá. Chị bắt đầu thử nghiệm nhiều kênh tiêu thụ sản phẩm, từ việc đưa sản phẩm vào cửa hàng, bán online hoặc bán cho thương lái đến kết hợp với du lịch sinh thái để tiêu thụ nông sản. Vụ dưa lưới vừa qua, cách làm sản xuất dưa lưới trong nhà màng gắn với du lịch sinh thái đã đem lại kết quả khả quan. Khách tham quan từ nhiều nơi đến tìm hiểu mô hình và qua đó dưa lưới cũng được tiêu thụ một cách nhanh với giá cao gần như gấp đôi so với bán cho thương lái. Để tạo điểm nhấn cho du khách khi đến tham quan vườn thì cũng đã chuẩn bị không gian bên trong và ngoài vườn, các tiểu cảnh để khách chụp ảnh. Song song đó, khách tham quan đến vườn thì nhu cầu tìm hiểu về kỹ thuật trồng dưa lưới cũng nhiều, do vậy mình cũng hướng dẫn cho các bạn tìm hiểu về cách trồng, chăm sóc. Sự chuẩn bị chỉn chu ngay từ đầu đã tạo tín hiệu tích cực trong việc tiêu thụ dưa lưới, khách đến tham quan và giới thiệu khá nhiều bạn bè tìm đến vườn dưa lưới.
Mặc dù đạt kết quả khả quan, nhưng theo chị Lê Ngọc Hiền, để phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch một cách hiệu quả đòi hỏi phải luôn đổi mới để phù hợp với nhu cầu thị trường và du khách. "Nếu mình làm mà không có cách quản lý tốt về chăm sóc khách hàng, tiếp thị để cho khách có cảm giác thoải mái thì rất khó duy trì. Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra không chỉ ngon, đẹp mà còn phải có gì đó lạ và độc đáo. Điều này yêu cầu mình phải luôn nỗ lực, sáng tạo trong mỗi vụ mùa". Trong thời gian tới, bên cạnh việc đầu tư nông trại gắn với phát triển du lịch, chị Lê Ngọc Hiền cho biết sẽ đa dạng hóa các loại cây trồng . Đặc biệt, chị cũng chuẩn bị một số thiết bị, máy để khắc chữ hoặc tạo ra nét riêng cho sản phẩm, tăng cường thiết kế, bao bì thích hợp để khách tham quan mua về làm quà tặng.
Mỗi một dự án khởi nghiệp, khi đi từ ý tưởng đến thực tế là một chặng đường khá dài và gian nan, đòi hỏi phải đủ đam mê và nỗ lực nuôi dưỡng dự án. Những người trẻ với tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm theo đuổi ý tưởng đang tạo nên những màu sắc khác nhau trong bức tranh khởi nghiệp của tỉnh Vĩnh Long. Với họ, sau mỗi lần thất bại lại là một bài học, là cơ hội để đứng lên đi tìm chiếc chìa khóa mới để bước đến thành công.
Bài cuối: Mở rộng cửa cho thanh niên khởi nghiệp