Thời tiết nắng nóng và sự bất cẩn của một số hộ dân trong việc dùng các thiết bị điện thời gian qua đã khiến tình trạng hỏa hoạn trong dân cư tại Hà Nội gia tăng.“Bà hỏa” rình rậpViệc liên tiếp trong tháng 6, Hà Nội xảy hai vụ cháy tại khu dân cư, gây nhiều thiệt hại về người và của, đã cho thấy còn nhiều bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Diễn tập phòng cháy chữa cháy khu dân cư. |
Gây thiệt hại nặng nhất về người là vụ hỏa hoạn tối 11/6, tại một căn nhà ở khu dân cư số 11 phường Tương Mai, Hoàng Mai (Hà Nội) làm 5 người chết. Đây là ngôi nhà cao 3 tầng, diện tích chỉ có 25 m2. Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, nhiều khả năng hỏa hoạn bắt nguồn từ việc chiếc quạt treo tường ở tầng 1 bị chập điện cháy, sau đó lan ra.
Theo đại diện Phòng cảnh sát PCCC Hoàng Mai, qua khám nghiệm cho thấy 5 nạn nhân bị tử vong do ngạt khói. Do nhà xây kín, nằm sâu trong ngõ nhỏ nên rất khó chữa cháy khi hỏa hoạn. “Do cháy trong đêm, nhà lại bật điều hòa nên không sớm phát hiện được hỏa hoạn, phải đến khi hàng xóm phát hiện mùi khét gia đình mới biết có cháy”, đại diện phòng cảnh sát PCCC chia sẻ.
Còn ngày 14/6, một vụ hỏa hoạn khác đã xảy ra tại nhà ông Nguyễn Đình Cấp, địa chỉ số 57 đường Nguyễn Phong Sắc, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, do phát hiện sớm, đường vào thuận tiện, nên xe PCCC tiếp cận nhanh hiện trường và cứu kịp thời 7 người bị mắc kẹt trong nhà.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: Từ đầu năm đến nay, Hà Nội xảy ra 84 vụ cháy, trong số đó có 33 vụ cháy nhà dân và 1 vụ cháy chung cư cao tầng. Trong số 44 vụ cháy đã có kết luận nguyên nhân gây cháy, thì tới 80% do chập điện. Điều này cho thấy nguy cơ cháy tại khu dân cư đông đúc và nhà tập thể, chung cư cao tầng luôn tiềm ẩn. Nhiều khu vực dân cư đông, trong khi ngõ nhỏ hẹp, lại không có hệ thống trụ nước, người dân không có ý thức phòng ngừa thì khi xảy ra cháy, nên khi xảy ra cháy thì thiệt hại nặng do công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.
Đẩy mạnh tuyên truyềnTheo đại tá Nguyễn Văn Sơn: Có một thực tế tại Hà Nội là nhiều nhà dân trong khu vực nội thành xây nhà hình ống. Với loại nhà này, người dân nên xây ban công trước các tầng để có thể di chuyển từ ban công sang các nhà khác, hoặc xe thang lực lượng PCCC có điều kiện hỗ trợ thoát hiểm, khi xảy ra cháy. “Từ vụ cháy khiến 5 người chết tại quận Hoàng Mai mới đây cho thấy, nhà tầng có cầu thang không khép kín sẽ như buồng hút khí nóng lên. Do đó, nếu có điều kiện, các gia đình xây buồng thang kín và có các cửa vào các tầng để khi cháy ở tầng nào thì khói ở tầng đó. Nếu nhà có cầu thang độc lập và có cửa chống cháy càng tốt”, đại tá Sơn chia sẻ.
Cũng theo đại tá Sơn, để giảm thiệt hại trong PCCC thì việc quan trọng nhất là phải phát hiện sớm hỏa hoạn và xử lý kịp thời. Do đó, đối với khu dân cư, công tác phòng chống cháy nổ cần xây dựng lực lượng tại chỗ từ các tổ dân phòng thôn, xóm, tổ dân phố. “Hà Nội có hơn 9.000 tổ dân phòng và đây sẽ là lực lượng PCCC cơ sở để cùng lực lượng PCCC chuyên nghiệp xử lý vụ cháy. Do đó, việc trang bị kiến thức, kỹ năng với lực lượng này rất quan trọng”, đại tá Sơn cho biết.
Để có thể chữa cháy trong các con phố nhỏ hẹp, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội có kế hoạch trang bị 10 xe chữa cháy loại nhỏ. Tuy dung tích nước ít, nhưng các xe này có thể tạo áp lực nước để dập tắt nhanh đám cháy. |
“Đặc biệt công tác PCCC tại các khu chung cư, tập thể cũng đang được Sở Cảnh sát PCCC tăng cường kiểm tra. Các công trình cao tầng khi thẩm duyệt thiết kế thì hệ thống PCCC phải luôn được đảm bảo hoạt động 24/24 để tự chữa cháy khi xảy ra sự cố gồm hệ thống kỹ thuật, điều áp, thoát nạn… Với chung cư, phương tiện chữa cháy là từ chính bên trong tòa nhà, nên tất cả hệ thống PCCC phải được đảm bảo hoạt động trong mọi điều kiện. Tuy nhiên có một thực tế là thời gian đầu các tòa nhà đi vào hoạt động, kiểm tra các hệ thống hoạt động tốt, nhưng sau một thời gian thì hầu hết các ban quản lý tòa nhà đều bỏ bê”, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Từ nguyên nhân phần lớn gây cháy là do chập điện, nên công tác tuyên truyền về an toàn thiết bị điện trong gia đình, đun nấu, biển quảng cáo… đang được Sở PCCC và ngành điện đẩy mạnh ở khu dân cư, chung cư, tập thể cao tầng. UBND thành phố Hà Nội có công điện yêu cầu Cảnh sát PCCC thành phố tăng cường tuyên truyền phòng chống cháy nổ, kiểm tra, hướng dẫn phòng chống cháy nổ tại các khu dân cư, có các phương án về thiết bị, phương tiện, nhân lực tại chỗ; duy trì lệnh trực 24/24 giờ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra cháy, nổ. Thành phố giao Tổng công ty Điện lực Hà Nội chỉ đạo việc kiểm tra, hướng dẫn các hộ gia đình trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm các quy định về an toàn điện, phòng chống cháy nổ do chập, cháy.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, để làm tốt việc PCCC trong khu dân cư thì ý thức của người dân có vai trò quan trọng. Người dân cần có kỹ năng xử lý tình huống và sử dụng các thiết bị PCCC khi xảy ra cháy.