Biểu tượng của mạng xã hội Facebook. Ảnh: EPA/TTXVN |
Thời gian qua, không ít nhận xét đưa lên lên mạng xã hội (MXH) khiến dư luận dậy sóng. Vào tháng 8/2017, Sở Thông tin Thừa Thiên Huế ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với bác sĩ Hoàng Công Truyện. Nguyên nhân là trên trang Facebook cá nhân, bác sĩ Truyện đã “khuyên” Bộ trưởng Y tế nên nghỉ, chê Bộ trưởng không về cơ sở, yếu kém công tác tham mưu vấn đề an ninh ở bệnh viện...
Bộ Y tế sau đó khẳng định nội dung trên là bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người đứng đầu ngành y, tạo dư luận xấu, giảm sút niềm tin của người dân với cá nhân Bộ trưởng. Bộ này yêu cầu Sở Y tế Thừa Thiên Huế phối hợp với Công an tỉnh xác minh thông tin chủ tài khoản Facebook.
Sở Thông tin Truyền thông và Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế sau đó đã làm rõ chủ tài khoản Facebook là bác sĩ Hoàng Công Truyện, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền và ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng.Sau khi xem xét và được sự nhất trí của lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền ra quyết định khiển trách bác sĩ Truyện vào trung tuần tháng 8/2017.
Tuy nhiên, khi có những ý kiến khác nhau từ MXH cho rằng đây là sự góp ý mang tính phản biện, Sở Thông tin Truyền thông Thừa Thiên Huế đã họp, thống nhất sẽ rút lại quyết định xử phạt và xin lỗi bác sĩ Hoàng Công Truyện.
Mới đây, sau đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 diễn ra tối ngày 6/1, tại Nha Trang (Khánh Hòa), cô gái người Êđê H'Hen Niê trở thành tân Hoa hậu Hoàn vũ. Sau đó, trên mạng xã hội Facebook, nhà báo Đ A T, Báo Lao động, đã viết status với lời lẽ không đúng mực, xúc phạm uy tín, danh dự của tân Hoa hậu. Sau đó, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn đề nghị Báo Lao động giải trình, xử lý vụ việc, báo cáo kết quả về Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 12/1. Nhà báo ĐT cũng đã lên mạng xin lỗi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê thông qua Facebook của bạn bè, vì tài khoản Facebook đang bị report.
Có thể thấy thông tin bôi nhọ danh dự trên MXH diễn ra ngày một nhiều, theo xu hướng đám đông. Nhiều người đang không biệt giữa ranh giới giữa phản biện và nói xấu, phát ngôn mang tính chất thù ghét, bôi nhọ người khác.
Cách đây khoảng 10 năm, trước tốc độ phát triển chóng mặt của MXH và facebook bắt đầu được tin dùng, trên thế giới lập tức xuất hiện nhu cầu giải mã dạng thức hành động mang tính chất cá nhân - cộng đồng đan xen là kết quả của quá trình tương tác ảo giữa các nhóm xã hội thông qua internet. Tuy nhiên, tại Việt Nam mới chỉ có một số nghiên cứu đơn lẻ về tác động của mạng xã hội, liên quan đến sức khỏe, tinh thần do nghiện internet. Tuy nhiên, từnăm 2016, Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) có tính hệ thống đang được triển khai tại trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Chương trình đã tổ chức hội thảo đầu tiên tại Việt Nam về chủ đề “Hate Speech” (phát ngôn thù ghét), do Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH KHXH & NV) và Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông) đồng tổ chức, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức truyền thông và các nhà nghiên cứu quốc tế. Trong đó đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế các phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội và như giáo dục là ưu tiên hàng đầu để nâng cao nhận thức thì một bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội để nhà cung cấp nền tảng MXH và người sử dụng tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp với các quy chuẩn chung của công đồng trên không gian mạng.
“Sau đó, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện những góp ý từ sau hội thảo để xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho người sử dụng internet tại Việt Nam. Thực tế, trước những mặt trái của MXH, năm 2016, Ủy ban châu Âu đã đưa ra một “Bộ luật ứng xử” trong đó các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đưa ra hàng loạt cam kết chống lại phát ngôn thù hận trên mạng tại châu Âu. Đây là những nội dung có thể tham khảo để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Việt Nam” ông Cao Hoàng Nam, điều phối viên của chương trình cho biết.
Để có quản lý những phát ngôn, hoặc những thông tin sai sự thật, về phía cơ quan quản lý cũng đã làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng, nhất là với 2 doanh nghiệp lớn là Facebook và Google để ngăn chặn trong 24 giờ. Cụ thể là có những key world (từ khóa) đánh giá tiêu cực và sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo nhận diện vi phạm để cảnh báo người dùng.
Bên cạnh đó, ngày 24/11/2017, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 55/2017/QH14 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 trong đó nội dung: "Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam". Đây là hành lang pháp lý để thúc đẩy xây dựng các chính sách để ngăn chặn những phát ngôn hoặc thông tin sai lệch.