Ứng xử với “di sản” cầu Long Biên

GS.TS Nguyễn Việt Châu, Viện trưởng Viện Kiến trúc: Bảo tồn nhưng phải thích ứng với môi trường đô thị


Cần phải lập ngay hồ sơ xếp hạng cầu Long Biên thành di sản để cầu Long Biên được “đối xử” theo Luật Di sản. Vừa qua Hà Nội mới công nhận 5 công trình di sản đặc biệt, tôi thấy nếu đặt cầu Long Biên cạnh 5 di sản đặc biệt ấy cũng không hề thua kém ở bất kỳ điểm nào. Việc bảo tồn cầu Long Biên theo tôi phải tính đến cả bài toán giao thông để khi bảo tồn xong, cầu Long Biên vẫn phải đóng góp được cho sự phát triển của xã hội như giá trị lâu nay của cầu, tức là vẫn có mục đích sử dụng, chứ không phải trở thành di sản rồi thì lại như đống sắt để đấy. Phải làm sao để bảo tồn xong cây cầu sẽ vẫn hòa nhập và thích ứng ngay được với môi trường đô thị hiện đại.

 

Cầu Long Biên có tiềm năng du lịch rất lớn.Ảnh: Lê Phú

 

PGS. TS. KTS Tôn Đại: Có thể đưa cầu Long Biên vào phát triển du lịch


Có một kỷ niệm về cầu Long Biên những ngày mới đưa vào sử dụng qua lời kể của mẹ tôi, tôi vẫn còn nhớ như in. Đó là cái ngày đầu tiên thông cầu, người Hà Nội đã kéo nhau ra chân cầu rất đông, háo hức chờ đợi giây phút thấy đoàn tàu đi qua cây cầu này, vì hình dạng lạ lẫm của cầu Long Biên thời ấy khiến cho người ta cứ tưởng tượng rằng, tàu sẽ đi lên đi xuống trên cầu. Đến lúc thấy tàu đi thẳng, xuyên trong lòng cầu tất cả mới vỡ lẽ.


Chúng ta phải thấy tự hào vì có được một tác phẩm tuyệt vời của Eiffel, một vĩ nhân trong thiết kế và sáng tạo của thế giới, chúng ta nên trân trọng và gìn giữ nó. Cầu Long Biên gắn với người Hà Nội và làm đẹp thêm cho Hà Nội cả trăm năm nay. Chúng ta có một cây cầu để đi bộ vô cùng đẹp như vậy thì nên tận dụng thế mạnh là cây cầu dành cho người đi bộ và xe thô sơ đưa vào làm du lịch theo tuyến phố cổ thì rất có giá trị. Hà Nội thiếu cầu Long Biên thì không còn là Hà Nội nữa.

 

Tiến sĩ khảo cổ học Vũ Thế Long: Cầu Long Biên có ý nghĩa thiêng liêng với người Hà Nội


Cầu Long Biên với Hà Nội có ý nghĩa thiêng liêng không chỉ vì nó gắn bó lâu đời với người Hà Nội, mà hơn hết nó cũng giống như một người Hà Nội, cũng có tâm tư, tình cảm, cũng nhọc nhằn với mỗi thời kỳ đã qua. Cây cầu ấy là do người Pháp xây dựng, nhưng lại bị Mỹ bắn phá và người Việt Nam hàn gắn nó, những câu chuyện như vậy đã làm nên giá trị cây cầu này.

 

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư: Xây mới là tầm nhìn tốt


Năm 2008, khi đặt ra những vấn đề về đường sắt đô thị, thành phố Hà Nội đã có nghiên cứu cụ thể, qua tham khảo các kiến trúc sư, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa… và sự phối hợp của tổ chức JICA (Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản), chúng ta đã đưa ra dự án xây dựng một cây cầu Long Biên mới, cách thượng lưu cây cầu Long Biên hiện nay 186 m, tôn tạo nguyên trạng cầu Long Biên ở vị trí hiện nay. Khi đó, cả hội đồng kiến trúc quy hoạch, cả các chuyên gia đa ngành đều thừa nhận đây là giải pháp hợp lý, nhưng do khó khăn mà chúng ta chưa thực hiện được.


Chúng ta đã có biết bao nhiêu cây cầu phục vụ cho xe cơ giới như cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy… Chỉ duy nhất cầu Long Biên tự nó đã làm nên một giá trị khác lạ khi lựa chọn cho mình cách trở thành cây cầu cho xe thô sơ và cho bộ hành êm đềm duy nhất ở Hà Nội. Cầu Long Biên đã tham gia vào nền kinh tế một cách không đo đếm như vậy, tại sao chúng ta lại đặt gánh nặng của một thành phố rộng hơn 3.000 km2 lên một cây cầu đã hơn 100 năm tuổi? Tôi cho rằng phương án xây dựng cầu mới dịch lên 186 m so với cầu cũ về phía thượng lưu của JICA là một tầm nhìn tốt.

Tạ Nguyên(ghi)

Cầu Long Biên - tài sản vô giá của người Hà Nội
Cầu Long Biên - tài sản vô giá của người Hà Nội

GS Hoàng Đạo Kính, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia: Hà Nội mất cầu Long Biên không khác nào Huế mất cầu Tràng Tiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN