Bài 1: Quấy rối “muôn hình vạn trạng”
Nạn quấy rối tình dục tại nơi làm việc diễn ra dưới nhiều hình thức, thậm chí tinh vi, khiến có những nạn nhân chỉ dám cắn răng cam chịu.
Ranh giới mong manh giữa trêu đùa và sàm sỡ
N.T.M, nhân viên văn phòng tại một công sở ở Hà Nội chia sẻ: Nơi chị làm việc, một số đồng nghiệp nam thường buông những lời nói khiếm nhã về tình dục. Nhẹ, thì là những từ ngữ ám chỉ, “nặng đô” hơn là những bình luận công khai về những điểm “nhạy cảm” trên cơ thể chị em, hoặc các hoạt động nơi phòng the.
“Có người nói như một thói quen, nhưng cũng có người, kèm lời nói là “chân tay khua khoắng”, cố tình chạm vào cơ thể đồng nghiệp, giả như vô tình” – chị N.T.M kể lại.
“Đôi lần tôi góp ý thì bị gạt đi, cho rằng đó chỉ là sự trêu đùa, không gây hại. Tuy nhiên với cá nhân tôi, tôi rất không thoải mái, đôi khi khá bức xúc bởi những tình huống đó có thể gây hiểu lầm”- chị N. T. M tâm sự.
Hiện nay, trong môi trường công sở, trường hợp như chị N.T.M không hiếm gặp. Lấy lý do “nói chuyện suồng sã để giải tỏa căng thẳng công việc”, nhiều nhân viên nam vẫn có thói quen bình phẩm, nhận xét, thậm chí cố tình khơi gợi các chủ đề “nhạy cảm” trước mặt đồng nghiệp nữ, và cho đó là “không nguy hại gì”. “Không ít nam giới có xu hướng quấy rối tình dục, nhưng họ thực hiện điều đó một cách khá vô tư và chỉ coi đó là đùa vui mà không biết rằng hành vi của bản thân khiến người khác bị tổn thương, khó chịu”- bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) nhận xét. Một số trường hợp khác cố tình đụng chạm, cũng được xuê xoa cho rằng “ vô tình ấy mà”- mà không quan tâm tới có thể gây nên sự bất bình ở người khác.
Ở cấp độ nặng hơn, bức tranh về tình trạng quấy rối tình dục nơi công sở không chỉ dừng ở mức trêu đùa giữa các đồng nghiệp. Tình trạng quấy rối tình dục có chủ đích diễn ra giữa cấp quản lý và nhân viên không phải là không phổ biến.
Trong chương trình “Cách ứng phó với quấy rối tình dục (QRTD) nơi làm việc cho người trẻ” được CSAGA tổ chức mới đây, một cô gái tên B.A kể lại câu chuyện của mình: “Tôi bị một lãnh đạo nam trong cơ quan thường xuyên nhắn tin, hỏi thăm, mời ăn trưa, uống cà phê... Tôi hoàn toàn không thoải mái khi nhận được những tin nhắn như vậy nhưng không thể từ chối vì đó là sếp của mình. Tình hình ngày càng leo thang, anh ta cứ nhắn rủ tôi đi chơi. Khi đi công tác chung, anh ta hỏi sao không ngủ cùng cho vui khiến tôi sợ hãi...”.
Việc quấy rối tình dục còn xảy ra giữa những người đồng giới. Một nam sinh viên chia sẻ: “Tôi từng bị “gạ tình” bởi một người đàn anh khi cùng thực hiện một dự án. Việc quấy rối diễn ra trong thời gian dài, lúc đầu tôi không để ý nhưng khi anh ta gây sức ép thì tôi hoảng sợ”.
“Anh ta thừa nhận mình đã có vợ con, nhưng hôn nhân chỉ nhằm che giấu giới tính thật. Anh ta liên tục có hành động động chạm, thậm chí thẳng thắn đề nghị tôi trở thành bạn tình và hứa hẹn nếu đáp ứng sẽ giúp đỡ cho tôi sau này. Đó là lần đầu tiên tôi gặp phải trường hợp như vậy nên đã rất hoảng sợ và luôn tìm cách né tránh. Căng thẳng cho đến khi hết dự án", nam sinh viên chia sẻ.
Câu chuyện như một nỗi ám ảnh, khiến nam sinh viên "rùng mình" mỗi khi nghĩ lại. Tuy nhiên, cũng như đa số các trường hợp bị quấy rối khác, nam sinh viên này vẫn đề nghị được dấu tên. “Vì sức ép về văn hóa truyền thống và không muốn bị dị nghị”, nam sinh viên phân trần.
Im lặng là tiếp tay
Trên thực tế, rất hiếm những trường hợp nạn nhân các vụ quấy rối tình dục nơi làm việc đứng ra tố cáo những người có hành vi quấy rối hay sàm sỡ . Đa số các nạn nhân chọn giải pháp im lặng, né tránh, hoặc lặng lẽ bỏ việc, xin chuyển nơi làm để được yên thân.
Thậm chí các nạn nhân khi gặp trường hợp khủng hoảng tâm lý do bị quấy rối, tìm tới các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giới để được tư vấn, thì đa số đều không muốn tiết lộ danh tính, nơi công tác. “Họ không dám đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, sợ lộ thông tin thì bị đánh giá, hiểu sai”- cán bộ tư vấn tại một trung tâm tư vấn tâm lý tình cảm giới trẻ cho biết.
Tổ chức lao động quốc tế (ILO) khi khảo sát trên một nhóm đối tượng nhỏ các ứng viên quản lý cấp trung đã có được kết quả: 17% trong số đối tượng khảo sát từng bị hoặc chứng kiến cấp trên đề nghị tình dục để đổi lấy sự thăng tiến trong công việc. Tuy nhiên đa số các trường hợp bị quấy rối tình dục ở các mức độ khác nhau, thay vì lên tiếng để được bảo vệ thì phần lớn đã chọn sự im lặng vì tâm lí mặc cảm, tự ti và xấu hổ với mọi người xung quanh. Nhiều trường hợp nạn nhân nhẫn nhịn chịu đựng vì bị chính những kẻ quấy rối họ dùng quyền lực cấp trên để khống chế.
Tại phiên tòa xét xử một vụ quấy rối tình dục tại nơi làm việc được tổ chức cách đây 6 tháng ở Hà Nội, nạn nhân chia sẻ cô cũng đã nhẫn nhịn khá lâu vì không muốn bị phiền hà. “Sau này mức độ gia tăng, tôi có chia sẻ với một số bạn bè thân thì cũng nhận được tư vấn là nên né tránh. Khi tham vấn luật sư thì việc giải quyết bằng con đường quy định của luật cũng không rõ ràng”- nạn nhân này cho biết.
Các vụ việc chia sẻ với các chương trình nghiên cứu về quấy rối tình dục cho thấy, rất nhiều nạn nhân của các quấy rối không biết rằng chính sự nhẫn nhịn của họ khiến “tảng băng chìm”về quấy rối tình dục nơi làm việc ít bị phanh phui. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ ngày càng nhiều các nạn nhân bị quấy rối, thậm chí có thể bị cưỡng bức, còn các thủ phạm tiếp tục nhơn nhơn "gây án”.
Bài cuối: Thay đổi nhận thức song hành với chế tài xử lý