Tại một buổi dạy các động tác võ vivonam về chống quấy rối tình dục ở ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, bạn Nguyễn Thị Mai Phương, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Ở Việt Nam nói riêng và đặc biệt là người Phương Đông lên tiếng về vấn đề quấy rối tình dục sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Lý do là do quan niệm “đẹp phô ra xấu xa che vào” và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng. Em nghĩ nếu ai đó bị quấy rối thì phải rất dũng cảm mới chia sẻ cho nhiều người biết”.
Vụ việc tài xế grap bike có hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói đối với bé gái 9 tuổi ở Hà Nội đã là lời cảnh tỉnh với nhiều bậc phụ huynh. Ảnh: TTVH |
Phần lớn những sinh viên được hỏi đều lắc đầu chia sẻ trước cộng đồng nếu bản thân mình bị quấy rối tình dục. Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới – Gia đình- Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) thì hiện nay ở Việt Nam còn rất ít các nghiên cứu mang tính quy mô về quấy rối tình dục. Có một số nghiên cứu ở diện hẹp như của tổ chức Plan, ActionAid nhưng cũng chưa phải là nghiên cứu lớn. Kết quả trong các nghiên cứu này chỉ ra có tới 87% số phụ nữ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được hỏi từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; Có 14% trẻ em trong 30 trường phổ thông của Hà Nội trong nghiên cứu từng bị quấy rối, xâm hại tình dục ít nhất một lần trong đời .
Bà Nguyễn Vân Anh chỉ ra: “Theo định nghĩa, quấy rối tình dục là những lời nói, hành vi ám chỉ tình dục, không được đối phương chấp nhận. Nhưng thực tế, ở công sở hay bất cứ đâu người ta cũng có thể bắt gặp những câu chuyện tiếu lâm, bàn tán về các bộ phận trên cơ thể người khác. Mọi người cho rằng đấy là những câu nói đùa chứ không ý thức được rằng đó là biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục. Nếu ai đó nói rằng đó chính là hành vi quấy rối tình dục thì chắc chắn sẽ nhận được phản ứng của số đông rằng đó chỉ là đùa vui”.
Lý giải về việc nạn nhân không dám lên tiếng về câu chuyện của mình, bà Nguyễn Vân Anh lý giải: “Nói đến những gì liên quan đến tình dục đã bị mặc định là nhạy cảm, là chuyện kín đáo chỉ nói giữa hai người hoặc chỉ để đùa bỡn. Nạn nhân nói ra chỉ thấy vấn đề riêng tư của mình bị đàm phán, bình phẩm, phán xét, thậm chí nhân cách của họ sẽ bị quy kết. Ví dụ như: “Cô như thế nào thì mới bị như thế”. Vì thế nạn nhân chỉ còn biết tặc lưỡi “Thà im lặng cho xong”. Đây là suy nghĩ khá phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà các nước phương Tây cũng có một giai đoạn dài rơi vào tình trạng đổ lỗi cho chính nạn nhân”.
Đồng quan điểm này, MC Lê Anh người dẫn chương trình nổi tiếng của Đài truyền hình Việt Nam chia sẻ: Câu nói “không có lửa làm sao có khói” là một câu nói đau đớn. Ứng trong trường hợp này, nạn nhân là “lửa” tương đồng với có những tín hiệu mở. “Lửa” đã tạo cơ hội có “khói”- chính là bị quấy rối. Với cách hiểu này sẽ đổ lỗi cho nạn nhân. Có thể họ sẽ suy diễn rằng nạn nhân phải có những hành vi như: mặc quần áo bó, mặc quần áo ngắn, im lặng “bật đèn xanh”...
“Nếu còn tồn tại tâm lý, cách suy diễn như trên thì nạn nhân rất khó để lên tiếng bảo vệ chính mình. Vì họ không cảm thấy an toàn”, MC Lê Anh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hiển, Trung tâm nghiên cứu Lao động nữ và giới (Viện Khoa học Lao động Xã hội, Bộ LĐTBXH) cho biết, theo tài liệu từ UN Women, vấn nạn quấy rối tình dục diễn ra nhiều nơi trên thế giới, có tới 35% phụ nữ từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục, có 750 triệu phụ nữ và trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi; 120 triệu trẻ em gái bị cưỡng bức; 246 triệu trẻ em (bao gồm cả trai và gái) bị bạo lực học đường mỗi năm… Tỷ lệ này cũng không phải là ít ở Việt Nam do chưa có nghiên cứu và số liệu thống kê chính thức về thực trạng bạo lực giới và quấy rối tại nơi làm việc và ít được nạn nhân lên tiếng. Nguyên nhân tình trạng này xuất phát từ những sai lầm từ quan niệm vấn đề giới “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”; hay những trở ngại do ở vị trí yếu thế, phụ thuộc nên dù đây là hiện tượng phổ biến tại nơi làm việc nhưng nhiều nạn nhân còn chưa lên tiếng và vấn đề bạo lực giới, quấy rối chưa được xem xét nghiêm túc về mức độ ảnh hưởng.
Những tác động vô hình của xã hội
Theo phân tích của bà Nguyễn Vân Anh: “Quấy rối tình dục không đơn giản là vấn đề tình dục, mà nó là vấn đề quyền lực. Quan sát có thể nhận ra phần lớn mối quan hệ giữa nạn nhân và người bị quấy rối là mối quan hệ mất cân bằng quyền lực. Có thể ví dụ mối quan hệ giữa: Người lớn và trẻ em; Thầy giáo và học sinh; Bác sĩ và bệnh nhân; Người hướng dẫn và người được hướng dẫn; Người có quyền và người lệ thuộc. Diễn giải ra một trường hợp như sếp quấy rối nhân viên. Có thể nhân viên đó phải rất vất vả nỗ lực mới có được công việc, sếp lại là người nắm giữ lương bổng, thăng tiến của nhân viên. Vì thế, để tố cáo, phản ứng lại là hoàn toàn không dễ dàng. Do đó, quấy rối tình dục rất dễ bị ém nhẹm”.
Nhiều chuyên gia cũng khẳng định tác động xã hội rất quan trọng đến hành vi mỗi người. Người bị quấy rồi cần cảm thấy an toàn thì mới có thể chia sẻ vấn đề của mình.
Thạc sỹ Nguyễn Hà Thành đang là quản lý chương trình Hợp tác Quốc tế và Phát triển Cá nhân tại ĐH FPT cho biết: “Thực tế môi trường công sở có rất nhiều những câu bông đùa về giới. Có những lời nói khá nhạy cảm và đi quá xa. Nếu bạn tiếp tục làm ngơ, im lặng thì lại càng là cơ hội để họ tiến xa hơn lời nói. Vì thế, mỗi cá nhân cần biết ngưỡng cụ thể của mình. Nếu cảm thấy bị phiền, hãy bày tỏ quan điểm của mình. Từ những việc làm rất nhỏ như vậy có thể sẽ là tiếng nói để đối phương biết. Tôi tin, nếu cộng đồng có sự chia sẻ, đồng cảm hơn thì nhiều người sẽ dám lên tiếng về những hành vi quấy rối tình dục nơi công sở”.
“Ở một khía cạnh khác, con đường để chính những người gây ra chuyện quấy rối, xâm hại sửa lỗi cũng là một vấn đề tôi suy nghĩ. Thực tế là nhiều khi xã hội không dễ dàng chấp nhận thay đổi của người có lỗi. Tôi cho rằng vi phạm đến đâu thì pháp luật xử lý đến đó. Mặt khác, xã hội cần có những khích lệ để họ thay đổi bản thân. Đối với nạn nhân thì cần ngưng đổ lỗi lại cho họ. Đối với người quấy rối thì một mặt trừng phạt nghiêm khắc, một mặt khích lệ mọi sự thay đổi tích cực để mở cho họ một con đường sửa sai. Tôi cho rằng đấy là cách mà xã hội văn minh nên làm”, bà Nguyễn Vân Anh nêu.
Một nghiên cứu khác về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ LĐTBXH và Tổ chức Lao động Quốc tế thực hiện đã chỉ ra rằng các nạn nhân vì sợ bị trả thù nên không dám có khiếu nại chính thức. Các chuẩn mực giới và thái độ bảo thủ truyền thống cũng là nhân tố khiến chủ đề quấy rối tình dục bị lờ đi trong không gian công sở hoặc nơi công cộng. Nạn nhân tự đổ lỗi cho bản thân và cảm thấy chính hành vi của họ mới là nguyên do khiến họ trở thành mục tiêu của quấy rối tình dục. Nỗi lo sợ bị miệt thị còn là nhân tố ngăn chặn thảo luận rộng rãi và thẳng thắn về chủ đề này. Theo Bộ LĐTBXH, nạn nhân của quẩy rối tại nơi làm việc chịu các tác động tiêu cực cả trực tiếp và gián tiếp, bao gồm: suy giảm sức khỏe cơ thể, căng thẳng cảm xúc và trong một số trường hợp còn bị khủng hoảng tâm lý, giảm khả năng lao động vì năng suất kém và không còn mong muốn đến chỗ làm cũng như khó khăn trong tiến triển sự nghiệp.
Rất nhiều người đã từng bị quấy rối tình dục ở các mức độ khác nhau, nhưng phần lớn đều chỉ biết âm thầm chịu đựng vì tâm lý mặc cảm, xấu hổ, sợ thị phi. Với văn hóa Á Đông, chủ đề sách nhiễu tình dục thường được coi là nhạy cảm để thảo luận công khai vì còn quá nhiều định kiến đối với các nạn nhân. Bà Lê Kim Dung, Giám đốc Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết: “Việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn không chỉ góp phần thúc đẩy hiệu quả kinh tế nói chung mà qua đó, an sinh của người lao động sẽ được gia tăng đáng kể và thúc đẩy việc đảm bảo quyền không bị bạo lực”.
Mặc dù hiểu như vậy nhưng đâu là hành lang an toàn để nạn nhân bị quấy rối tình dục lên tiếng? Đây là vấn đề đang cần sự chung tay từ nhiều phía.
Bài cuối: Cần có hành lang pháp lý rõ ràng