Vắng như... thư viện huyện

Cùng với sự phát triển, bùng nổ thông tin trên Internet, truyền hình, điện ảnh..., nét văn hóa đọc của một bộ phận người dân ngày càng bị mất dần. Những năm trở lại đây, thực trạng đáng buồn này diễn ra trên phạm vi cả nước nói chung và ở các thư viện quận, huyện trong Hà Nội nói riêng.

 

Hà Nội hiện có gần 30 thư viện quận, huyện. Là một thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu, mở mang tri thức nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhưng do việc bạn đọc ngày càng ít đến thư viện nên đã khiến việc tồn tại của nhiều thư viện huyện trở nên lãng phí.

Thư viện huyện vẫn vắng bạn đọc.

Nằm trên tầng 3 của Nhà Văn hóa huyện Gia Lâm (khu đô thị mới Trâu Quỳ), thư viện huyện Gia Lâm có gần 30.000 đầu sách báo, được xếp đặt ngay ngắn, ngăn nắp. Sách báo thì nhiều, nhưng số lượng bạn đọc lại rất ít. Hôm nhiều có khoảng chục người, hôm ít chỉ 1-2 người, nhiều hôm không có ai. Chị Trần Thị Thơm, cán bộ phụ trách thư viện, người đã có gần 30 năm gắn bó với thư viện huyện Gia Lâm, buồn rầu cho biết: Trước đây, khi thư viện còn ở trong Cổ Bi, mỗi năm có tới gần 700 bạn đọc thường xuyên đến mượn, đọc sách báo. Nhưng từ khi chuyển về địa điểm mới (khu đô thị mới Trâu Quỳ), do đường sá đi lại không thuận tiện, nên số bạn đọc đã giảm quá nửa, mỗi năm chỉ còn khoảng 250-300 bạn đọc đến thư viện, chủ yếu là học sinh, sinh viên và cán bộ hưu trí, có nhiều thời gian rảnh rỗi.


Thư viện quận Cầu Giấy (số 30, đường Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội), không chỉ khang trang, mà còn có một vị trí vô cùng thuận tiện: Ngay mặt đường Nguyễn Phong Sắc và rất gần các trường đại học. Tuy nhiên, số lượng người đến với thư viện cũng chưa nhiều. Chị Bùi Thị Thúy, cán bộ phụ trách thư viện, cho biết: “Trước đây, thư viện quận Cầu Giấy chỉ chiếm một diện tích nhỏ trong nhà văn hóa quận Cầu Giấy, có ít bạn đọc biết và đến với thư viện. Năm 2010, chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, quận Cầu Giấy đã xây dựng tòa nhà ở 30 Nguyễn Phong Sắc làm nhà truyền thống và thư viện. Từ khi chuyển địa điểm, số lượng người đến tham gia đọc ngày càng nhiều hơn, con số bạn đọc tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên, dù có tăng dần thì mỗi năm thư viện cũng chỉ đón khoảng 300 bạn đọc, trong khi thư viện quận Cầu Giấy hiện có 2 phòng: Phòng đọc và phòng mượn, với gần 20.000 đầu sách, báo.


Rất nhiều thư viện quận, huyện khác của Hà Nội cũng đều trong tình trạng thưa vắng bạn đọc như vậy. Nguyên nhân có nhiều: Nhiều người dân không biết ở địa phương mình cũng có thư viện, bởi nhiều thư viện quận, huyện đều nằm trong khuôn viên nhà văn hóa, rất ít người biết địa điểm. Một số bạn đọc khác lại ngại đến thư viện vì đường đi xa xôi, không thuận tiện… Chị Nguyễn Kim Dung, ở quận Long Biên, cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng tôi hầu như chưa bao giờ nghe nói đến thư viện quận, và cũng không biết thư viện của quận mình đang nằm ở đâu. Mỗi khi cần tra cứu tài liệu, tôi thường tìm kiếm trên mạng và hỏi bạn bè…”. Có thể thấy, trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc tìm kiếm thông tin trên mạng, đọc sách báo trên mạng cũng dễ dàng, nên số lượng người đến thư viện công cộng cũng giảm đi đáng kể. “Bây giờ cả thế giới ở trên mạng, muốn tìm hiểu bất cứ thứ gì chỉ cần vài cái click chuột là xong, tội gì phải mầy mò đến thư viện, vừa phải làm thủ tục rầy rà, vừa mất công đi lại”, một người đọc chia sẻ.


Đại diện Vụ Thư viện (Bộ VH, TT & DL) thừa nhận: Trong những năm vừa qua, các thư viện ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là xu hướng toàn cầu hóa, là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ web vào công tác thư viện, nhu cầu của người đọc có nhiều biến động trước sự phát triển của văn hóa nghe nhìn. Việc đọc không còn là nhu cầu thiết yếu như những năm trước đây.


Bài và ảnh: Phương Hà



Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN