Vang vọng mãi một thời hoa lửa

Thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam, không thể không nhắc đến hai người lính được mệnh danh là “rái biển” đã dành suốt thời gian tuổi trẻ của mình cho những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến đấu, đặc biệt là các trận đánh đuổi tàu Maddox và máy bay Mỹ xâm phạm lãnh hải, vùng trời Việt Nam. Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công, nguyên Tư lệnh Hải quân Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân, và Đại tá Hoàng Kim Nông là hai nhân vật tiêu biểu trong nhiều cán bộ chiến sĩ hải quân đã chiến đấu oanh liệt trong trận thắng đầu ngày ấy.

Đặc công nước, diệt giặc trời

Chúng tôi đến nhà Phó Đô đốc, nguyên Tư lệnh Hải quân Đỗ Xuân Công một buổi sáng cuối tháng tư lịch sử, khi ông đang chuẩn bị hành lý ra Cam Ranh, Khánh Hòa để dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân Việt Nam. Căn nhà khiêm nhường của vị tư lệnh nằm trên đường Mê Linh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh giữa những khối nhà cao tầng. Vị tư lệnh vẫn tác phong nhanh nhẹn như thời quân ngũ: “Trận chiến thì nhiều lắm, nhưng lịch sử hải quân có ba trận oanh liệt nhất là chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964, giải phóng Trường Sa năm 1975 và những trận đánh trong chiến dịch đoàn tàu không số”, vị tư lệnh khẳng định.

Chiến sĩ hàng hải Đỗ Xuân Công, chiến đấu trên con tàu 161 trong trận chiến đấu ngày 5/8/1964 (tác giả chụp lại từ ảnh tư liệu Lữ đoàn 171).


Tách trà nóng được bà Nhạn - vợ ông pha đặt trên bàn khách. Ông Công nhấp một ngụm rồi bắt đầu câu chuyện bằng giọng đầy tự hào: “Trận chiến ngày ấy đã 51 năm rồi nhưng vẫn in đậm trong ký ức tôi”, rồi cười khà khà “mà sao quên được chứ. Ngày ấy nói đi đánh giặc là hăng hái lắm, nhất là vừa lái tàu, vừa bắn máy bay thì có kiêu hãnh nào hơn”.

Ông Công kể: Sau thành lập được 9 năm, lúc đó Quân chủng Hải quân còn non trẻ. Lực lượng chưa đầy đủ, vũ khí trang bị còn thô sơ. Cục diện chiến trường vô cùng cam go ác liệt. Sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963, vấn đề Việt Nam ngày càng trở nên nóng bỏng đối với giới cầm quyền Mỹ. Chúng vạch ra kế hoạch mở rộng chiến tranh xâm lược, leo thang ra miền Bắc hòng ném bom Thủ đô Hà Nội. Những kế hoạch nham hiểm như tăng cường do thám bằng máy bay chiến lược U2, thả phi công trà trộn vào các làng mạc, bắt cóc người dân miền Bắc Việt Nam để khai thác tin tức tình báo, sử dụng các đội nhảy dù phá hoại và tổ chức các cuộc tiến công của biệt kích từ hướng biển.

Dân quân phường Nam Ngạn, Thanh Hóa tiếp đạn cho tàu hải quân tiêu diệt máy bay địch (ảnh tác giả chụp lại từ ảnh tư liệu).


Đặc biệt ngày 2/8/1964, Mỹ đã dùng tàu khu trục Maddox tuần tiễu ven biển miền Bắc Việt Nam để làm hậu thuẫn cho Hải quân ngụy đánh phá các đảo và vùng dân cư ven biển các tỉnh Khu 4 cũ. Trước tình hình ấy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã quyết định thành lập sở chỉ huy tiền phương ở Sông Gianh, Quảng Bình. Đây là nơi cung cấp lực lượng chiến đấu và lương thực thực phẩm cho chiến dịch. “Lúc đó tôi là tiểu đội trưởng hàng hải trên tàu 161. Ngày 5/8/1964, tàu chúng tôi đang trực tại cảng Sông Gianh thì nhận được mệnh lệnh tiếp nhận đạn dược và sẵn sàng rời bến. Bằng linh cảm người lính, tôi biết chiến sự xảy ra. Tôi vội vác quả bom chìm từ kho đặt vào giá cố định. Đúng lúc đó thì tàu kéo còi báo động, lệnh tàu rời bến khẩn cấp. Tôi vọt lên đài chỉ huy lái tàu theo lệnh thuyền trưởng”, ông Công nhớ lại.

Đúng như dự đoán của sở chỉ huy, vào khoảng 14 giờ 30 phút cùng ngày, hàng loạt máy bay Mỹ chia thành nhiều tốp ném bom xuống sông Gianh hòng “diệt tận gốc, móc tận rễ bọn rái biển”. Nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng, gan dạ, kiên cường, các chiến sĩ trên tàu 161 đã quyết tâm diệt “giặc trời”. “Khi nghe tiếng máy bay gầm rú, chúng tôi ra vị trí chiến đấu. Lúc đó chẳng ai sợ bom đạn. Cứ có tiếng máy bay là lên mâm pháo, có lệnh là xách súng lao ra tìm địa vật nhằm máy bay địch, bắn. Trận chiến đấu ấy ta bắn cháy 2 máy bay, nhiều đồng đội đã hi sinh”. Ông Công mắt rưng rưng nhìn lên tấm ảnh thời khoác áo chiến sĩ: “Tấm ảnh này lúc đó tôi mang quân hàm hạ sĩ lái tàu 161. Đó là những này đẹp đẽ nhất của đời lính biển. Chỉ tiếc rằng, ngày ấy không được chiến đấu nhiều hơn nữa. Thời hoa lửa qua rồi, nhưng khí thế chiến đấu thì vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua”.

Đời trai bất tử trên sóng nước

Ngay kế nhà ông Công là nhà Đại tá Hoàng Kim Nông - người anh hùng đặc công tiêu biểu “diệt giặc trời” trên vùng biển Lạch Trường, Thanh Hóa. Trở về cuộc sống đời thường, hành trang của vị anh hùng là cái la bàn từ dẫn và đau đáu tình yêu thương giành cho đồng đội. “Anh hỏi về trận chiến trên con tàu 187 làm tôi sống lại một thời trai trẻ trên sóng nước”, vị đại tá ngẩng cao đầu nói như vậy khi tôi hỏi về chuyện ông cùng đồng đội chiến đấu trên con tàu 187 bị Mỹ bắn phá hàng trăm lần bom đạn năm 1964. Ký ức một thời máu lửa của vị anh hùng tràn về bằng những lời kiêu hãnh “Lúc đó mình là chiến sĩ hàng hải của tàu. Nhưng khi chiến đấu thì sẵn sàng tiếp đạn cho pháo thủ số 2. Lúc đó chiến đấu hăng hái lắm. Luôn sẵn sàng hi sinh”.

Gần 60 năm qua, bà Sen luôn tự hào về chồng là người anh hùng dũng cảm. Mỗi lần có nhà báo đến hỏi chuyện chồng, bà Sen lại xúc động rơi nước mắt. Từ lâu, bà có ý thức lưu giữ những kỷ vật đã gắn bó với ông suốt thời trai trẻ cầm súng chiến đấu. Cầm trên tay cuốn album ảnh, bà Sen tự hào: “Thời trai trẻ của ông nhà tôi tất cả lưu giữ ở đây. Chúng tôi đều cất rất cẩn thận coi như bảo vật. Con cháu đều tự hào về ông ấy”.

Mai Thắng

Chiến sỹ Hải quân viết tiếp trang sử anh hùng
Chiến sỹ Hải quân viết tiếp trang sử anh hùng

Mưu trí, sáng tạo, quyết chiến, quyết thắng trong chiến đấu, học tập và công tác; làm chủ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc…là những phẩm chất ngời sáng được kết tinh và thể hiện sinh động trong mỗi cán bộ, chiến sỹ hải quân Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN