Từ thành phố Hội An, đi đò qua sông mười lăm phút, sau đó đi dọc xã Cẩm Kim (Hội An, Quảng Nam), bằng một con đường bê tông ngoằn nghoèo, sẽ đến khu du lịch nhà vườn Triêm Tây, nằm ở cuối đường.
Thôn Triêm Tây, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là một thôn nhỏ nằm cô lập hơn so với các xã khác thuộc huyện Điện Bàn. Bốn bề sông nước, mùa mưa đến thường kéo theo cái nghèo, cái khổ. Cả thôn nằm sát vùng hạ lưu sông Thu Bồn, nhưng đa phần người dân phải mua gạo ăn, vì đất không trồng lúa được, còn những cây lương thực khác cho năng suất thấp. Hơn nửa số dân ở đây sống lay lắt bằng nghề dệt chiếu. Nghề dệt chiếu ở Triêm Tây được hình thành từ thế kỷ 18. Ngày nay, đa số những hộ dân dệt chiếu đã dần dần bỏ nghề, chỉ còn lại số ít cố gắng bám trụ.
Việc làm chiếu ở Triêm Tây hiện tại do phụ nữ đảm nhiệm. |
Đường vào thôn Triêm Tây hai bên xanh rì những cánh đồng lác, những chiếc chiếu vừa dệt xong được phơi ngay ngắn cạnh hàng rào tre.
Toàn thôn Triêm Tây có diện tích 45 ha, và có 147 hộ dân sinh sống. Từ khi khu du lịch nhà vườn Triêm Tây hình thành, khách du lịch từ khắp mọi nơi tìm đến. Triêm Tây bắt đầu khoác lên mình một màu áo mới, một hi vọng mới cho sự đổi đời. Bên cạnh những hộ dân khá giả nhờ vào làm du lịch, hoặc buôn bán, vẫn còn một số hộ thu nhập bấp bênh và nghèo khó. Dường như cái nghèo, cái khổ vẫn cứ bám riết lấy họ.
Dưới cái nắng chói chang như đổ lửa, chúng tôi đi qua cánh đồng lác của thôn Triêm Tây. Thôn vắng bóng người. Hầu hết phụ nữ, thanh niên trai tráng trong làng đã bỏ vào miền Nam sinh sống, làm thuê. Trong làng chỉ còn người già, và một số phụ nữ độ tuổi từ 45-50 đang lom khom cắt lác thuê.
Chị Nguyễn Thị Dung (47 tuổi, trú tại tổ 3, thôn Triêm Tây, Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) hì hục bó lại những thân lác vừa cắt xuống, mồ hôi nhễ nhại. Chị chia sẻ: “Mỗi ngày tôi đến đây từ lúc 6 giờ sáng, cắt luôn trưa cho đến chiều mới về, để kiếm thêm vài đồng nuôi con. Nắng mưa chi cũng chịu thôi, mỗi ngày được trả từ 100-120.000 đồng. Cực tối mắt tối mũi, nhưng cũng ráng kiếm tiền lo cho con cái chứ sao giờ. Không biết bao giờ mới hết cái kiếp khổ này nữa”.
Dạo quanh một vòng thôn Triêm Tây, bốn bề là nước non, những dáng người lầm lũi bên khung dệt, mới thấy hết cái khổ của nghề dệt chiếu. Thu nhập bình quân của những người thợ dệt chiếu từ 30-50.000 đồng/ngày. Số lượng chiếu dệt có hạn vì không có đầu ra, nguyên liệu dệt chiếu dần đắt đỏ. So với thời giá, thu nhập từ nghề chiếu quá thấp, chỉ đủ trang trải qua ngày, nên cái nghèo cái khổ vẫn còn dai dẳng đối với họ.
Gia đình chị Phan Thị Lanh (55 tuổi, trú tại tổ 5, thôn Triêm Tây, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) là một trong những hộ nghèo, có hoàn cảnh éo le nhất trong thôn. Chị lấy chồng từ năm 18 tuổi, có ba mặt con rồi sau đó chồng bỏ đi biệt tăm vào miền Nam, để lại cho chị ba đứa con thơ, cùng người mẹ già ốm yếu. Chị tâm sự: “Thu nhập từ nghề chiếu quá thấp. Có bữa không đủ tiền đong gạo, cả nhà tôi ăn cháo loãng. Nhưng tôi không thể bỏ nghề, bởi đây là cái nghề mà ông bà tổ tiên để lại. Không biết sau đời tôi rồi cái nghề dệt chiếu này sẽ trôi về đâu nữa. Bởi con cháu chúng tôi không đứa nào chịu kế thừa cái nghề này cả”.
Chúng tôi rời thôn và mang theo nỗi trăn trở của chị Lanh. Hình ảnh những người đàn bà khắc khổ, lam lũ dưới cánh đồng lác, bên khung cửi như một nỗi ám ảnh.
Bài và ảnh: Thanh Trâm