Về nguồn nhân kỷ niệm 55 năm Thông tấn xã Giải phóng

Đoàn cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Lê Duy Truyền dẫn đầu đã đến viếng, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải phóng trong Khu Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.


Đoàn TTXVN dâng hương tại Bia kỷ niệm TTXGP. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Hoạt động diễn ra ngày 11/10 trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945 - 15/9/2015) và 55 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 - 12/10/2015).

Tham gia đoàn còn có các đồng chí: Lê Quốc Trung, Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Nguyễn Duy Cương, Trương Đức Anh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; đại diện lãnh đạo và nguyên lãnh đạo, phóng viên các Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam và khu vực miền Trung - Tây nguyên; cán bộ lão thành của Thông tấn xã Giải phóng, đoàn viên Đoàn thanh niên Thông tấn xã Việt Nam.

Đoàn cũng đến thăm, tặng quà và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ hai Đồn biên phòng 831 (Tân Phú) và 833 (Tân Bình), những đơn vị kết nghĩa, từng gắn bó, giữ gìn Bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải phóng.

Bồi hồi trở lại chiến trường xưa, khu rừng Bắc Tây Ninh với những kỷ niệm sâu sắc trong hoạt động, chiến đấu, nhiều cán bộ lão thành xúc động nhớ lại những kỷ niệm thời kháng chiến tại Thông tấn xã Giải phóng.

Bác Nguyễn Đức Chính (còn gọi là Nguyễn Chí Anh), 85 tuổi, nguyên Trưởng Ban biên tập ảnh Thông tấn xã Giải phóng đã xúc động chia sẻ về quãng thời gian 10 năm hoạt động tại khu rừng Bắc Tây Ninh, về những năm tháng khó khăn, gian khổ, bị địch đánh bom, càn quét nhưng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng vẫn kiên trì bám trụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Thời ấy, anh em trong đơn vị phải tự đào giếng lấy nước làm ảnh, đào giao thông hào để chống càn quét, làm hầm trú ẩn khi bị Mỹ đánh bom. Khi vào chiến dịch, Ban lãnh đạo Thông tấn xã Giải phóng cử cán bộ, phóng viên đi khắp chiến trường miền Nam để viết tin, bài, chụp ảnh, phục vụ kháng chiến. Nhờ vậy, Thông tấn xã Việt Nam lưu giữ rất nhiều bộ tài liệu, hình ảnh quí báu ghi lại những khoảnh khắc hào hùng của lịch sử dân tộc”- bác Chính nhớ lại.

Ghi nhớ những chiến công đầy tự hào của lớp cha anh đi trước, trong cuộc kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc, năm 2000, Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam đã xây dựng Bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải phóng tại chính khu rừng lịch sử, Vườn Quốc gia Lò gò - Xa Mát, nơi đặt căn cứ năm xưa. Trên Bia kỷ niệm đã trân trọng khắc 16 chữ vàng do Trung ương Cục miền Nam tặng Thông tấn xã Giải phóng lúc bấy giờ là: "Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ".

15 năm qua, tấm Bia đã trở thành nơi các thế hệ cán bộ, phóng viên, công nhân viên, đoàn viên thanh niên Thông tấn xã Việt Nam ôn lại truyền thống, tri ân các nhà báo - liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp thông tấn, đóng góp xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Lê Đức Hoảnh (TTXVN)
TTXVN với hành trình về nguồn nhân kỷ niệm 70 năm thành lập
TTXVN với hành trình về nguồn nhân kỷ niệm 70 năm thành lập

Đảng ủy, Ban lãnh đạo cơ quan và hơn 100 đoàn viên công đoàn (cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên) Thông tấn xã Việt Nam đã dự lễ khánh thành một số công trình tôn tạo tại Khu Kỷ niệm nơi làm việc của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) nay là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN