Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, đằng sau câu chuyện người dân miền Trung đổ về quê cũng đặt ra nhiều vấn đề về tổ chức, quản lý phương tiện trong bối cảnh các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng như ý thức chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của người dân khi rời khỏi nơi đi là các địa phương khu vực phía Nam đang là trọng điểm dịch để trở về quê hương.
Ấm tình quê hương
Trong quá trình nhiều người dân di chuyển bằng xe máy về quê, đặc biệt người dân về các tỉnh miền Trung như Phú Yên, Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… lực lượng chức năng các địa phương nơi người dân di chuyển, các nhà hảo tâm đã phát huy trách nhiệm, tình thương và hỗ trợ người dân, tổ chức đưa, đón về quê an toàn. Chính quyền các địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh cũng chủ động bố trí kinh phí, nhân lực tổ chức các chuyến bay 0 đồng để đưa, đón người dân về quê. Chưa kể hình ảnh người dân địa phương hỗ trợ thức ăn, nước uống, Cảnh sát giao thông dẫn đường, doanh nghiệp tài trợ tiền mặt… trong thời gian qua càng cho thấy tình đồng bào người Việt nói chung, tình quê hương nói riêng bao la đến mức nào.
Theo quy định, người dân có nhu cầu, nguyện vọng về quê phải đăng ký và được sự chấp thuận của cả chính quyền nơi ở và nơi về thông qua cầu nối như Hội doanh nghiệp địa phương, Hội đồng hương. Những ngày này, điện thoại của ông Phan Đình Tuệ, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và ông Bùi Văn Liệu, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh liên tục “cháy máy” khi có hàng trăm cuộc gọi đến của người dân xứ Nghệ tại các tỉnh, thành phố phía Nam đăng ký về quê.
Ông Phan Đình Tuệ nhẩm tính, hiện nay chỉ tính riêng tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, số lượng công dân Nghệ An, Hà Tĩnh sinh sống, làm việc cũng đã hơn 1 triệu người. Đây cũng là hai địa phương có bà con làm ăn xa nhiều nhất tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Với vai trò kết nối, Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng có thư ngỏ gửi tới các doanh nhân, doanh nghiệp, các "mạnh thường quân" hỗ trợ người lao động và bà con đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, đang gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Theo Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 đã, đang và tiếp tục gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, thậm chí một số doanh nghiệp phải đóng cửa và có nguy cơ phá sản, khiến phần đông bà con đồng hương xứ Nghệ bao gồm cả người lao động trong các doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh mất việc làm, thu nhập giảm sút hoặc không có thu nhập.
Ông Phan Đình Tuệ chia sẻ thêm, việc hình thành Quỹ hỗ trợ bà con xứ Nghệ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam xuất phát từ tình cảnh nhiều lao động trực tiếp không có lương, thu nhập nhiều tháng nay, trong đó nhiều người đang điều trị COVID-19, bệnh hiểm nghèo. Sau khi phát động, Quỹ đã tiếp nhận được hơn 2 tỷ đồng. Do thực hiện giãn cách xã hội nên Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất trao bằng tiền mặt 1 triệu đồng/gia đình. Các gia đình đặc biệt khó khăn, đang điều trị dịch COVID-19 sẽ có mức tiền cao hơn.
Trong khi đó, dưới góc độ quản lý địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển công dân, bảo đảm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không việt Nam mở lại đường bay thương mại từ Vinh đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại để đón công dân về Nghệ An, bắt đầu từ ngày 3/8 với 6 chuyến bay thuê chuyến và các chuyến bay thương mại.
Trên cơ sở đó, vào chiều 3/8, hơn 200 công dân Nghệ An gồm người già, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, người mắc bệnh hiểm nghèo đã được tổ chức về quê trên chuyến bay 0 đồng do các "mạnh thường quân" tài trợ. Dự kiến từ nay đến hết tuần (9/8) sẽ có thêm 5 chuyến bay chở bà còn xứ Nghệ về quê trên các chuyến bay 0 đồng do Hội doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi hỗ trợ.
Còn theo ông Bùi Văn Liệu, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua các mối quan hệ, Hội đồng hương nắm và lập danh sách ưu tiên đưa người khó khăn về quê là phụ nữ có thai sắp sinh. Vừa qua, nhờ các chuyến đưa, đón nên có người vừa về đến Hà Tĩnh được 2 ngày đã sinh con trong khu cách ly. Từ nay đến hết tuần (9/8), dự kiến Hà Tĩnh chuẩn bị 5 chuyến bay tổ chức đưa, đón khoảng 1.000 người về quê trong khi tổng số người đăng ký lên tới 15.000 người.
Người dân cần bình tĩnh, cân nhắc kỹ lưỡng
Dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khiến nhiều nhà máy, công xưởng đóng cửa, khiến hàng nghìn lao động thất nghiệp, không có thu nhập. Đa số bà con Nghệ An, Hà Tĩnh vào các tỉnh, thành phố phía Nam, tập trung phần lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, chủ yếu làm công nhân trong các khu công nghiệp. Trong tình thế khó khăn đó, nhu cầu trở về quê hương của bà con là hoàn toàn chính đáng.
Anh Cao Văn Trường (quê Nghệ An) thuê trọ tại khu vực gần cầu vượt Sóng Thần, Bình Dương, cho biết do dịch nên công việc của anh gián đoạn, thu nhập giảm mạnh trong khi vợ ở nhà chăm 3 con nhỏ. Ban đầu vợ chồng anh tính về quê nhưng sau đó quyết định ở lại do lo sợ lây chéo dịch bệnh trong quá trình di chuyển, việc về quê cũng chỉ giải quyết tình thế, lâu dài vẫn phải vào lại các tỉnh phía Nam tìm việc làm.
Theo chia sẻ của anh Cao Văn Trường, trong khu vực anh trọ có khá nhiều bà con Nghệ An, Hà Tĩnh. Có những người chạy xe máy về quê do mất việc làm hoặc doanh nghiệp nợ lương mấy tháng nay, không có tiền trả tiền phòng. Tuy nhiên, cũng có người về quê theo “hiệu ứng đám đông”, về để tránh dịch chứ không phải vì lý do khó khăn kinh tế hay yếu tố bệnh tật.
Trước tình trạng vẫn còn nhiều người dân Nghệ An, Hà Tĩnh chạy xe máy từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê, ông Phan Đình Tuệ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm không đồng tình và tha thiết kêu gọi bà con không về bằng xe máy. Bởi lẽ quãng đường di chuyển xa, không an toàn, vừa qua đã xảy ra một số vụ tai nạn gây chết người. Chưa kể quá trình di chuyển bằng xe máy sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, nếu không thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế. Vẫn biết rằng bà con đang rất vất vả, khó khăn, thiếu thốn đủ đường, nhưng khi tự phát về quê sẽ gây áp lực lên công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh.
Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Văn Liệu, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Một sinh viên mới ra trường gọi điện cho tôi, bày tỏ mong muốn được về quê tránh dịch, sau đó vào lại các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên tôi tư vấn, nếu về quê mà bị mắc COVID-19 thì sẽ mất thời gian, tiền bạc điều trị trong khi đó nếu ở lại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai hoặc Bình Dương, sau khi điều trị khỏi bệnh sẽ dễ dàng bắt nhịp lại với công việc nhanh hơn, sớm có việc làm hơn. Nghe xong, sinh viên này quyết định không về quê nữa mà sẽ ở lại. "Qua đây cho thấy, dù tình cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng người dân cũng cần cân nhắc kỹ lương việc về quê, đặc biệt là việc di chuyển bằng xe máy”, ông Bùi Văn Liệu nhấn mạnh.
Theo ông Bùi Văn Liệu, kể từ khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ, vài ngày nay không còn người Hà Tĩnh chạy xe máy về quê, trong khi trước đó trung bình mỗi ngày có từ 300 – 400 người. Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, khuyến nghị tìm giải pháp phù hợp, không để tình trạng đưa người từ vùng dịch về quê quá nhiều, kéo theo nhiều hệ lụy cho địa phương trong khi năng lực cách ly, điều trị của tỉnh còn hạn chế. Thay vào đó, tỉnh Hà Tĩnh nên hỗ trợ bà con gặp khó khăn đang ở các tỉnh, thành phố phía Nam để giảm tải mật độ về quê.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1063/CĐ-TTg yêu cầu các địa phương tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép). Đối với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác, thì các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn. Tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy); thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan.
Dưới góc độ quản lý địa phương nơi đi, sau khi nhận được văn bản, kế hoạch của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Giao thông vận tải Thành phố phối hợp với cơ quan, tổ chức đầu mối của địa phương để tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân di chuyển đến các vị trí tập kết trên địa bàn. Người dân, người lao động có nguyện vọng về địa phương chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, không tự ý di chuyển khỏi nơi cư trú, chỉ di chuyển khi có kế hoạch và được sự đồng ý tiếp nhận của tỉnh, thành phố; tổ chức kiểm soát chặt chẽ, không để các đối tượng được phép lưu thông qua các chốt trạm kiểm soát giáp ranh với các tỉnh. Lực lượng Công an và các lực lượng chức năng được chỉ đạo tăng cường kiểm tra các chốt trên các tuyến cửa ngõ, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống dịch.
Rõ ràng, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội chung của đất nước, tác động đến tất cả các địa phương và mọi người dân tùy theo mức độ lây lan của dịch bệnh ở từng khu vực. Trong khó khăn chung đó, hơn bao giờ hết tình nghĩa đồng bào, quê hương người Việt trên mọi miền đất nước càng phát huy. Bên cạnh các nỗ lực giải quyết dịch bệnh, chăm lo an sinh xã hội của chính quyền thì sự lựa chọn, ý thức và hành động của người dân, trong đó có người dân trở về quê hương từ các vùng dịch, sẽ góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi mục tiêu khống chế, kiểm soát đại dịch COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp hiện nay.