Chim trĩ đỏ, chim công là những loài chim quý hiếm đã được Bộ Tài nguyên Môi trường xếp vào Sách Đỏ Việt Nam do số lượng bị sụt giảm nghiêm trọng vì săn bắn quá mức. Nhưng giờ đây, những loài chim quý hiếm này đã được một số người tự nguyện tìm tòi, nghiên cứu nhân giống, nuôi thành công với số lượng lớn và có thể cung cấp ra thị trường. Một trong những trang trại đầu tiên được cấp phép để nuôi các loại chim trong sách đỏ là trang trại Vườn chim Việt của anh Trần Nhữ Giáp ở xóm Đồng, xã Nhân Thịnh, Lý Nhân (Hà Nam).
Từ thú chơi không giống ai
Tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại, sau đó lại là chủ doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xây dựng, ngành nghề của anh Trần Nhữ Giáp không liên quan gì đến các loại chim trong sách đỏ. Nhưng từ thú chơi chim mà giờ đây, anh Trần Nhữ Giáp đã có trang trại với hàng ngàn con chim quý trong Sách Đỏ Việt Nam.
Anh Trần Nhữ Giáp với đàn chim trĩ đỏ của mình. |
Mặc dù thích chơi chim từ nhỏ, nhưng đến năm 2001, anh Giáp mới bắt đầu bước chân vào “nghề” chơi chim cảnh. Trong khi mọi người say mê với thú chơi các loài chim biết hót như họa mi, khướu, chào mào… thì anh Giáp lại thích nuôi chim trĩ, chim công… Anh cất công sưu tầm những con chim này, vừa mua, vừa được bạn bè tặng nên anh có được một số chim trĩ đỏ, chim công, để nuôi chơi. Để tìm hiểu về những loài chim này, anh mày mò đọc sách, báo, tạp chí và vào mạng Internet để đọc và trang bị cho mình lượng kiến thức đủ để chăm sóc những chú chim vốn quen với cuộc sống hoang dã. Sau một thời gian nuôi, thấy chim sinh sản tốt, ở Hà Nội chật chội, anh đã gửi chim về Hà Nam, quê hương của anh, để nhờ người nhà nuôi hộ. Sau 7 năm gây nuôi, đàn chim trĩ và chim công của anh đã có thể sinh sản tự nhiên trong môi trường nhân tạo. Số lượng chim trĩ, chim công ngày một tăng lên. Đến năm 2007, lượng trĩ đỏ của anh đã lên tới khoảng 100 con và lượng chim công đã tăng lên 50 con.
Năm 2008, do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp xây dựng của anh làm ăn thua lỗ, anh Giáp chuyển sang làm nhiều công việc khác nhau nhưng cũng không mấy suôn sẻ. Mệt mỏi với thương trường, anh từ bỏ tất cả để quay về với thú vui nuôi chim cảnh của mình. Rồi anh chợt nghĩ: Tại sao mình lại không thử kinh doanh chim cảnh nhỉ, vì mình đã có nền sẵn rồi. Nếu vừa chơi, vừa kinh doanh thì càng tốt chứ sao. Vậy là anh bắt tay vào tính toán chuyện kinh doanh. Việc đầu tiên anh làm là đi xin cấp giấy phép làm trang trại nuôi chim. Lúc bấy giờ, việc xin giấy phép không hề đơn giản. Bởi ở Việt Nam, những trang trại xin nuôi thú rừng như nhím, lợn rừng, gấu… thì nhiều, nhưng trang trại nuôi chim trong sách đỏ thì rất ít, chính vì vậy phải sau gần 2 năm đi lại làm thủ tục, đến tháng 6/2009, anh Giáp mới chính thức có giấy phép cho làm trang trại nuôi giống chim quý này.
Giúp giảm nguy cơ tuyệt chủng
Bắt tay vào làm trang trại, bao nhiêu vốn liếng, anh dồn hết vào việc mua máy móc và đầu tư chuồng trại, mua thêm con giống. Những ngày mới nuôi, do chưa hiểu biết đầy đủ về loài chim, chưa nắm vững kỹ thuật nuôi, sinh sản... nên chim chết khá nhiều, có thời điểm mất hàng trăm triệu đồng. Không chấp nhận thất bại, anh Giáp dành rất nhiều thời gian lên mạng tìm kiếm tài liệu về chim trĩ đỏ, dịch ra tiếng Việt và phổ biến cho mọi người kỹ thuật nuôi chim quý.
Sau này, anh tìm hiểu thêm mô hình nuôi chim ở nước ngoài như Thái Lan, Xinhgapo, Malaixia…, đầu tư công nghệ ấp nở để nuôi theo mô hình công nghiệp. Nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến, tỷ lệ ấp nở cao, số lượng chim trĩ đỏ của anh Giáp không ngừng tăng lên. Lúc nào trong trang trại cũng có hàng nghìn con chim trĩ đỏ. Có thời điểm, đàn trĩ đỏ trong trang trại của anh lên đến trên 3.000 con.
Theo kinh nghiệm của anh Giáp, bình quân khoảng 8 tháng nuôi, trĩ đỏ bắt đầu đẻ trứng. Với thời tiết ngoài Bắc, chim trĩ đẻ từ mùa xuân đến tháng nóng nhất của mùa hè, rồi dừng một tháng, sau đó sẽ đẻ tiếp đến mùa đông, còn ở trong Nam, chim đẻ quanh năm. Trung bình một năm một con chim trĩ đẻ khoảng 80-90 trứng, có con đẻ tới 100 trứng. Giá trị kinh tế của loài chim này gấp 20 – 30 lần nuôi gà. Giá 1 quả trứng chim trĩ đỏ hiện khoảng 40.000 đồng, Trĩ giống 1 tháng tuổi giá bình quân 100.000 đồng/con, chim trĩ bố mẹ khoảng 700.000 đồng/con...
Trĩ đỏ (Phasianus colchicus) thuộc lớp chim (Aves), bộ gà (Galliformes), họ trĩ (Phasianidae). trĩ đỏ được xếp vào loài quý hiếm bởi chúng chỉ biết đẻ trứng (mỗi con có thể đẻ hàng trăm trứng), nhưng lại không biết ấp nở. Phần lớn trứng chim trĩ được nở là do ấp nhờ ổ của các loài chim khác. Trĩ đỏ có đuôi dài và nhỏ, bộ lông có nhiều màu sắc đẹp. Với trĩ trống trưởng thành, lông đầu, họng và trước cổ xanh lục, các phần còn lại có màu nâu đỏ và nâu vàng với các chấm đen, phần dưới cơ thể, đặc biệt là phần ngực có màu tối hơn. Trĩ mái trưởng thành, lông có vằn, màu nâu điểm các chấm đen, mắt nâu đỏ, da trần ở mặt đỏ tươi, mỏ và chân màu ngà. Thức ăn của trĩ đỏ là ngũ cốc, hạt, cỏ dại và côn trùng. Nơi ở thích hợp của trĩ đỏ là vùng đồi núi thấp, có độ cao lên tới 800 m, nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm và rừng thông. |
Anh Giáp cho biết, môi trường sống của loài chim này không khác gà nhiều, nên nuôi chim trĩ cũng không khác nhiều so với nuôi gà cả về chuồng trại, thức ăn. Trong khi đó, tỷ lệ nuôi sống thành công của chim trĩ cao hơn gà vì bản chất của chim trĩ là động vật hoang dã nên sức đề kháng tốt hơn. Chính vì vậy, những trang trại, cá nhân đã có kinh nghiệm nuôi gà rất dễ tiếp cận và thành công trong mô hình nuôi chim trĩ đỏ. Hiện anh Giáp đang tiếp tục hoàn thiện cuốn sách “Kỹ thuật nuôi, sinh sản các loài chim, gà quý hiếm” để phổ biến cho những người nuôi.
Mô hình nhân giống và nuôi chim trĩ đỏ của anh Giáp được nhiều người quan tâm. Anh Giáp cho biết, mới đây Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) đã mời anh về hướng dẫn làm mô hình nuôi thử nghiệm, nay mô hình này đã thành công, đã bán cho bà con được khoảng 1.000 con giống.
Nếu những mô hình nuôi trĩ đỏ được nhân rộng ở nhiều nơi, thì khả năng loài chim quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam không còn nguy cơ tuyệt chủng. Hơn thế nữa, nếu biết áp dụng kỹ thuật, nuôi chim trĩ còn là một nghề đem lại lợi ích kinh tế lớn, giúp người dân làm giàu một cách chính đáng.
Phương Lan