Tảo Noctiluca scintillans tập trung mật độ caoTheo đó, trong thời gian vừa qua tại: khu vực Cảng Vũng Áng, Cảng Sơn Dương (ngày 19/1 và 18/2) và khu vực Âu thuyền xã Kỳ Hà (ngày 23/2/2017) thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; khu vực biển Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế (ngày 23/2/2017); và khu vực ven biển Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng (ngày 24/2/2017 và 25/2/2017) xuất hiện các vệt nước biển màu đỏ và nổi bọt.
Vịnh Lăng Cô - Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN. |
Ngay sau khi nhận được các thông tin nêu trên, Bộ TN&MT đã phối hợp với UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Công nghệ môi trường và Viện TN&MT biển), Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Huế và các chuyên gia về môi trường, sinh học tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước biển để phân tích lý, hóa và thủy sinh vật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ngày hôm nay đã đưa ra kết quả phân tích.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 19/1/2017, tại Cảng Vũng Áng, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp Viện Công nghệ môi trường và các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức khảo sát và lấy 4 mẫu nước biển (2 mẫu cách bờ khoảng 10m nơi tập trung các vệt nước màu đỏ hồng kết thành mảng và nhiều bọt biển xuất hiện; 1 mẫu cách bờ khoảng 600m nơi nước biển có xuất hiện các vệt nước màu đỏ hồng nhưng nhạt hơn trong bờ và 1 mẫu cách bờ khoảng 650m tại khu vực nước biển không có vệt màu đỏ).
Kết quả phân tích mẫu nước biển, so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ (QCVN 10-MT:2015/BTNMT), cho thấy: thông số Amoni vượt từ 4,52 đến 91,5 lần (trong đó mẫu có nước màu đỏ vượt 91,5 lần, mẫu nước không có màu đỏ cách bờ 650m vượt 4,52 lần); 1 mẫu nước biển màu đỏ lấy gần bờ có Mn vượt 1,66 lần, Fe vượt 2,8 lần; các thông số khác và mẫu còn lại đều đạt quy chuẩn cho phép.
Tiếp theo đó, ngày 25/1/2017, Viện Công nghệ môi trường tiến hành lấy 4 mẫu nước biển vào thời điểm màu nước bình thường tại khu vực này cho thấy: Amoni vượt từ 1,2-2 lần và các thông số khác đều đạt quy chuẩn cho phép.
Đến ngày 18/2/2017, hiện tượng nước biển màu đỏ lại xuất hiện tại khu vực bờ biển thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (khu vực Cảng Vũng Áng, nằm liền kề với vùng biển xuất hiện nước màu đỏ vào ngày 19/1/2017) và bên trong đê chắn sóng Cảng Sơn Dương.
Loài Noctiluca scintillans soi dưới kính hiển vi khi phân tích các mẫu lấy ngày 23/2/2017. |
Quan sát bằng mắt thường nhận thấy nước biển gần bờ thôn Hải Phong có màu hồng nhạt, không thấy hiện tượng hải sản chết; các vệt nước màu đỏ tại Cảng Sơn Dương xuất hiện từ ngày 16 - 18/2/2017, diện tích khoảng 100m2, quan sát thấy xuất hiện nhiều cá thể nhìn giống trứng sứa có đường kính từ 03-05 cm. Qua trao đổi với một số hộ dân thôn Hải Phong cho biết hiện tượng nước biển có màu đỏ xuất hiện từ sáng sớm (khi thủy triều lên) và hàng năm tại khu vực này vẫn thường xuất hiện hiện tượng này (người dân gọi là mé nước).
Kết quả phân tích các thông số môi trường (lý, hóa học) của 6 mẫu nước biển lấy ngày 18/2/2017 cho thấy, tại Cảng Vũng Áng vị trí xa bờ 1000m và ở tầng đáy, các mẫu đều đạt quy chuẩn cho phép; mẫu nước sát bờ và cách bờ 500m ở tầng mặt có Amonia vượt từ 1,34 - 1,78 lần; Tại Cảng Sơn Dương có Amonia vượt 31,2 lần. Các thông số khác đều đạt quy chuẩn cho phép.
Kết quả phân tích thực vật phù du trong 3 mẫu nước tại Cảng Vũng Áng và 1 mẫu tại Cảng Sơn Dương nhận thấy có sự xuất hiện mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (còn được gọi với tên khác là Noctiluca miliaris), càng gần bờ và tại vị trí nước có màu đỏ thì mật độ tảo càng cao: vệt nước màu hồng tại Cảng Vũng Áng mật độ đạt khoảng 46.000 tế bào/1 lít nước biển và vệt nước màu đỏ tại Cảng Sơn Dương mật độ đạt khoảng 135.000 tế bào/1 lít nước biển.
Ngày 23/2/2017, tại Âu thuyền xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh lại có nước biển màu đỏ, xuất hiện vào buổi sáng khi thủy triều lên; vệt nước đỏ đậm rộng khoảng 50m2, vệt nước màu hồng nhạt rộng khoảng 2.000 m2.
Kết quả phân tích các thông số lý, hóa và sinh học trong 5 mẫu nước biển (tại các vị trí có vệt nước màu đỏ, hồng nhạt và vị trí không có vệt nước màu đỏ) cho thấy, các mẫu lấy bên ngoài phạm vi vệt nước có màu cho thấy các thông số phân tích đều đạt quy chuẩn cho phép; các mẫu nước lấy tại các vệt nước màu đỏ cho thấy Amonia vượt từ 52,1 – 257 lần.
Về thực vật phù du, đã xác định được một số loài thực vật phù du như tảo silic, tảo hai roi,…, đặc biệt là xuất hiện với mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans trong các vệt nước màu đỏ và màu hồng (mật độ đạt khoảng 820.000– 1.600.000 tế bào/01 lít nước biển). Loài tảo này đang trong giai đoạn tàn lụi với rất nhiều tế bào đã bị vỡ.
Về vệt nước màu đỏ xuất hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế và ven biển Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng,
ngày 23/2/2017, các vệt nước màu đỏ xuất hiện tại khu vực biển Chân Mây - Lăng Cô (vùng biển Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh và vùng biển bắc đèo Hải Vân thuộc cửa biển Lăng Cô, thị trấn lăng Cô, huyện Phú Lộc). Kết quả phân tích chất lượng mẫu nước biển trong khu vực cho thấy, các thông số môi trường: pH, ôxy hòa tan, tổng chất rắn lơ lửng, amoni, photphat, xyanua, sắt, thủy ngân, tổng phenol, crom tổng số, cadimi, chì, mangan, đồng, kẽm, tổng dầu mỡ khoáng đều đạt quy chuẩn cho phép.
Kết quả phân tích 3 mẫu nước biển tại các vệt màu đỏ đều phát hiện loài tảo Noctiluca scintillans thuộc họ Noctilucaceae, bộ Noctilucales, lớp Noctilucea, trên lớp Dinoflagellata là loài tảo dị dưỡng, giống với mẫu tại tỉnh Hà Tĩnh. Do kích thước lớn nên có thể nhận biết rõ sự đổi màu nước, ngay cả ở mật độ không quá cao; chẳng hạn ở khu vực Chân Mây – Lăng Cô ngày 23/2/2017 mật độ tại nơi vệt nước có màu đỏ, lợn cợn màu hồng là 350.000-561.000 tế bào/lít.
Ngoài ra, vệt nước màu đỏ cũng xuất hiện tại khu vực ven biển Sơn Trà, TP Đà Nẵng (ngày 24/2/2017 và 25/2/2017). Quan sát bằng mắt thường màu nước tại khu vực này giống với vệt nước màu đỏ tại tỉnh Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế. Theo thông tin của người dân xung quanh, hiện tượng này cũng thường xuất hiện hàng năm, nhìn giống trứng ruốc. Tuy nhiên, do Sở TN&MT Đà Nẵng không tiến hành thu mẫu thực vật phù du nên không có căn cứ xác định cụ thể hiện tượng này.
Vì sao nước biển có màu đỏ?
Trong thời gian vừa qua đã có hiện tượng bùng phát mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (bloom – sự nở hoa của nước hay còn gọi là thủy triều đỏ) tại khu vực sát bờ của Cảng Sơn Dương, Cảng Vũng Áng, Âu thuyền xã Kỳ Hà (tỉnh Hà Tĩnh); khu vực biển Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Kết quả phân tích các mẫu thực vật phù du thu được tại các khu vực nêu trên thấy rằng, tảo này đã bắt đầu tàn lụi (có nhiều mảnh vỡ). Theo các tài liệu nghiên cứu đã có trên thế giới, loài tảo Noctiluca scintillans sau khi tàn lụi thường giải phóng ra Amonia ở nồng độ cao trong môi trường nước.
Hiện tượng này rất phù hợp với kết quả phân tích chất lượng nước biển khu vực vệt nước màu đỏ tại Cảng Vũng Áng ngày 19/1/2017 có Amonia vượt 91,5 lần, tại Cảng Sơn Dương ngày 18/0/2017 có Amonia vượt 31,2 lần, tại Âu thuyền xã Kỳ Hà ngày 23/2/2017 có Amonia vượt đến 257 lần quy chuẩn cho phép.
Tảo Noctiluca scintillans là loài sống tự do, không ký sinh, có khả năng phát quang sinh học khi bị khuấy động do trong tế bào chất của chúng có phản ứng luciferin-luciferase trong hàng ngàn bào quang dạng hình cầu, được gọi là scintillons.
Tảo Noctiluca scintillans soi dưới kính hiển vi khi phân tích các mẫu lấy ngày 23/2/2017. |
Loài tảo này không có khả năng quang hợp, hình thức dinh dưỡng của chúng theo kiểu thực bào với nguồn thức ăn là các loài sinh vật phù du, tảo silic, tảo hai roi, trứng cá và vi khuẩn... Màu của tảo phụ thuộc vào vi khuẩn cộng sinh bên trong tế bào, nếu vi khuẩn cộng sinh màu đỏ thì tảo màu đỏ (phân bố ở khu vực biển phía Bắc Việt Nam) và vi khuẩn cộng sinh bên trong màu xanh thì tảo màu xanh (phân bố ở khu vực Tây Nam Bộ và vịnh Thái Lan).
Sự tập trung cao các sinh vật phù du khác là nguồn thức ăn của loài tảo này (các sinh vật phù du khác phát triển do điều kiện môi trường thuận lợi như: hỗn hợp vùng nước giàu dinh dưỡng, nhiệt độ môi trường thích hợp và các yếu tố lưu thông theo mùa) dẫn đến bùng nổ số lượng lớn loài tảo này, được gọi là "thủy triều đỏ" với màu nước đỏ như máu. Loài tảo này không sinh độc tố sinh học, nên không có nguy cơ gây ngộ độc cho người hay thuỷ sản. Nhưng ở mật độ cao chúng có khả năng tích tụ Amonia với hàm lượng cao rồi giải phóng vào môi trường nước, gây tình trạng cạn kiệt ô xy trong nước.
Loài Noctiluca scintillans là loài gặp phổ biến ở ven biển Việt nam và nhiều nước trên thế giới, thường phát triển mạnh gây đổi màu nước trong giai đoạn giao mùa: mùa Xuân – Hè, khi gặp môi trường nước phù hợp, giàu dinh dưỡng và dồi dào thức ăn. Màu nước biển khi tảo nở hoa có thể là màu xanh đậm, màu vàng nâu hay màu đỏ máu.
Hiện tượng bùng phát mật độ tảo Noctiluca scintillans đã được ghi nhận tại một số vùng ven biển Việt Nam. |
Từ trước đến nay, hiện tượng bùng phát mật độ tảo Noctiluca scintillans đã được ghi nhận tại một số vùng ven biển Việt Nam. Ở vùng biển Nam Trung Bộ, vào tháng 2/1996 tảo Noctiluca scintillans nở hoa ở khu vực Vịnh Vân Phong – Bến Gỏi (tỉnh Khánh Hòa) với mật độ đạt tới hàng triệu tế bào trong một lít nước biển.
Ở vùng ven bờ biển phía Bắc, từ cuối tháng 3 đến tháng 4/2012, loài tảo này bùng phát với mật độ cao, tạo ra các váng nước nổi trên bề mặt biển tại một số điểm thuộc khu vực ven biển Đồ Sơn - Cát Bà. Lớp váng có màu từ hồng nhạt đến đỏ tuỳ thuộc vào mật độ và giai đoạn phát triển của tảo.