Hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn
Nhân loại đang đứng trước những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt, lở, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản. Điều này đã làm cho việc trồng rừng, bảo vệ rừng ngày càng có vai trò quan trọng, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang ý nghĩa chiến lược đối với cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững đất nước.
Chính vì vậy, từ nhiều thập kỷ qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều chương trình trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán, thúc đẩy bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Để bảo vệ môi trường sống, đa dạng sinh học và hệ sinh thái, góp phần hoàn thành các mục tiêu trồng và bảo vệ rừng, phát triển bền vững, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào "Tết trồng cây" và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025".
Đến hết năm 2021, cả nước trồng được 210 triệu cây, đạt 115% kế hoạch. Nhiều mô hình, cách làm hay đã xuất hiện như, cuốn sách "Một mẩu rừng cho bạn" của thầy trò Trường Marie Curie Hà Nội đã được bán lấy tiền để góp vào chương trình trồng mới một triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn Mèo Vạc (Hà Giang) giai đoạn 2021-2025.
Nhiều doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình Vì một Việt Nam xanh: Tập đoàn Novaland cam kết trồng 50 triệu cây xanh tại Lâm Đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam trồng mới 30 triệu cây xanh; Tập đoàn điện lực EVN cam kết sẽ trồng trên 1 triệu cây xanh; Công ty cổ phần Than Đèo Nai (Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam) có kế hoạch trồng 1,2 triệu cây đến năm 2025... Một số địa phương có kết quả trồng cây tốt như: Nghệ An; Thanh Hóa; Lâm Đồng; Hà Tĩnh; Quảng Nam, Cà Mau, Cao Bằng...
Tại Lễ phát động Tết trồng cây năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong sự nghiệp vĩ đại ấy, phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với thiên nhiên, môi trường chính là con đường để người dân có được ấm no, hạnh phúc và bình yên thực sự. Do đó, mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, tổ chức hãy đóng góp cụ thể, thiết thực, thực hiện Chương trình trồng một tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 - Vì Một Việt Nam Xanh, góp phẩn xây dựng đất nước ta mãi xanh tươi và bền vững.
Bên cạnh đó, những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa mà thuộc về cách thức con người sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa không đúng cách. Mỗi người cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Đến nay, hầu hết các siêu thị đều đã cam kết không sử dụng túi nilon như: Co.op mart Việt Nam, siêu thị Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội… Một số hãng Hàng không đã cam kết đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay. Nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân trên cả nước đã đứng ra vận động người dân mang đổi vỏ chai nhựa để lấy cây xanh. Nhiều cửa hàng nước giải khát không phục ống hút nhựa đi kèm, thay bằng ống hút giấy, dùng cốc sử dụng nhiều lần…
Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tập đoàn sản xuất, phân phối bán lẻ lớn đã hình thành các liên minh chống rác thải nhựa, liên minh tái chế bao bì Việt Nam gồm 40 doanh nghiệp lớn như: TH Group, Coca-Cola, La Vie, Nestle, Nutifood… đã được thành lập để tham gia vào các chương trình tái chế rác thải nhựa. Thỏa thuận thiết lập hợp tác công tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đã được ký kết giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dow Chemical Việt Nam, Tập đoàn SCG và Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Unilever Việt Nam.
Với quyết tâm cao của các bộ, ngành và địa phương, các tổ chức quốc tế, các nhà giáo dục cùng chung tay, vào cuộc, phong trào đã và tiếp tục tác động mạnh mẽ đến cộng đồng và toàn xã hội. Với những kết quả đạt được, Việt Nam sẽ thành công trong phong trào chống rác thải nhựa và góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước cũng như xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Thực hiện thông điệp "Kiến tạo tương lai"
Ngày nay, với việc khai thác, sử dụng của con người, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Thế giới đang phải đứng trước những thách thức của sự biến đổi khí hậu và sự thiếu hụt của nguồn năng lượng…
Với mục đích nâng cao nhận thức đối với vấn đề biến đổi khí hậu, Giờ Trái đất là một chiến dịch thường niên có quy mô toàn cầu do Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên khởi xướng vào năm 2007, kêu gọi người dân và doanh nghiệp tắt đèn một giờ đồng hồ (từ 20 giờ 30 đến 21giờ 30) thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba hàng năm. Chỉ bằng một hành động đơn giản "Tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết" trong thời gian 1 giờ đồng hồ để kêu gọi mọi người cùng thực hiện thông điệp "Kiến tạo tương lai - Bây giờ hoặc không bao giờ".
Năm 2022 là năm thứ 13 Việt Nam tham gia chiến dịch Giờ trái đất. Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, qua theo dõi số liệu về phụ tải tiêu thụ điện, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022, cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 309.000 kWh (khoảng 576 triệu đồng).
Với mục đích ý nghĩa tốt đẹp của chương trình, Chiến dịch Giờ Trái đất 2022 sẽ không chỉ dừng lại ở sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng mà sẽ tiếp tục lan tỏa tới mọi tổ chức, mọi cá nhân để cùng hành động vì một Trái đất xanh phát triển bền vững thông qua các hoạt động thiết thực về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Tại Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện các nghị quyết của Đảng về chuyển đổi nền kinh tế đang dựa vào nhiên liệu hóa thạch, lãng phí tài nguyên hiện nay sang nền kinh tế số, phát triển xanh với phát thải thấp, sức chống chịu cao. Đã đến lúc, chúng ta không chỉ đòi hỏi đổi mới căn bản về nhận thức, tư duy mà còn phải kịp thời chuyển biến thành hành động để chung tay bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta và nhân loại.
Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam đang chú trọng đặc biệt vào việc xây dựng mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia và mạng lưới đo mưa, tăng cường thêm các radar thời tiết; xây dựng các kịch bản siêu bão, bão rất mạnh ảnh hưởng đến Việt Nam và đánh giá khả năng mô phỏng dự báo siêu bão, bão rất mạnh để sẵn sàng ứng dụng trong thực tế. Các bản đồ ngập lụt ven biển do nước dâng bão đã được xây dựng và cập nhật.
Đối với các vấn đề biến đổi khí hậu, năng lượng hóa thạch, phát thải khí nhà kính… Việt Nam đã có nhiều bước đi cụ thể, hiện thực hóa những cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) bằng hành động. Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí methane vào năm 2030 so với năm 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam đang hướng tới chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện khí và các nguồn điện ít phát thải khác.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, trên cơ sở cập nhật những cam kết của Việt Nam về giảm phát thải tại Hội nghị COP26. Đây là vấn đề mới đặt ra mà Quy hoạch điện VIII phải đóng góp quan trọng vào thực hiện cam kết này, cũng như yêu cầu đặt ra về phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
So với các phương án đã trình trước đây, dự thảo Quy hoạch điện VIII lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than trong thời kỳ quy hoạch. Quy hoạch cũng đã đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Đến 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, đảm bảo các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Người dân thường xuyên phải gồng mình chống chịu nhiều loại thiên tai. Do vậy, đã đến lúc chúng ta không chỉ đòi hỏi đổi mới căn bản về nhận thức, tư duy mà còn phải kịp thời chuyển biến thành hành động để chung tay bảo vệ cuộc sống của chúng ta và giữ gìn trái đất xanh, phát triển bền vững.