Một ngày cuối tháng 4/2019, trong chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ năm 2019. Vượt lên những con sóng cấp 5 - 6, lúc thì chồm lên, khi lại hạ xuống, những chiếc xuồng tuần tra của lực lượng CSB Việt Nam và CSB Trung Quốc rất vất vả mới tiếp cận được tàu cá TH 92016-TS của ông Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1985 quê ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa làm thuyền trưởng.
Thuyền trưởng tàu cá TH 92016-TS, Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Chúng tôi xuất phát từ Thanh Hóa, ra khơi đã được 3 ngày. Cũng như các tàu cá khác, chúng tôi thường đánh bắt thủy sản trong khu vực vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ. Hôm nay được các chiến sĩ CSB biển Việt Nam tuyên truyền về vùng đánh cá chung và nhận quà là cờ Tổ quốc, áo phao, thực phẩm, chúng tôi rất cảm động. Có các chiến sĩ CSB ở đây, chúng tôi yên tâm hơn mỗi khi vươn khơi bám biển”.
Trò chuyện cùng các ngư dân trên tàu, tôi nhận thấy họ rất tự tin khi khai thác thủy sản ở vùng đánh cá chung. Được CSB thường xuyên tuyên truyền, ngư dân đã nắm rõ các quy định, đồng thời tự giác chấp hành nghiêm pháp luật khi khai thác thủy sản trên biển. Trước mỗi chuyến đi biển, các thuyền viên đều kiểm tra kỹ máy móc, chuẩn bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh, thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảo hộ lao động, giấy phép khai thác thủy sản, bằng thuyền trưởng và bằng lái…
Trở lại tàu CSB-8004 sau chuyến kiểm tra tàu cá của ngư dân, mình ướt đẫm mồ hôi và nước biển, Đại úy Trịnh Thanh Bình, Đội nghiệp vụ số 1, Phòng Pháp luật Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 vẫn tiếp tục ghi chép hoàn thiện biên bản kiểm tra tàu cá.
Đại úy Trịnh Thanh Bình cho biết: “Qua các đợt kiểm tra tàu của ngư dân cho thấy các tàu cá của ta đều chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hợp lệ như giấy chứng nhận đăng ký tàu, giấy phép khai thác thủy sản, bằng cấp thuyền viên và chứng chỉ thuyền trưởng. Ngư cụ đánh bắt đảm bảo quy định của cơ quan chức năng, trang thiết bị đảm bảo theo quy định”.
Theo Thượng tá Lê Huy, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1, từ khi có Hiệp định, hoạt động đánh bắt cá của ngư dân hai nước dần đi vào ổn định. Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức của ngư dân hai nước trong việc chấp hành quy định. Các cơ quan giám sát thực thi hoạt động ngày càng hiệu quả, phối hợp ngày càng chặt chẽ. Kết quả kiểm tra thực tế ngẫu nhiên tàu cá TH 92016-TS càng khẳng định ý thức chấp hành pháp luật của các tàu cá ngư dân ta khi khai thác thủy sản trên biển ngày một tốt hơn.
"Trong những năm qua, Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc đã được lực lượng CSB của hai nước phối hợp chặt chẽ trong công tác trao đổi thông tin, kiểm tra liên hợp, tổng kết rút kinh nghiệm", Thượng tá Lê Huy cho biết. Tuy vậy, trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá của các ngư dân còn gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết phức tạp, công tác nắm bắt thông tin về hoạt động của tàu cá Trung Quốc trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ còn hạn chế, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải luôn duy trì tốt công tác phối hợp trao đổi thông tin.
Vùng đánh cá chung trong Vịnh Bắc Bộ được hai bên thiết lập rộng 33.500 km², có phạm vi từ vĩ tuyến 20 xuống đến đường đóng cửa Vịnh, cách đường phân định 30,5 hải lý về mỗi phía; chiếm khoảng 27,9% diện tích Vịnh. Thời hạn của vùng đánh cá chung là 15 năm (12 năm chính thức và 3 năm gia hạn).
Theo nội dung Hiệp định, vùng đặc quyền kinh tế của nước nào thì nước đó có quyền kiểm tra, kiểm soát và xử lý các tàu cá được phép vào vùng đánh cá chung. Sản lượng và số lượng tàu thuyền được phép vào vùng đánh cá chung là dựa trên nguyên tắc bình đẳng, căn cứ vào sản lượng được phép đánh bắt, được xác định thông qua điều tra định kỳ. Mỗi bên đều có quyền liên doanh hợp tác đánh cá với bên thứ ba trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Hai bên thoả thuận lập Ủy ban Liên hợp nghề cá để xây dựng quy chế và thực hiện việc quản lý vùng đánh cá chung.
Thượng tá Phan Duy Cường, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 cho biết: Trước khi có Hiệp định, tàu cá Việt Nam và Trung Quốc hoạt động chủ yếu mang tính tự phát và thường xâm phạm vùng biển của hai nước đánh bắt hải sản trái phép. An ninh hàng hải, tranh chấp ngư trường, buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm, vi phạm pháp luật… diễn biến phức tạp, bảo tồn nguồn lợi thủy sản chưa được chú trọng. Trang thiết bị, phương tiện của các lực lượng chức năng còn hạn chế nên việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng trên gặp nhiều khó khăn.
Sau khi Hiệp định được ký kết và có hiệu lực, hoạt động sản xuất của ngư dân hai nước dần ổn định, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển. Tình hình chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam được ổn định, giữ vững, hiện tượng tàu cá Trung Quốc vào sâu trong vùng biển Việt Nam hoạt động mang tính tranh chấp ngư trường, tài nguyên biển giảm dần và cơ bản chấm dứt. Cơ quan chức năng hai nươc đã tích cực tuyên truyền, triển khai thực hiện quy định của Hiệp định; công tác giám sát của hai bên cũng được thực hiện thường xuyên, trong đó có hoạt động phối hợp tuần tra liên hợp định kỳ hàng năm.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Lương Cao Khải, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 cho biết vẫn còn có hiện tượng tàu cá Việt Nam và tàu cá Trung Quốc vượt ra ngoài vùng đánh cá chung, xâm phạm vùng biển của hai nước để khai thác hải sản trái phép”.
Hiện nay, CSB Việt Nam và CSB Trung Quốc đã kí kết Bản ghi nhớ hợp tác trong đó thiết lập đường dây nóng liên lạc nhằm trao đổi, cung cấp thông tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thông qua đường dây liên lạc này, định kỳ hàng tháng hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình tàu cá vi phạm trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Cơ chế trao đổi thông tin này đã góp phần tích cực trong giám sát các tàu cá hai nước vi phạm.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc đi vào cuộc sống đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trong Vịnh Bắc Bộ, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác của hai nước.
Trong thời gian qua, các lực lượng CSB, Kiểm Ngư, Hải quân, Bộ đội Biên phòng đã tích cực phối hợp đồng bộ và có hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ thường xuyên là quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự trên biển với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động nghề cá theo Hiệp định. Quá trình hoạt động đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm của tàu cá Trung Quốc, tuyên truyền cho tàu cá Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển lành mạnh, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Trong mỗi chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ, Bộ Tư lệnh vùng CSB 1 đều kết hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, trong đó nổi bật là kết hợp triển khai thực hiện mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Những lá cờ Tổ quốc, những chiếc áo phao, tủ thuốc, radio, tời rơi, thực phẩm tươi sống… được lực lượng CSB trao tặng cho các tàu cá, cùng những lời động viên các ngư dân chấp hành tốt pháp luật, an tâm bám biển. Ấn tượng nhất trong mỗi chuyến đi là hình ảnh giữa biển trời bao la, những lá cờ sắc đỏ tươi được CSB và ngư dân treo lên tung bay trước gió, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức về chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Có thể khẳng định, cùng với nhiệm vụ giám sát, lực lượng CSB đã thực hiện tốt nhiệm vụ hợp tác quốc tế, là đầu mối phối hợp liên lạc của hai nước trong giám sát thực hiện Hiệp định hợp tác nghề cá.