Thông thường, chất lượng không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc từ tháng 5 đến tháng 8 sẽ có chất lượng tốt nhất trong năm. Tuy nhiên, những ngày qua, cứ vào tối, chất lượng không khí Hà Nội lại giảm đột ngột.
Cụ thể, vào tối ngày 4/6, tất cả các điểm đo ở các quận, huyện của Hà Nội, chất lượng không khí đều ở ngưỡng báo động đỏ và tím, có nơi chỉ số AQI lên tới 205, ngưỡng rất ô nhiễm. Thậm chí, vùng ven đô và các tỉnh đồng bằng sông Hồng còn ô nhiễm hơn nội đô Hà Nội.
Tuy nhiên, đến sáng sớm ngày 5/6, chất lượng không khí tại hầu hết các quận, huyện tại Hà Nội đều chuyển sang ngưỡng xanh hoặc vàng, là mức không khí tốt và vừa phải.
Đáng chú ý, mức độ ô nhiễm không khí càng về chiều tối càng tăng lên, đến tối 6/6, ghi nhận của hệ thống PAMAir, tại 76 điểm đo tại Hà Nội có 52,6% điểm đo ở ngưỡng xấu, trên 30% ở ngưỡng rất xấu, 6,6% ở mức nguy hại, 10,5% ở ngưỡng kém. Nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội cũng vượt gấp chục lần tiêu chuẩn.
Còn trang Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sĩ) xếp TP Hà Nội đứng thứ 1 trong 10 thành phố trên thế giới có chỉ số AQI là 318, gần gấp đôi các thành phố ô nhiễm còn lại.
Theo ghi nhận, 5 tỉnh, thành phố có chất lượng không khí xấu nhất lúc 22 giờ ngày 6/6 là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên.
Ông Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty D&L, đơn vị sở hữu ứng dụng đo chất lượng không khí PAM Air cho biết, ghi nhận của hệ thống đo của PAM Air những ngày gần đây cho thấy, chất lượng không khí tại Hà Nội cũng như nhiều thành phố khác thường xuyên ô nhiễm vào chiều và tối. Theo ông Dũng, nguyên nhân của tình trạng này do hiện tượng đốt rơm rạ sau mùa gặt tại vùng ven đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Xu hướng ô nhiễm xảy ra từ chiều tối, tối đến đêm, buổi sáng thì được cải thiện.
“Đây là vấn đề đến hẹn lại lên từ nhiều năm qua, nhưng chưa được cải thiện, tình trạng ô nhiễm không khí tại các điểm đo thường gắn liền với hoạt động đốt ngoài trời không kiểm soát, trong đó có đốt rơm rạ”, ông Hoàng Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, nếu như chính quyền địa phương không sớm có các quy định liên quan và thực hiện thu gom, tái sử dụng rơm rạ thì tình trạng đốt rơm rạ sẽ vẫn tiếp diễn, kéo theo tình trạng ô nhiễm không khí lên cao.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau mỗi vụ thu hoạch, hoạt động đốt rơm rạ đã gây hiện tượng khói mù cho các vùng lân cận. Việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết, có thể tạo ra hợp chất gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.
Trước tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội từng đề xuất, cấm đốt rơm rạ trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi (vừa được trình Quốc hội).
Theo các chuyên gia môi trường, việc xử phạt đốt rơm rạ gây ô nhiễm khó khả thi trong thực tế. Vì vậy, trước hết cần tập trung tuyên truyền nhận thức cho người dân thấy được tác hại của việc đốt rơm rạ với chính bản thân họ. Ngoài ra, có thể thiết lập một đường dây nóng để người dân báo về khi phát hiện hoạt động đốt rơm rạ, đốt rác, giúp cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.