Trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên học tại các trường đại học ra trường thất nghiệp và làm không đúng ngành nghề ngày càng cao, điều đó đã tác động không nhỏ đến xu hướng chọn ngành nghề của học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12.
Từ bỏ ĐH quay về học nghề yêu thích
Yêu thích ngành du lịch nên ngay từ đầu Danh Thị Xuân Là (tỉnh Kiên Giang) đã đăng ký nguyện vọng một vào ngành Quản trị du lịch tại trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, Xuân Là chỉ đạt được 21 điểm còn điểm trúng tuyển vào ngành này lại hơn 27 điểm. Với số điểm thi tương đối khá và điểm học lực 8.2, cơ hội vào trường ĐH của Xuân Là khá rộng mở, thế nhưng Xuân Là lại chọn vào học một trường trung cấp ở tỉnh để được học ngành mình yêu thích.
Danh Thị Xuân Là chia sẻ: "Cứ mỗi năm đến kỳ xét tuyển ĐH, CĐ lại nổi trội việc hàng ngàn cử nhân thất nghiệp nên em sợ học ĐH không phải ngành học đam mê của mình thì mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn sau khi tốt nghiệp, thậm chí có thể không có việc làm sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, em nhận thấy các trường khác không phù hợp với mình nên em quyết định lựa chọn học ngành Nghiệp vụ nhà hàng tại Trường trung cấp Việt Hàn, với mong muốn sau khi học xong sẽ có được công việc yêu thích ở ngay tại Phú Quốc này".
Không xác định được ngành nghề mình yêu thích ngay từ đầu nên khi học ĐH được hơn 1,5 năm tại Việt Nam và đi du học gần 2 năm tại Singapore, Nguyễn Kiều Oanh mới phát hiện ra được sở thích ngành nghề của mình và mạnh dạn từ bỏ ĐH để vào học vào một trường CĐ nghề với ngành nghề mình yêu thích. Nguyễn Kiều Oanh cho biết: "Khi học ở phổ thông, em không có sự định hướng về nghề nghiệp nên khi em thi cũng chọn đại vào trường ĐH. Sau khi học hơn 1,5 năm ĐH Việt Nam và 2 năm du học với ngành nghề mình không yêu thích, em đã quyết định từ bỏ ĐH và quay về nộp hồ sơ đăng ký vào học trường CĐ Quốc tế Kent với ngành học yêu thích là Quản trị kinh doanh".
Tương tự, trường hợp của bạn Lê Thị Hương dù đã có hai bằng ĐH với chuyên ngành về Luật kinh doanh và một bằng ĐH về Triết học, thế nhưng sau một thời gian đi làm, Hương cảm thấy không thích và không phù hợp nên quyết định nộp hồ sơ vào trường trung cấp nghề với ngành nghề mình yêu thích.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu nhân lực trình độ ĐH tại nước ta là rất cần thiết cho yêu cầu phát triển và hội nhập, tuy nhiên vấn đề ở đây là nguồn nhân lực chất lượng cao và sự phù hợp nghề của mỗi người. Dù học ở bậc học nào, điều quan trọng nhất là phải thực sự giỏi nghề mình lựa chọn.
Thạc sĩ Lê Hồng Việt, Trưởng ban tuyển sinh Kent Internaitional College cho biết, có rất nhiều sinh viên sau khi vào học được 1-2 năm ở các trường ĐH thì đã chuyển sang Kent học cao đẳng. "Khi chúng tôi tiếp xúc với sinh viên thì các bạn chia sẻ ở trường ĐH chương trình học lý thuyết nặng quá và một phần cũng là do lúc trước ba mẹ các em muốn các em học ĐH nhưng khi nhập học, càng học các em càng thấy không phù hợp với mình", ông Việt cho biết.
Không lo thất nghiệp
Qua đánh giá của các nhà tuyển dụng, cơ hội việc làm của các học viên trường CĐ, trung cấp là rất cao. Theo các khảo sát của trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ sinh viên học CĐ, trung cấp tốt nghiệp có việc làm trên 85%. Mức lương khởi điểm của một người tốt nghiệp trường nghề ở những ngành đang thiếu nhân lực hiện khá cao, từ 6 -8 triệu đồng/tháng trở lên. Có doanh nghiệp còn trả cao hơn tùy vào tay nghề, ngoại ngữ và thái độ làm việc của người lao động.
Nói về thực trạng sinh viên bỏ trường ĐH đi học trường nghề, nhiều ý kiến cho rằng, trước đây xã hội chuộng hình thức học ĐH để ra trường có việc nhẹ, lương cao… nhưng những năm gần đây, từ chuyện hàng năm có hàng chục ngàn sinh viên ĐH trên cả nước ra trường thất nghiệp hoặc làm trái nghành nghề đã làm thay đổi xu hướng nhận thức về học nghề từ xã hội, phụ huynh, học sinh đã hoàn toàn thay đổi.
Theo thống kê của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, tính đến năm 2017, có khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành và có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp.
Thạc sĩ Hồ Tấn Hùng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Hàn (Phú Quốc - Kiên Giang) cho biết, xu thế xã hội hiện nay người học quan tâm đến việc làm sau khi học nên nhận thức của xã hội về việc đi học nghề được học sinh lựa chọn và quan tâm nhiều hơn, điều này được minh chứng rất rõ bằng việc dịch chuyển từ học ĐH sang học nghề. Trong kỳ tuyển sinh vừa qua, trường tiếp nhận 300 học sinh THCS và THPT đến làm thủ tục nhập học. Đáng chú ý có nhiều em thi đại học được tới 21 điểm nhưng vẫn từ chối học ĐH vì sợ ra trường thất nghiệp và có cả những học viên đã tốt nghiệp ĐH đăng ký học nghề tại trường.
Thạc sĩ Lê Hồng Việt cũng cho hay, thị trường lao động đang theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, theo đó doanh nghiệp cần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc chứ không đặt nặng bằng cấp. Hiện hương trình học ở trường nghề cũng theo mô hình doanh nghiệp trong lớp học theo hướng mở của các công ty đa quốc gia hiện nay, từ đó các em sẽ học những vấn đề gắn liền với thực tiễn giúp trang bị cho các em đầy đủ những yêu cầu mà các doanh nghiệp tuyển dụng đưa ra. Bên cạnh đó, nhà trường cũng gắn kết với cách doanh nghiệp đảm bảo việc làm cho các em sau khi ra trường.
Còn theo Trường trung cấp Việt Hàn, việc đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Hiện nhà trường đã ký kết được với các doanh nghiệp về việc đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên và được các doanh nghiệp cử các chuyên gia đầu ngành cùng tham gia giảng dạy cho các em để đảm bảo chất lượng đầu ra, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. "Mục tiêu của chúng tôi là phải giải quyết được việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Hiện các khu du lịch, nhà hàng khách sạn đóng trên địa bàn Phú Quốc đã đặt hàng sinh viên của trường ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường", ông Hùng cho biết.