Những điểm sáng
Những năm gần đây, ngoài các hội thảo, hội nghị tập huấn nâng cao năng lực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tại nhiều địa phương của TP Hồ Chí Minh còn có hoạt động truyền thông gián tiếp, trực tiếp, hoạt động tham vấn chuyên gia, cộng đồng nhằm định hướng, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện. Đặc biệt, tại một số địa phương, trường học, nơi có nhiều hộ nghèo, người lao động tự do đã hình thành mô hình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, từng bước góp phần cam kết lớn hơn về trách nhiệm đối với trẻ em, tăng cường, mở rộng công tác phòng, chống bạo lực học đường.
Đến thăm “Mô hình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em” triển khai tại các phường Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) mới hiểu rõ hơn bữa ăn trưa đủ chất giúp trẻ nâng cao thể trạng, kéo giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng. Điều quan trọng hơn là sau bữa trưa, trẻ ở lại trường để ôn bài và học kỹ năng, giúp trẻ năng động, kỷ luật bản thân tốt hơn, mà không phải tham gia lao động (chủ yếu đi bán vé số) phụ giúp gia đình, đồng thời phòng tránh nguy cơ bị xâm hại và tai nạn thương tích.
Bà Hoàng Thu Hương, cán bộ dự án của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, mô hình này giúp nhà trường nâng cao năng lực quản lý, điều hành; bổ sung nguồn lực về thư viện, thông tin và lực lượng tình nguyện viên có kỹ năng.
Về phía phụ huynh nhận thức rõ hơn hệ lụy khi cho trẻ tham gia lao động sớm, qua đó thay đổi quan điểm, tích cực phối hợp cùng nhà trường chăm lo, giáo dục con em và càng yên tâm hơn để tập trung cho việc làm, gia tăng thu nhập.
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, mô hình này chính là việc thiết lập cơ sở dữ liệu quản lý trẻ em có nguy cơ lao động sớm chặt chẽ; đẩy mạnh truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho đội ngũ tham gia mô hình; hướng đến thay đổi hành vi người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ và trong cả cộng đồng…
Tương tự, “Mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng” tại quận Bình Thạnh được thành lập, hoạt động dựa trên cơ sở Ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp quận, phường, khu phố và các điểm tư vấn cộng đồng, tư vấn trường học, nhóm công tác liên ngành bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Bình Thạnh, qua hoạt động mô hình này, địa phương đã quản lý và tác động được hơn 95% trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ trên địa bàn quận. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc bằng các hình thức đạt hơn 95%.
“Điều đáng mừng là từ công tác vãng gia (tới thăm hỏi tại gia đình) đã hình thành mối liên kết giữa trẻ, gia đình, cộng đồng và chính quyền địa phương, nhằm thực hiện tốt hơn công tác an sinh xã hội tại cơ sở, qua đó giúp trẻ và gia đình giải quyết tốt các nhu cầu như: Làm giấy khai sinh, hộ khẩu, trợ cấp xã hội, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe, thực hiện chính sách, hỗ trợ gia đình có trẻ em hoàn cảnh đặc biệt vượt qua khó khăn", bà Nguyễn Thị Ngọc Loan chia sẻ.
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Bình Thạnh, hằng tháng, chuyên trách Bình đẳng giới - Trẻ em, cộng tác viên trẻ em phối hợp với tổ dân phố thường xuyên vãng gia, xuống tận hộ gia đình của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của trẻ để phát hiện kịp thời, bàn biện pháp giải quyết, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của trẻ nhằm hạn chế tối đa trẻ em và người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật.
Thực tiễn còn nhiều khó khăn
TP Hồ Chí Minh hiện có trên 8,9 triệu người, trong đó có trên 2 triệu trẻ em (bao gồm cả 474.019 trẻ em dưới 15 tuổi đăng ký tạm trú); 11.936 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm gần 0,58% tổng số trẻ em, trong số này có 2.342 trẻ được chăm sóc thay thế tại cơ sở bảo trợ xã hội và trên 9.590 trẻ tại cộng đồng); khoảng hơn 34.200 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Nhiều năm đồng hành cùng các mô hình chăm sóc và bảo vệ trẻ, ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh khẳng định, từ những việc làm thiết thực của các mô hình đã góp nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực trong từng gia đình, cộng đồng xã hội và trẻ hiểu hơn về quyền, bổn phận của mình, kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại.
"Nhiều mô hình đã góp phần kéo giảm tình trạng trẻ vi phạm pháp luật, lao động sớm; thúc đẩy người dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... xây dựng môi trường xã hội lành mạnh để trẻ được phát triển toàn diện", ông Nghinh chia sẻ.
Cùng quan điểm, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố) cho rằng, nhiều mô hình can thiệp đã nâng cao nhận thức của giáo viên và phương pháp giáo dục trên cơ sở 4 nhóm giải pháp chính như: Cách cư xử trong lớp học, quan tâm đến khó khăn, tổ chức sự kiện, tổ chức hoạt động ngoại khóa.
Nhiều trường học đã xây dựng nhóm trẻ em nòng cốt, các cơ chế báo cáo, xử lý vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em… “Từ thực tiễn hoạt động, các mô hình đã từng bước làm thay đổi quan điểm chăm sóc, giáo dục, nuôi dạy trẻ em của đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh từ truyền thống sang việc tiếp cận, giáo dục trẻ em dựa trên quyền của trẻ được quy định bởi pháp luật”, bà Thanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích trẻ em mà thủ phạm lại chính là người được phân công chăm sóc, nuôi dưỡng khiến nhiều người bức xúc, xã hội lên án.
Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, từ năm 2012-2020, trên địa bàn thành phố có 930 vụ án, vụ việc liên quan đến trẻ em như bạo lực đối với trẻ em, bắt cóc, mua bán, các tội xâm hại tình dục trẻ em... Trong đó, 790 vụ án liên quan đến xâm hại tập trung vào 3 tội danh dâm ô, giao cấu, hiếp dâm trẻ em với 732 vụ, 662 bị can và 140 vụ việc.
Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng cơ quan thường trực phía Nam Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, tình hình xâm hại trẻ em phần nhiều xảy ra ở các tỉnh, nơi vắng người, cả ban ngày (giờ đi học), lẫn ban đêm (giờ đi chơi), thậm chí có hành vi đưa vụ việc xâm hại trẻ em lên mạng xã hội.
Nguyên nhân sâu xa của vụ việc do cha mẹ phải đi làm ăn xa hoặc đã ly hôn, các em ở chung với ông bà, thiếu người quan tâm chăm sóc dẫn đến dễ bị lôi kéo, dụ dỗ…
“Điều này cho thấy sự thiếu quan tâm hay chủ quan, thiếu hiểu biết của người thân đã dẫn đến tình trạng trẻ bị xâm hại. Nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa chưa hiểu rõ hành vi nào là dâm ô để có thể kịp thời ngăn chặn những hậu quả xấu hơn…”, bà Trần Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Quá trình phát triển nhanh trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội đã kéo theo nhiều hệ lụy mới, nhất là khi áp lực gia tăng dân số, công nghệ thông tin, mạng xã hội bùng phát. Nhiều gia đình cũng thừa nhận môi trường xã hội ngày nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ, những ấn phẩm đồi trụy, internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất khiêu dâm, lối sống thực dụng, thiếu quan tâm trẻ em... dẫn đến trẻ em bị xâm hại hoặc bị bỏ rơi.
Bài cuối: Đồng hành cùng trẻ em hướng đến hội nhập và phát triển