Tại cuộc họp báo công tác quí 4/2018 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 28/1, khi được hỏi về nội dung liên quan đến việc UBND Thành phố Hà Nội qui định tại trụ sở tiếp công dân không được quay phim, ghi âm, ghi hình; ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) cho biết:
"Là cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp, chúng tôi được giao hậu kiểm các văn bản của cấp bộ, chính quyền cấp tỉnh khi đã ban hành VBQPPL. Và ở đâu có quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành VBQPPL quy định mà cơ quan, người có thẩm quyền ban hành các văn bản có nội dung không thuộc Luật Ban hành VBQPPL quy định thì chúng tôi có trách nhiệm xem xét và phải kết luận nếu có nội dung sai. Trên tinh thần trách nhiệm trước vấn đề người dân có ý kiến, dư luận quan tâm này, chúng tôi đã vào cuộc xem xét và đã kết luận".
Theo ông Đồng Ngọc Ba, dư luận vừa qua phản ứng trước việc UBND Thành phố Hà Nội đưa ra quy định tại trụ sở tiếp công dân không được quay phim, ghi âm, ghi hình. Khi báo chí phản ánh, Bộ Tư pháp đã vào cuộc. Kết quả cho thấy: Việc các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp ban hành nội quy tại trụ sở tiếp công dân, đây là thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân năm 2013 (có hiệu lực thi hành từ năm 2014) qui định.
Ví dụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân. Việc này được quy định rõ tại Khoản 6, điều 12. Đối với các cơ quan khác, Luật Tiếp công dân cũng quy định rất rõ. Đây là nội quy tại các trụ sở có địa điểm cụ thể. UBND Hà Nội ban hành nội quy tiếp công dân trong trụ sở tiếp công dân tại địa chỉ 34 Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) và 20 Hoàng Diệu (quận Hà Đông).
Cục kiểm tra VBQPPL có rà soát tổng thể trên cả nước, cho thấy hầu hết các cơ quan và 62/63 địa phương đã ban hành nội quy tiếp công dân. Cũng theo ông Đồng Ngọc Ba, tuy nhiên nội quy có quy định: Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân, thì chỉ có một số cơ quan qui định như vậy. Kết quả rà soát cho thấy, có một số bộ và 28 địa phương trong nội quy có quy định đó, cách thể hiện có thể có sự khác nhau về câu chữ nhưng đại ý người dân được tiếp trong trụ sở đó hoặc phòng tiếp dân không quay phim, chụp ảnh, ghi âm… khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân, cán bộ.
“Quy định trong các nội quy được ban hành rải rác các năm, và gần đây nhất là Hà Nội, các bộ, ngành địa phương ban hành sau khi có Luật Tiếp công dân. Quy định nêu trong các nội quy đã được thực hiện từ nhiều năm nay nhưng đến gần đây dư luận quan tâm và có ý kiến trái chiều”, ông Đồng Ngọc Ba nói.
Lý giải việc này, ông Đồng Nọc Ba cho rằng: Khi xem xét về nội dung và thẩm quyền, việc Chủ tịch UBND Hà Nội và các tỉnh ban hành nội quy như vậy là thực hiện theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao. Về nội dung: Luật Tiếp công dân không quy định cụ thể và không cấm công dân được tiếp tại trụ sở không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm.
Tuy nhiên trong luật này (Khoản 8, Điều 6) quy định nghiêm cấm vi phạm quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân. Đồng thời, quy định về nghĩa vụ của người dân được tiếp tại trụ sở là phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và hướng dẫn của người tiếp công dân. Nội quy không quy định cấm, nhưng yêu cầu khi quay phim, chụp ảnh, ghi âm phải được sự cho phép của người tiếp công dân.
Quy định trong nội quy này thông thường sẽ niêm yết hoặc dán trong phòng tiếp công dân. Nội dung đó áp dụng tại không gian phòng tiếp dân không thuộc loại VBQPPL theo Khoản 1 Điều 3 của Luật Ban hành VBQPPL. Với tính chất như vậy, trách nhiệm xem xét tính pháp lý, tính phù hợp, xử lý như thế nào do chính cơ quan ban hành quyết định hành chính, nội quy đó.
Ở đây có trách nhiệm quan trọng là Thanh tra Chính phủ, cơ quan được Chính phủ giao tham mưu về lĩnh vực tiếp công dân sẽ kiểm tra.
Ông Đồng Ngọc Ba cho biết: Ngoài ra, trong buổi làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng và các cơ quan liên quan, chuyên gia hàng đầu, Cục kiểm tra Văn bản qui phạm pháp luật đã có khuyến nghị trực tiếp với đơn vị chức năng của Thanh tra Chính phủ và Thành phố Hà Nội trong việc xem xét, rà soát quá trình thực hiện đảm bảo tính chặt chẽ để thực thi. Thanh tra Chính phủ cần có rà soát để báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp phù hợp đảm bảo việc thực thi công vụ của công chức, tính văn minh, văn hóa ứng xử…