Về vấn đề này, báo Tin tức xin trả lời như sau:
Tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 15/4 về công tác phòng chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã phân loại nguy cơ dịch bệnh các địa phương dựa trên một số tiêu chí:
- Có đầu mối giao thông.
- Mật độ di chuyển, đi lại lớn.
- Có biên giới, nhiều người qua lại biên giới.
- Những điểm trước đây có tiếp xúc rất nhiều với người nước ngoài.
- Mật độ dân cư.
- Mật độ các nhà máy, khu công nghiệp tập trung...
- Các phân tích dịch tễ học.
- Tình hình dịch bệnh.
- Khả năng ứng phó.
- Đặc điểm dân số.
- Có nhiều người nước ngoài đến.
- Có nhiều ca lây nhiễm…
Đặc biệt là có một nhóm tiêu chí liên quan đến năng lực ứng phó của cấp ủy, chính quyền khi có ca bệnh, năng lực kiểm soát việc thực hiện các chỉ đạo, chỉ thị, khuyến nghị về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ trước đến nay.
Trên cơ sở đó, đã chia thành 3 nhóm, gồm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm có nguy cơ thấp.
Các nhóm này không phải bất biến.
- Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh.
- Nhóm có nguy cơ gồm 15 địa phương: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp.
- Nhóm có nguy cơ thấp gồm 36 địa phương còn lại.
Hiện, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng cụ thể trên địa bàn của mình một cách phù hợp, nghiêm túc theo các cấp độ.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn quyết định việc có thể kéo dài thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, nếu thấy rằng cần phải áp dụng mạnh mẽ chuyện này.
Việc thực hiện cách ly xã hội có thể theo quy mô cấp xã, huyện, tùy theo nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn. Các ngành chức năng xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch.