Bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm xã hội - Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, bà Đàm Thị Tý sinh ngày 12/3/1961, có quá trình đóng bảo hiểm như sau: Từ năm 1995 đến năm 2008 (13 năm) bà Tý đóng bảo hiểm xã hội theo lương cơ sở tại từng thời kỳ; từ năm 2009 bà Tý hưởng lương khởi điểm 1,86 đến khi nghỉ hưu (tháng 4/2016). Như vậy, bà Tý có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 21 năm 3 tháng, thâm niên nhà giáo 19%.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bà Tý vừa có quá trình đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Do đó, lương hưu của bà Tý được tính bình quân theo tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian. Quá trình đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ lương do người sử dụng lao động quyết định của bà Tý đã được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Do có trên 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, lương hưu của bà Tý đã được bù đủ lương cơ sở tại thời điểm giải quyết tháng 4/2016 là 1.150.000 đồng. Sau khi lương hưu của bà đã được bù đủ lương cơ sở thì lại tiếp tục được điều chỉnh theo Nghị định 55/2016/NĐ-CP và Nghị định 76/2017/NĐ-CP. Vì vậy, mức lương hưu hiện hưởng của bà Tý là trên 1.600.000 đồng.
Đối chiếu các quy định hiện hành, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về tiền công, tiền lương đối với người lao động.
Theo bà Dương Thị Minh Châu, trên địa bàn thành phố, trường hợp như bà Đàm Thị Tý rất nhiều. Thậm chí, nhiều giáo viên mầm non đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ năm đóng bảo hiểm đã được thực hiện chế độ đóng gộp (truy thu) để được nhận lương hưu. Những trường hợp đóng gộp, do không được bù lương cơ sở nên có thể mức lương hưu nhận được còn thấp hơn.