Sau hơn 10 năm thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), bằng những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ và cách tiếp cận phù hợp Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những quốc gia đi đầu. Việt Nam đã giảm một nửa tỷ lệ nghèo cùng cực và giảm tỷ lệ nghèo ở cả khu vực thành thị và nông thôn... Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu tại hội thảo kết quả tham vấn quốc gia Chương trình phát triển sau năm 2015 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 20/3, tại Hà Nội.
Cán bộ quân y bộ đội biên phòng đồn Mường Nhé (đồn 409) khám kiểm tra sức khỏe cho đồng bào tại bản Nậm San, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Phát biểu tại hội thảo, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đầy ấn tượng ở cấp quốc gia về các MDGs. Tuy nhiên, Việt Nam cần còn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để các mục tiêu này có thể đạt được ở từng làng xã, từng tỉnh, thành. Chỉ còn 1.000 ngày nữa là đến thời hạn hoàn thành các MDGs, bây giờ chính là lúc Việt Nam cần nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu còn chưa đạt được. Bên cạnh đó, với những kinh nghiệm của mình Việt Nam cần chủ động đóng góp cho những thảo luận cấp toàn cầu về chương trình nghị sự sau năm 2015.
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế và trong nước cũng cho rằng, Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít thách thức lớn, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và nghiêm trọng. Đồng thời mỗi mục tiêu thiên niên kỷ cũng chứa đựng các thách thức nội tại cần phải giải quyết như mất cân bằng vùng miền, nhóm dân tộc.
Nhiều khía cạnh cụ thể của các mục tiêu cũng xuất hiện các vấn đề mới đòi hỏi cách tiếp cận mới và giải pháp mới như vấn đề nghèo đói đô thị, mất cân bằng giới tính khi sinh, ô nhiễm môi trường… Các chuyên gia cũng khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục những nỗ lực nhằm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ không chỉ dừng lại vào năm 2015 mà còn cho cả các năm tiếp theo.
Với 8 nhóm tham vấn và gần 1.300 người được lựa chọn tham gia phỏng vấn, báo cáo tham vấn quốc gia ở Việt Nam do Liên Hợp Quốc thực hiện được xem là khá bao quát, đã nghiên cứu được nhiều vấn đề phát triển có liên quan. Kết quả này này được xem là đóng góp quan trọng vào quá trình quyết định Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 của Liên Hợp Quốc.
Quốc Huy