Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama, ngày 6/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đã ký chính thức Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123).
Ông Nguyễn Quân (bên phải), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Ngài David Shear, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam, thay mặt Chính phủ hai nước ký Hiệp định. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN |
Hiệp định này đã được ký tắt giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry vào ngày 10/10/2013 tại Brunei trong khuôn khổ của Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN lần thứ 23 và các Hội nghị Thượng đỉnh liên quan được tổ chức tại Brunei.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: Việc ký Hiệp định 123 đánh dấu bước tiến quan trọng về sự tin cậy trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đồng thời mở ra những triển vọng to lớn cho cả hai bên trong việc thúc đẩy những dự án hợp tác cụ thể về ứng dụng bức xạ cũng như phát triển điện hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.
Việt Nam từ lâu đã kiên trì theo đuổi đường lối phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Về cơ bản Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế liên quan đến bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, gần đây Việt Nam đã hoàn thành chương trình chuyển đổi nhiên liệu của lò Đà Lạt từ nhiên liệu độ giàu cao (HEU) sang sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp (LEU), phê chuẩn Nghị định thư bổ sung và tham gia Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phần sửa đổi. Điều này khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Hiện Việt Nam đang hợp tác với các đối tác Liên bang Nga và Nhật Bản triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Việt Nam cũng đã ký kết 7 hiệp định hợp tác cấp Chính phủ với các nước về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Hoa Kỳ là quốc gia hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, phần lớn các công nghệ nhà máy điện hạt nhân trên thế giới hiện nay có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Vì vậy, việc ký kết Hiệp định này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam có thể tiếp cận các công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ hợp tác, đầu tư vào thị trường Việt Nam vì lợi ích của cả hai bên.
Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân được ký kết trên tinh thần của Mục 123 về “Hợp tác với các quốc gia khác” trong Luật Năng lượng nguyên tử năm 1954 của Hoa Kỳ, nhằm điều chỉnh các giao dịch thương mại trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và tạo khung pháp lý để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác Hoa Kỳ trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, đặc biệt trong phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Hiệp định 123 là cơ sở để Việt Nam có thể tiếp nhận công nghệ hạt nhân tiên tiến, hiện đại trực tiếp hoặc có nguồn gốc từ Hoa Kỳ cho các dự án điện hạt nhân của Việt Nam.
Phạm vi hợp tác của Hiệp định bao gồm: phát triển việc sử dụng năng lượng hạt nhân; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ lò phản ứng hạt nhân dân sự, quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng; đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng đồng vị phóng xạ trong công nghiệp, nông nghiệp, y tế và môi trường; bảo vệ bức xạ, quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu đã qua sử dụng; an toàn, an ninh, thanh sát và không phổ biến hạt nhân.
Đồng thời, Hiệp định quy định chỉ chuyển giao nhiên liệu urani có độ giàu thấp và các vật liệu, thiết bị được chuyển giao để thực hiện các ứng dụng theo khuôn khổ của Hiệp định. Hiệp định có hiệu lực 30 năm, sẽ tiếp tục có hiệu lực với mỗi giai đoạn là 5 năm và có thể được sửa đổi khi có thỏa thuận giữa hai bên thông qua đường ngoại giao.
Việc hợp tác được thực hiện theo các hình thức sau: trao đổi thông tin và tài liệu khoa học, kỹ thuật; trao đổi cán bộ và đào tạo; tổ chức hội nghị, hội thảo; cung cấp dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật; nghiên cứu chung; các hình thức hợp tác khác được hai bên thống nhất.
Thu Phương