Dự kiến cuối tháng 4 này, vệ tinh VNREDSat-1, vệ tinh viễn thám trị giá 72 triệu USD của Việt Nam, sẽ được phóng lên vũ trụ. PV Báo Tin tức có cuộc trò chuyện với TS Bùi Trọng Tuyên (ảnh, thứ ba từ trái sang), Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, gọi tắt là Viện KHCN) về công tác chuẩn bị cũng như ý nghĩa của sự kiện khoa học này.
Vệ tinh VNREDSat-1 chụp tại Trung tâm vũ trụ ở Kourou, Guyana đã sẵn sàng để phóng lên quỹ đạo (Ảnh: TS Bùi Trọng Tuyên cung cấp). |
Thưa ông, hiện nay công tác chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh VNREDSat-1 lên vũ trụ đã được tiến hành đến đâu?
Vệ tinh VNREDSat-1 do Công ty EADS Astrium (Pháp) thiết kế, chế tạo đã trải qua hàng loạt phép thử trong các môi trường mô phỏng vũ trụ và được chứng nhận đủ điều kiện đưa lên quỹ đạo vào tháng 2/2013. Ngày 8/3 vừa qua, vệ tinh VNREDSat-1 đã được vận chuyển an toàn trong một côngtennơ đặc biệt đến bãi phóng ở Kourou, Guyana (thuộc Pháp). Đây là bãi phóng nằm trong Trung tâm Không gian Guyana, bãi phóng vệ tinh của châu Âu, với lợi thế nằm gần xích đạo nên thuận lợi cho việc phóng vệ tinh lên quỹ đạo quay quanh trái đất.
Dự án VNREDSat - 1 có tổng mức đầu tư từ vốn ODA của Chính phủ Pháp là 55,8 triệu euro và vốn đối ứng của Việt Nam là gần 65 tỷ đồng với nhà thầu chính là Công ty EADS Astrium (Pháp), công ty lớn thứ 3 thế giới về sản xuất vệ tinh dân dụng. Vệ tinh viễn thám VNREDSat - 1 nằm trên quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) và có khả năng chụp ảnh bằng công nghệ quang học tất cả các vùng trên bề mặt trái đất từ độ cao khoảng 663 km. Tuổi thọ của VNREDSat - 1 theo thiết kế là 5 năm, thời gian chụp lặp lại tại một vị trí xác định là 3 ngày. |
Chúng ta đã chuẩn bị những điều kiện gì để tiếp nhận những tín hiệu của VNREDSat-1 truyền về sau khi vệ tinh này được phóng lên vũ trụ, thưa ông?
Tại Việt Nam, chúng ta đã triển khai 3 trung tâm để điều hành, tiếp nhận và xử lý ảnh vệ tinh VNREDSat-1, gồm: Trung tâm điều hành (tại Viện KHCN); Trung tâm thu phát tín hiệu điều khiển vệ tinh (tại khu công nghệ cao Hòa Lạc) và Trạm thu ảnh vệ tinh (tại Bộ Tài nguyên - Môi trường). Hiện 3 trung tâm này đã sẵn sàng tiếp nhận, điều hành và khai thác vệ tinh sau khi phóng thành công.
Về nhân lực, Viện KHCN đã cử 15 cán bộ, kỹ sư sang học tập tại Toulouse (Pháp). Ngoài ra, trong khuôn khổ của dự án, một đội kỹ sư gồm 5 người có nhiệm vụ vận hành hệ thống thu nhận và xử lý tín hiệu ảnh tại Trung tâm Viễn thám Quốc gia cũng đã được đào tạo nâng cao tại Pháp. Về Việt Nam, các kỹ sư này sẽ tiếp tục được các chuyên gia của Pháp tập huấn để có thể đảm nhiệm việc điều khiển và vận hành vệ tinh sau khi phóng thành công lên quỹ đạo.
VNREDSat-1 là dự án vệ tinh lớn thứ ba (sau Vinasat-1 và Vinasat-2) và là dự án vệ tinh viễn thám đầu tiên ở Việt Nam phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phòng chống thiên tai. Xin ông nói rõ hơn về tầm quan trọng của vệ tinh này?
VNREDSat-1 là vệ tinh viễn thám đầu tiên, khởi đầu cho hệ thống vệ tinh quan sát trái đất của Việt Nam. Nói về lợi ích của VNREDSat-1, chúng ta có thể làm một phép so sánh nhỏ: Nếu như trước đây, một số cơ quan nghiên cứu trong nước phải mua ảnh vệ tinh với giá 2.000 - 5.000 USD/ảnh và phải mất 1- 2 tháng mới nhận được; khi có VNREDSat-1, chúng ta có được những bức ảnh ngay tại thời điểm chụp một cách nhanh chóng. Như vậy, chúng tôi có thể chủ động cung cấp ảnh vệ tinh độ phân giải cao cho các bộ, ngành và các tỉnh thành nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu; đặc biệt là khi xảy ra các sự cố như bão lụt, cháy rừng, tràn dầu trên biển.
Ngoài ra, vệ tinh này khi đi vào hoạt động sẽ kết hợp với hệ thống thu nhận, lưu trữ và xử lý ảnh vệ tinh viễn thám của Bộ Tài nguyên - Môi trường, tạo ra một hệ thống giám sát hoàn chỉnh, độc lập từ vệ tinh đến trạm thu mặt đất và trung tâm xử lý phân phối dữ liệu ảnh viễn thám.
Vậy bao giờ thì vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 sẽ chính thức được phóng lên vũ trụ và mất bao lâu để vệ tinh này gửi tín hiệu về trái đất, thưa ông?
Việc quyết định thời điểm phóng vệ tinh đòi hỏi phải có sự kiểm tra cẩn thận ở tất cả các khâu và không được xem nhẹ bất kỳ nghi ngờ nào, dù là nhỏ nhất. Ban đầu lịch phóng vệ tinh dự kiến là ngày 19/4. Nhưng theo thông báo mới nhất, Công ty EADS Astrium quyết định kéo dài thêm thời gian để kiểm tra tính sẵn sàng của tên lửa phóng VEGA. Thời điểm phóng vệ tinh dự kiến sớm nhất là ngày 24/4 theo giờ Kourou (Guyana, thuộc Pháp).
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Dương (thực hiện)