Ngày 3/3, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Kovalevskaia lần thứ 26. Hai nhà khoa học nữ đoạt giải thưởng lần này đều sinh năm 1970. Các chị là những bông hồng vàng trên cánh đồng sáng tạo, tiếp tục làm rạng danh trí tuệ của phụ nữ Việt Nam trong nghiên cứu khoa học.
Hai nhà khoa học nữ được vinh danh là: PGS. TS Vũ Thị Thu Hà - Phó Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu và PGS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên.
Người phụ nữ của bằng khen, giải thưởng
“Nghiên cứu khoa học là công việc đầy gian khó đối với phụ nữ. Nhưng nếu lấy những thuận lợi có được trừ đi khó khăn mà tôi gặp phải thì vẫn ra một con số dương. Nhờ thế, tôi đã có được vài thành công nhất định”, PGS TS Vũ Thị Thu Hà ví von. 19 bằng khen và giải thưởng khoa học từ năm 2001 đến nay mà chị nhận được đã minh chứng phần nào những đóng góp của chị đối với lĩnh vực khoa học ứng dụng.
Chị Thu Hà là cán bộ khoa học đầu tiên và duy nhất của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam (tính đến thời điểm này) đã đi sâu nghiên cứu các công nghệ xúc tác dị thể ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.
Chủ trì 19 đề tài và trực tiếp tham gia 12 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ và cấp tập đoàn, chị Hà đã nghiên cứu ra nhiều quy trình công nghệ như quy trình sản xuất nhiên liệu sinh học, dung môi sinh học, sorbitol, vật liệu xúc tác dị thể cấu trúc nano, tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường phục vụ phát triển bền vững. Trong số đó, có hai qui trình công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học và sản xuất sorbitol mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cao, được đưa vào ứng dụng thực tế. Cả hai quy trình công nghệ đều đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Hiện nay, với cương vị Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc và hóa dầu, chị Hà luôn cổ vũ và động viên, tạo điều kiện học thuật cho các cán bộ trẻ. Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu đang phát triển không ngừng, được nhận bằng khen của bộ, ngành; được Bộ Khoa học Công nghệ và Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Việt Nam đánh giá là một trong ba phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động hiệu quả nhất trong số 19 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia trong cả nước.
“Làm khoa học bằng tất cả đam mê”
Chia sẻ sự bất ngờ và xúc động trong ngày được nhận giải thưởng Kovalevskaia, PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn nói: “Tôi không nghĩ một người công tác tại một trường xa xôi miền núi như mình lại nhận được giải thưởng cao quý này. Đây là niềm vinh dự vô cùng lớn lao đối với tôi”.
PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn. |
Năm 31 tuổi có bằng Tiến sỹ và 35 tuổi được phong danh hiệu Phó Giáo sư, PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn được biết đến nhiều trong giới làm khoa học cơ bản trong nước.
Năm 2007, chị được trao giải thưởng Khoa học Viện Toán học với cụm công trình trong lĩnh vực Đại số Giao hoán. Đây là giải thưởng khoa học uy tín được trao 2 năm 1 lần cho không quá 2 nhà toán học Việt Nam dưới 40 tuổi.
PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn đang là thành viên Hội đồng khoa học ngành Toán nhiệm kì 2009-2013 của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted), hội đồng này gồm 11 thành viên đều là những người có thành tích công bố quốc tế xuất sắc trong toán học.
Từ năm 2009 đến nay, chị Nhàn đảm nhiệm chức Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học thuộc ĐH Thái Nguyên. Mặc dù bận công tác quản lý, chị vẫn say mê nghiên cứu. Đến nay, chị đã công bố 16 công trình trên những tạp chí toán quốc tế uy tín. Ðặc biệt, có 5 công trình trên Journal of Algebra- tạp chí quốc tế uy tín chuyên ngành Đại số, trong đó có những công trình được nhiều nhà toán học trên thế giới quan tâm. Chị thường xuyên được mời phản biện các bài báo khoa học của các tạp chí toán trong nước và quốc tế, tham gia nhiều cuộc nghiên cứu ngắn hạn và dài hạn. Hiện nay, chị đang hướng dẫn nhiều luận án tiến sĩ và các luận văn thạc sĩ.
PGS. TS Lê Thị Thanh Nhàn tâm sự: “15 năm qua, tôi làm khoa học bằng tất cả niềm đam mê, trách nhiệm cống hiến, sự dấn thân, không băn khoăn so đo gì cả”. Điều chị trăn trở nhất hiện nay, cũng là một trong những đề xuất của chị là làm thế nào để tạo thêm nhiều cơ hội cho những nhà khoa học ở vùng cao.
Như nhiều cá nhân và tập thể được nhận giải thưởng Kovalevskaia, câu chuyện thành công của PGS. TS Vũ Thị Thu Hà và PGS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn đã mang lại niềm cảm hứng cho rất nhiều nữ sinh viên, nữ cán bộ đang và muốn dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học.