Năng lực quản lý nguồn vốn tín dụng ở cơ sở chưa chặt chẽ, công tác bình xét cho vay chưa đúng đối tượng và tỷ lệ nợ quá hạn còn cao được nhận diện là những hạn chế trong thực hiện chương trình tín dụng chính sách ở tỉnh Vĩnh Long. Trước thực trạng này, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long kết hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác nguồn vốn đã đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng chương trình tín dụng chính sách.
Theo Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, với 12 chương trình cho vay, nguồn vốn tín dụng chính sách tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ cho trên 98.400 hộ có vốn phát triển sản xuất vượt khó thoát nghèo với dư nợ cho vay 1,215 tỷ đồng, trong đó cho vay ủy thác qua 4 tổ chức chính trị xã hội là Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên chiếm tỷ lệ 99,7% tổng dư nợ.
Từ nay đến cuối năm 2014, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh chương trình liên tịch với các hội, đoàn thể thực hiện rà soát lại công tác bình xét cho vay bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy trình; củng cố năng lực quản lý của hơn 3.000 tổ tiết kiệm và vay vốn, tập trung xử lý nợ quá hạn 12,2 tỷ đồng và xử lý lãi tồn đọng 41 tỷ đồng.
Ngân hàng tiếp tục củng cố các điểm giao dịch ở xã, kết hợp với UBND các xã rà soát lại số đối tượng hộ nghèo tại địa phương để hỗ trợ các hộ tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi, từ nay đến cuối năm tập trung đẩy mạnh giải ngân 19 tỷ đồng chương trình cho vay mua nhà trả chậm ở cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên 6 tỷ đồng và ưu tiên hỗ trợ vốn cho mô hình sản xuất ở 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới giúp hộ nghèo đổi mới cách nghĩ, cách làm qua việc chuyển giao các chương trình, dự án khuyến công, khuyến nông, xây dựng các mô hình sản xuất đa dạng để sử dụng vốn có hiệu quả.
Ngân hàng kết hợp với các hội, đoàn thể thực hiện lồng ghép chặt chẽ các chương trình tín dụng tiết kiệm với xóa đói giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm để hỗ trợ hộ dân thoát nghèo bền vững, điều chỉnh thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của vật nuôi cây trồng, giúp hộ nghèo đổi mới cách nghĩ, cách làm qua việc chuyển giao các chương trình, dự án khuyến công, khuyến nông, xây dựng các mô hình sản xuất đa dạng để sử dụng vốn có hiệu quả.
Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến cuối năm đạt dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách là 1.256 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2013, góp phần thực hiện mục tiêu giảm 1,3% tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh và hỗ trợ hộ dân thoát nghèo bền vững.
Huỳnh Kim Phượng