Chưa có điểm tập kết rác quy mô lớn
Mỗi ngày khu vực nông thôn ở Vĩnh Phúc thải ra môi trường gần 600 tấn rác nhưng khả năng thu gom, xử lý ở khu vực này mới đạt khoảng 69% và chủ yếu theo phương thức chôn lấp. Nhiều địa phương chưa có bãi rác thải tạm thời nên phải tập kết về điểm trung chuyển, sau đó thuê các công ty môi trường đô thị vận chuyển đến bãi rác tập trung để xử lý. Tuy nhiên, Vĩnh Phúc lại chưa có bãi rác tập trung quy mô lớn. Tại thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên có một số bãi rác tạm là nơi gom, tập kết, xử lý rác của hai đô thị và một số địa phương khác nhưng quy mô nhỏ, xử lý bằng cách chôn lấp...
Từ khi bãi rác núi Bông tại phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên đóng cửa năm 2009 do bãi rác được lấp đầy thì việc quy hoạch xây dựng bãi rác quy mô lớn ở Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn, trở ngại do quy hoạch ở nhiều địa phương người dân chưa đồng thuận. Chính vì thế mà nhiều năm qua, rác sinh hoạt của thành phố Vĩnh Yên và một số địa phương trong tỉnh được đưa về bãi rác tạm ở khu Gò Chai, phường Khai Quang để chôn lấp. Đô thị lớn thứ hai của tỉnh Vĩnh Phúc là thị xã Phúc Yên cũng chỉ có một nơi đổ và xử lý rác tạm thời, ngắn hạn tại địa bàn thị xã.
Chính vì chưa có điểm tập kết rác quy mô lớn để đáp ứng tốt công tác thu gom, xử lý hiệu quả, lâu dài nên rác thải, chất thải nói chung ở Vĩnh Phúc bị xả tràn lan ra môi trường. Không ít khu vực trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường nhỏ vùng nông thôn đã trở thành nơi đổ rác. Tại một cuộc họp HĐND tỉnh Vĩnh Phúc mới đây, đại biểu bức xúc lên tiếng về tình trạng rác thải chất đống gây ô nhiễm nặng nề và quá sức chịu đựng của người dân. Điển hình tại chân cầu Thượng Lạp, trên Quốc lộ 2, đoạn qua địa phận 2 xã Tân Tiến và Yên Lập (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) suốt thời gian dài hai bên lề quốc lộ bị biến thành nơi chứa rác của nhiều thôn xóm; rác thải ứ đọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường...
Khó khăn trong xử lý rác
Nhiều kênh, mương, ao, đầm... bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến dòng chảy, chất lượng nước do rác thải. Trước tình trạng chất thải đổ ra các sông. kênh, mương... diễn biến phức tạp, tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh xây dựng phương án lắp đặt hệ thống lưới chắn rác. Đến hết tháng 5/2017, hệ thống kênh thuỷ lợi Liễn Sơn tại Vĩnh Phúc đã được lắp đặt 41 vị trí lưới chắn rác; trong đó 26 vị trí trên sông chính Tả ngạn; còn lại là các kênh lớn, nhỏ. Việc lắp đặt hệ thống lưới chắn rác này nhằm phân rõ trách nhiệm trong công tác quản lý của chính quyền địa phương nơi có dòng kênh chảy qua. Chính quyền xã, thị trấn nào để xảy ra tình trạng vứt rác thải xuống kênh thuỷ lợi sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện và tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, việc lắp hệ thống lưới chắn rác còn để tránh tình trạng các xã, thị trấn đùn đẩy và trốn tránh trách nhiệm đã để tình trạng người dân vứt rác xuống kênh…
Tuy nhiên qua thời gian ngắn, hệ thống lưới chắn rác này đã làm nảy sinh nhiều bất cập, làm ô nhiễm nguồn nước có nguy cơ nặng hơn và việc lưu thông chênh lệch nguồn nước là rất lớn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lượng rác thải, xác động vật vứt xuống kênh vẫn chưa được cải thiện, còn nhiều vị trí lưới chắn rác ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp nước về cuối kênh phục vụ sản xuất ở các địa phương...
Những năm qua, Vĩnh Phúc thực hiện triển khai lắp đặt các lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô cấp xã và đã bàn giao cho các địa phương khai thác, vận hành bước đầu cho thấy, hiệu quả xử lý rác thải cao hơn so với biện pháp chôn lấp. Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc dừng triển khai các lò đốt rác thải sinh hoạt có quy mô nhỏ, hiện nay ngành chức năng đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, sử dụng công nghệ đốt theo hình thức xã hội hóa để giải quyết triệt để vấn đề rác thải sinh hoạt của tỉnh. Song, quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn về địa điểm, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đơn giá xử lý. Và vần đề xử rác thải, chất thải gây ô nhiễm vẫn còn đó, gây bức xúc cho bao người dân Vĩnh Phúc.