Võ thuật cổ truyền Việt Nam, xét về độ hấp dẫn không hề kém cạnh bất kì môn võ nào trên thế giới. Thế nhưng trong lúc các nước láng giềng chúng ta như Trung Quốc, Thái Lan đã biến võ thuật trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù thì ở Việt Nam, loại hình du lịch này vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có.
Chưa tạo được thương hiệu
Những du khách khi đặt chân đến thị trấn Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, nơi được gọi là “thánh địa võ thuật Trung Hoa” hay đến Thiếu Lâm Tự, “Thái Sơn Bắc Đẩu” của võ học thế giới đều phải trầm trồ thán phục về cách làm du lịch võ thuật của họ. Bảo Chi Lâm thuộc thị trấn Phật Sơn, trước kia vốn là một hiệu thuốc Đông y do Hoàng Kỳ Anh lập nên dùng để bốc thuốc chữa bệnh, giờ đây là một địa điểm tham quan du lịch võ thuật nổi tiếng ở Trung Hoa. Mỗi hình thức vui chơi giải trí, hàng hóa lưu niệm ở đây, tất cả đều gắn với thương hiệu “Hoàng Phi Hồng”, điều này nhằm tạo sự thu hút với du khách, nhất là với những ai ham mê seri phim “Hoàng Phi Hồng”.
Võ cổ truyền Việt Nam là một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng. Ảnh: Internet |
Ở Tung Sơn Thiếu Lâm Tự, hình thức kinh doanh du lịch võ thuật còn năng động và phong phú gấp nhiều lần với đầy đủ các loại hình ăn uống, mua sắm, giao lưu thi đấu võ thuật… Với những cách làm đó, mỗi năm, Thiếu Lâm Tự thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Dẫu bị tiếng là “thương mại hóa”, cộng thêm chất lượng đào tạo ngày càng kém đi so với trước, nhưng thực tế, chính nhờ sự nhanh nhạy và năng động của những người quản lý chùa đã giúp Thiếu Lâm Tự thu về một số tiền không nhỏ mỗi năm.
Võ cổ truyền Việt Nam có lịch sử phát triển hàng ngàn năm, sức hấp dẫn không hề kém so với các môn võ Wushu của Trung Quốc, Muay Thái, nhưng do nhiều lí do khách quan lẫn chủ quan mà chúng ta chưa thể đưa di sản võ thuật thành một sản phẩm du lịch như các nước láng giềng. Hiện nay, ở Việt Nam, tour du lịch võ thuật vẫn còn là một khái niệm xa lạ.
Tại TP Huế, môn phái Võ Kinh Vạn An của võ sư Trương Quang Kim được xem là môn phái đi đầu trong việc đưa võ thuật cổ truyền thành sản phẩm du lịch, bằng cách kết hợp với ngành du lịch Huế mở các tour tham quan thưởng ngoạn, xem trình diễn võ thuật… Hàng năm, môn phái thu hút một lượng rất đông đảo du khách quốc tế. Tuy nhiên, trên cả nước, mô hình này vẫn còn quá ít, bởi vì đa số các môn phái chỉ gắn võ thuật với công tác giảng dạy bình thường, tư duy hơn thì kết hợp với các hoạt động kinh doanh bảo vệ - vệ sỹ.
Thay đổi tư duy võ thuật
Hiện nay, cứ 2 năm một lần, chúng ta mới tổ chức một kì Festival võ thuật tại Bình Định, như vậy là quá ít để có thể biến võ thuật thành một sản phẩm du lịch đặc thù có thương hiệu như ở các nước bạn.
Võ sư Trương Quang Kim, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng môn phái Võ Kinh Vạn An cho biết: “Chúng tôi mỗi lần sang châu Âu biểu diễn thấy quần chúng họ hâm mộ yêu thích võ ta vô cùng. Trung Quốc họ có thể “biến võ thành ra tiển”, vậy mà ở Việt Nam đến giờ vẫn chưa làm được. Theo tôi, chúng ta 2 năm tổ chức định kì một dịp Festival võ Tây Sơn như vậy vẫn còn chưa đủ, cần phải tổ chức được nhiều hoạt động võ thuật như thế nữa, có vậy mới tạo ra được thương hiệu võ Việt”.
Nhiều ý kiến trong giới võ thuật cho rằng, nếu đưa võ thuật cổ truyền thành một sản phẩm du lịch đặc thù thì sẽ dẫn đến chất lượng đào tạo đi xuống, người học võ chỉ để múa may phù phiếm không có tác dụng thực tế. Thế nhưng, theo võ sư Trương Quang Kim, đây chỉ là hai mặt của một vấn đề. “Làm du lịch nhưng thành tích thi đấu của các võ sĩ Vạn An ở những giải cấp quốc gia, thậm chí là quốc tế đâu có kém ai! Thi đấu tốt, đem về nhiều huy chương cũng là một cách để nâng cao vị thế môn phái, và thu hút khách du lịch”.
Tại Thái Lan, Muay đã trở thành một thương hiệu du lịch, những trận đấu Muay Thái tại các võ đài lớn luôn thu hút một lượng du khách rất đông đảo có thể lên đến hàng chục nghìn người đến xem. Điều này giúp các nhà tổ chức thu về một số tiền rất lớn, và phần nào đưa hình ảnh Muay Thái nổi bật trong làng võ thế giới. Ở Việt Nam, từ năm 1999, hình thức đấu võ đài tự do đã bị bãi bỏ. Các giải đấu võ thuật hiện nay với nhiều nguyên nhân đã không còn lôi kéo được khán giả.
Theo võ sư Trương Quang Tâm, Phó Chủ tịch Hội Võ thuật Cổ truyền tỉnh Quảng Trị: “ Thi đấu đối kháng hiện nay so với đánh đài trước kia không hấp dẫn bằng. Trước kia, thế hệ chúng tôi, mỗi lần đánh đài là người đi xem kín chỗ! Ngày nay đã có luật lệ, có găng giáp bảo vệ, nếu mà phục hồi lại được loại hình thi đấu này, có lẽ sẽ thu hút được rất đông người xem”.
Võ sư Nguyễn Xuân Du, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Bình thì cho rằng: “ Muốn đưa võ thuật thành sản phẩm du lịch thu hút được khách quốc tế, chúng ta phải đưa võ sĩ võ cổ truyền ra thi đấu giao lưu với môn võ của các nước. Có vậy, họ mới thấy cái hay, cái độc đáo của võ Việt để mà đến tham quan, thưởng thức. Ngoài ra, để đáp ứng tốt nhu cầu được tham quan thưởng thức của du khách, các môn phái võ Việt cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại võ đường quy củ tiêu chuẩn, đầy đủ tiện nghi, cùng với đó là kết hợp mở các loại hình dịch vụ lưu niệm...”. Cũng theo võ sư Xuân Du, hiện nay, do công tác này đòi hỏi kinh phí rất lớn, cùng với đó là các đơn vị võ phái vẫn chưa có được sự hỗ trợ cần thiết từ cơ quan chức năng nên việc đầu tư xây dựng võ thuật thành một loại hình du lịch vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đây chỉ là một trong số những góp ý của những võ sư có tâm huyết muốn đưa võ Việt trở thành một sản phẩm du lịch thực sự. Bên cạnh các loại hình văn hóa du lịch khác, võ thuật cổ truyền cũng là một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng. Nếu được khai thác tốt, hiệu quả, du lịch võ thuật sẽ góp phần đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra bạn bè thế giới. Chúng ta đang bị các nước bạn “bỏ xa” về loại hình du lịch này, đã đến lúc, ngành du lịch và những người làm võ thuật cần ngồi lại với nhau để đưa ra một phương hướng đúng đắn cho sự phát triển của du lịch võ thuật Việt Nam.
Lăng Vân Phong