Mặc dù Luật Giao thông đường bộ có quy định cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô, xe máy thế nhưng nhiều người vẫn vô tư sử dụng điện thoại khi lưu thông trên đường. Thật không khó để bắt gặp trường hợp vừa chạy xe máy vừa gọi điện thoại hoặc nhắn tin, lướt web…
Việc sử dụng điện thoại khi lái xe sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung, kiểm soát tốc độ bị hạn chế. Khi gặp tình huống bất ngờ, người lái sẽ lúng túng, không xử lý kịp thời dễ gây tai nạn. Ngoài ra, người tham gia giao thông khi sử dụng điện thoại trên đường dễ tạo cơ hội cho những đối tượng cướp giật.
Theo phân tích của cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông gần tương đương với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu bia. "Tôi ít khi nghe điện thoại khi đang đi trên đường, nhưng mỗi muốn nghe, tôi thường tấp vào vỉa hè để nghe. Hiện nay, tôi thấy rất nhiều người đi đường một tay điều khiển phương tiện, một tay nghe điện thoại hoặc nhắn tin. Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra khi người điều khiển phương tiện mải mê, "dán" mắt vào màn điện thoại mà không chú ý quan sát khi lưu thông qua giao lộ", anh Tứ Quý (ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ.
Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã quy định các mức xử phạt về hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Theo đó, đối với người lái xe ô tô, phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng đối với người điều khiển xe dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường; nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng; người điều khiển mô tô, xe gắn máy phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng khi đang điều khiển xe mà sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại vẫn diễn ra phổ biến do nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế và một phần do mức xử phạt còn thấp, số người vi phạm bị xử phạt chưa đáng kể.
Trong năm 2018, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 3.618 vụ tai nạn giao thông, làm chết 694 người và làm bị thương 2.175 người so với năm 2017. Trong đó, không ít trường hợp bị tai nạn giao thông liên quan đến việc sử dụng điện thoại di dộng khi tham gia giao thông.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tháng 5/2019, toàn quốc xảy ra 1.326 vụ tai nạn giao thông, làm chết 558 người và làm bị thương 1.075 người. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, (số liệu từ ngày 16/12/2018 đến 15/5/2019), toàn quốc xảy ra 6.779 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.128 người, bị thương 5.254 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 6.695 vụ, làm chết 3.077 người, bị thương 5.229 người.